Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tăng cường công tác xã hội góp phần giảm nghèo ở Việt Nam

02/06/2014 14:45:10 Xem cỡ chữ

Trong hệ thống chính sách an sinh xã hội (ASXH) của Việt Nam (VN), hầu hết các chính sách liên quan đến bảo trợ xã hội đều đến với các đối tượng ở nông thôn, trong tổng số những người được hưởng trợ cấp xã hội, 80% là ở nông thôn và hầu hết họ là người nghèo. Chính vì vậy, tăng cường những dịch vụ vủa nghề công tác xã hội (CTXH) cho các đối tượng này, sẽ góp phần giảm nghèo bền vững.

Vì sao cần phát triển nghề CTXH?         

Có thể thấy,  tác động của hệ thống chính sách đến khu vực nông thôn   vẫn chưa tương xứng và ngang tầm với yêu cầu, nhiều vấn đề bức xúc về xã hội nông thôn có xu hướng gia tăng. Trong khi các vùng đô thị được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng nghèo vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều vùng nông thôn của VN và ở mức độ rất cao ở các vùng dân tộc thiểu số. Nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà còn thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ, như giáo dục, văn hóa, thuốc men, không chỉ thiếu tiền mặt, thiếu những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống.

 Cả nước hiện có 8,5 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 10,5-11 triệu người, trong 10 năm tới vấn đề già hoá dân số sẽ trở thành một thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, phụng dưỡng và đặc biệt là các dịch vụ xã hội trợ giúp người cao tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, nhất là ở khu vực vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao, vấn đề nghèo đô thị cũng đòi hỏi một hệ thống ASXH được tăng cường cả về chính sách hỗ trợ và nguồn lực để đảm bảo giảm nghèo bền vững. Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,6%, số người có hoàn cảnh khó khăn khoảng 28% dân số, trong đó có hơn 6,7 triệu người khuyết tật; 1,6 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 3 triệu hộ nghèo; hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện; gần 170.000 người nghiện ma tuý; hơn 15.000 người bán dâm; gần 2,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước… Tất cả những đối tượng trên đều cần có sự trợ giúp từ những người làm CTXH.

 

Thực trạng nghề CTXH ở Việt Nam

Tại Việt Nam nghề CTXH mới bước đầu đi vào thực tiễn cuộc sống với rất nhiều khó khăn, thách thức.Theo Bộ LĐTBXH, đến năm 2015, Việt Nam cần khoảng 58.000 nhân viên CTXH, trong đó, có hơn 15.000 người sẽ được đào tạo ở cấp đại học, số lượng này gần với mục tiêu của Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển CTXH, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH. Song nhiều nhận định đây là mục tiêu khó thực hiện, gánh nặng trước hết ở công tác đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng và chất lượng.

Hiện cả nước chỉ có 35.230 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH, quá thiếu so với nhu cầu của xã hội. Mạng lưới cơ sở xã hội ở VN chủ yếu là các cơ sở bảo trợ, còn những cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội thì rất ít, hoạt động manh mún.

Cục Bảo trợ Xã hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ, viên chức và cộng tác viên CTXH ở 41 tỉnh thành, kết qua chỉ 48,7% đã được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó 19,1% được đào tạo dài hạn chuyên môn, song rải rác ở nhiều ngành khác nhau như Tâm lý học, Xã hội học. Số người được đào tạo về CTXH chiếm chưa đến 10%. Sự thiếu hụt về trình độ, kiến thức chuyên môn CTXH trong làm việc với mỗi nhóm đối tượng cụ thể còn bức xúc hơn nhiều. Rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực CTXH chỉ làm việc theo kinh nghiệm và lòng thiện tâm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH, hoặc chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn.

Khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 được phê duyệt, sau 4 năm, đã bước đầu trong xây dựng chính sách, củng cố đội ngũ và mạng lưới, xây dựng giáo trình, tăng cường truyền thông cũng như hợp tác quốc tế. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đã được củng cố, phát triển. Hiện cả nước có trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH. Các Trung tâm này đã được Dự án hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình và phát triển dịch vụ CTXH. Đến nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH theo Đề án, với gần 8.800 cộng tác viên.

 Tăng cường công tác xã hội để giảm nghèo

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, TS. Doãn Mậu Diệp, bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã cho thấy rõ, việc giảm nghèo đa chiều dựa trên tăng cường năng lực CTXH, đã mang lại hiệu quả cao và bền vững trong việc xử lý các vấn đề nghèo đói ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Ở cấp độ cá nhân, với hệ thống kiến thức kỹ năng chuyên sâu và phong phú trong lĩnh vực xã hội và con người, nhân viên CTXH sẽ can thiệp trực tiếp và kết nối các nguồn lực nhằm xử lý các vấn đề nghèo đa chiều.

Trên thực tế, thành công của VN trong phát triển nghề CTXH, đều có sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, điển hình là Giáo sư điều dưỡng Đại học Memorial Lan Trần Giễn. Giáo sư Lan đã thực hiện bốn dự án lớn, về nâng cao trình độ cán bộ y tế và tăng cường dịch vụ y tế phục vụ người nghèo. Từ năm 2002, Giáo sư đã vận động các nguồn ngân quỹ do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA), quản lý bởi Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng của Canada để cộng tác với Trường Đại học Lao động – Xã hội thực hiện Dự án: “Xóa đói giảm nghèo thông qua cải thiện dịch vụ xã hội và Y tế nông thôn VN” với tổng kinh phí khoảng 1,3 triệu đô la.

Từ thực tế của Việt Nam, GS Lan Trần Giễn nhận định, những người làm CTXH cần rất nhiều kỹ năng mềm, chứ không chỉ là những kiến thức học trong các trường học. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nhằm hỗ trợ đào tạo chuyên sâu và đào tạo bậc cao học, cho đội ngũ giảng viên các trường và cán bộ của một số cơ quan quản lý Nhà nước làm việc trong lĩnh vực ASXH cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội là hết sức cần thiết để giúp các nhân viên CTXH làm tốt công việc của mình, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Theo Bộ LĐTB&XH