Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, những chính sách để giảm nghèo đã tác động trực tiếp tới các vùng, địa bàn và tới từng hộ dân ở các huyện, xã nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012; ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ giảm nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010; tại 62 huyện nghèo giảm từ 58,33% năm 2010 xuống 43,89% năm 2012. Đó là những con số mà các tổ chức thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đã có những chính sách giảm nghèo đạt thành tựu, kết quả ấn tượng và rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để giảm nghèo một cách bền vững, đặc biệt là giảm bớt sự chênh lệch quá lớn giữa “vùng nghèo” và “vùng giàu”, thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn. Nên chăng cần tập trung vào ba giải pháp chính sau:
Một là, chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí. Ông cha ta có câu: “Cho cái cần câu thay vì cho con cá”. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các vùng, các huyện, các xã có nhiều hộ nghèo chính là trao “cái cần câu” cho người dân. Một khi người dân có nhận thức, có kiến thức thì họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình. Họ sẽ tự biết trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao nhất.
Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí ở các vùng nghèo được xem như “chiếc chìa khóa” để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh trên mảnh đất của họ.
Hai là, tăng cường đầu tư xây dựng cho giao thông nông thôn. Giao thông là huyết mạch quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, giao thông nông thôn lại càng có ý nghĩa cho sự phát triển đối với các vùng nghèo. Thiếu giao thông thì không thể thông thương, càng không thể giao thương khi mà sản xuất hàng hóa ở các vùng nghèo còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Người dân ở vùng này khi sản xuất và chăn nuôi đã vô cùng khó khăn do điều kiện tự nhiên và điều kiện địa lý không thuận lợi nhưng lại càng khó khăn hơn khi sản phẩm làm ra không được tiêu thụ dễ dàng. Ở địa bàn cấp huyện, nhiều xã còn mang tính tự cung, tự túc, sản phẩm làm ra khi tiêu thụ cũng khó khăn để tiếp cận thị trường, dẫn đến bị tư thương ép giá. Không có giao thông thì không có nền nông nghiệp hàng hóa, nông dân vốn đã nghèo giao thông nông thôn cũng không thuận tiện khiến cuộc sống của họ càng nghèo hơn.
Ba là, chính sách hỗ trợ vay vốn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ. Muốn thực thi chính sách này một cách có hiệu quả thì cần phải giải quyết hai vấn đề trên một cách đồng bộ, căn cơ. Người nông dân mong muốn và có ước nguyện làm giàu trên mảnh đất của mình, tuy nhiên họ cần được hỗ trợ về chính sách vay vốn. Với một lãi suất ưu đãi, hợp lý, vốn được xem như một “cú hích” như sự “cứu cánh” cho những ước mơ đích thực của người nông dân muốn tự mình vươn lên thoát nghèo. Người xưa có câu “có bột mới gột lên hồ”, vốn chính là “bột” cho người nông dân “gột” lên sản phẩm của mình. Khi đã có vốn lại được cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ cùng với bàn tay, khối óc, sự khao khát vươn lên thoát nghèo của người nông dân hy vọng rằng sẽ giải quyết được bài toán giảm nghèo một cách bền vững.
Giảm nghèo là tiêu chí minh chứng cho một quốc gia phát triển. Ngân khố quốc gia tuy chưa dồi dào để có thể đồng thời giải quyết một lúc tất cả những vấn đề đặt ra của đất nước, nhưng chính sách giảm nghèo những năm qua của Nhà nước đã và đang ngày càng đi vào vùng nghèo một cách sâu sát, thiết thực hơn.
Tuy nhiên, chính sách của nhà nước mới chỉ là yếu tố cần vô cùng quan trọng, mà điều quan trọng hơn là sự chỉ đạo của các ngành, các cấp ở các địa phương cùng với sự tự lực, tự cường vươn lên của người dân sẽ là yếu tố đủ để 62 huyện nghèo của nước ta thoát nghèo một cách bền vững./.