Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Làm giàu nhờ chăn nuôi

06/09/2014 08:49:51 Xem cỡ chữ

Một vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Văn Tiến đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong các mô hình đó phải kể đến là mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Bồng ở thôn Lưỡng Sơn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hiện nay từ chăn nuôi lợn, gà và thả cá, hàng năm gia đình ông cho thu nhập trên 150 triệu đồng, đây vốn là điều mơ ước của nhiều người nông dân.

Ông Bồng đang chăm sóc đàn gà của gia đình.

Sinh năm 1963 ở Yên Lạc - Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Bồng đi bộ đội, đóng quân ở Văn Tiến, rồi làm quen và bén duyên xây dựng gia đình với chị Vũ Thị Thủy ở xã Văn Tiến. Lập nghiệp trên quê vợ với vô vàn khó khăn, chỉ có hai bàn tay trắng, ruộng nương ít. Mới đầu ông Bồng đi làm thuê ở khắp nơi như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn để mưu sinh. Rồi sau đó lại về quê làm gạch thuê cho các hộ dân trong xã. Sau nhiều năm, gia đình đã đầu tư mua được mảnh đất rộng khoảng 2 nghìn m2. Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi có thể phát triển chăn nuôi, đến năm 2007, ông Bồng đã quyết định không đi theo nghề làm thuê, làm mướn nữa mà phát triển kinh tế ngay tại trên mảnh đất vườn, đồi của gia đình. Bắt đầu chăn nuôi có số vốn ít, gia đình đầu tư mô hình nhỏ lẻ, khởi điểm bằng nuôi lợn, từ vài con đến vài chục con/lứa. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến năm 2008, ông Bồng là gia đình đầu tiên trong xã Văn Tiến đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi 100 con lợn thịt. Đến năm 2009, ông lại đăng ký tham gia mô hình muôi 20 con lợn nái. Xuất chuồng đến đâu lại lấy nguồn vốn đầu tư cho lứa lợn tiếp theo. Đến năm 2013, gia đình ông Bồng lại đầu tư vài chục triệu đồng làm chuồng trại quy mô để nuôi gà thương phẩm với quy mô 5 nghìn con. Giống gà gia đình nuôi là gà ri Hải Phòng và gà lai chọi, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bồng đã đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô diện tích 500m2 để nuôi lợn và gà. Gia đình thường xuyên duy trì số gà 5000 con; đàn lợn 60 con, trong đó có 7 con lợn nái. Khác với các gia đình chăn nuôi quy mô lớn là thường cho gà ăn cám con cò, ông Bồng cho đàn gà ăn bột ngô. Thức ăn của lợn cũng là bột ngô ủ men vi sinh. Không nuôi nhốt gà trong chuồng mà đàn gà của gia đình thường xuyên được thả ra khu đồi rộng, để đàn gà thơm ngon có chất lượng lượng hơn. Điều đáng nói, không chỉ đầu tư số tiền lớn vào xây dựng chuồng trại, mua con giống mà ngay từ khi mới bắt đầu chăn nuôi, gia đình đã áp dụng những tiến bộ khoa học để đảm bảo môi trường. Như xây 2 hầm khí sinh học bi ô ga trong chăn nuôi lợn từ năm 2007- 2008 và sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gà. Vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa tận dụng được chất thải trong chăn nuôi. Khi được hỏi về khởi nguồn từ đâu mà phát triển nghề chăn nuôi, ông Bồng cho biết: “Do sức khỏe không cho phép đi làm thuê nữa, về nhà tôi quyết định bắt đầu phát triển chăn nuôi. Tạo việc làm tại chỗ. Đầu tiên thì nuôi ít thôi, cũng không nghĩ là mình nuôi được nhiều như thế này. Trong thời gian tới, gia đình vẫn muốn phát triển đàn gà từ quy mô 5000 con như hiện nay lên 7.000 con.”

Cũng theo ông Bồng để có thể duy trì đàn gà và đàn lợn lớn như vậy, gia đình cũng phải thường xuyên phun khử trùng tiêu độc diện tích chuồng trại, tiêm phòng bệnh cho đàn lợn, gà theo đúng định kỳ. Cùng với đó là phải học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ những người cung cấp giống, kinh nghiệm từ thực tiễn trong quá trình chăn nuôi của gia đình, đặc biệt là giống vật nuôi phải được lấy từ những công ty có uy tín, ,có như vậy mới đảm bảo con giống khỏe mạnh. Đây là điều kiện hết sức cần thiết trong phát triển chăn nuôi.

Không chỉ nuôi lợn và gà, gia đình ông Bồng còn đấu thầu đất ruộng cùng với diện tích ruộng của nhà được 2000m2 để nuôi cá bán thâm canh. Với 2 loại cá chủ yếu là trôi và chép. Trung bình mỗi năm được 1,5 đến 2 tấn cá thịt. Gia đình cũng tận dụng đất vườn trồng 100 gốc chanh tứ thời, cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp hàng năm, gia đình ông Bồng thôn Lưỡng Sơn xã Văn Tiến cung cấp cả chục tấn lợn và gà cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình có lãi khoảng 150 triệu đồng. Nhận xét về mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp này, Ông Trần Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Văn Tiến cho biết: “Đối với xã Văn Tiến, mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bồng thôn Lưỡng Sơn là một mô hình điểm. Hiện nay gia đình đang chăn nuôi lợn, gà, cá. Không chỉ bởi vì quy mô chăn nuôi lớn, có hiệu quả kinh tế cao mà gia đình còn biết quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi. Nhờ đó không gây ô nhiễm môi trường đối với các hộ dân xung quanh.”

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Bồng ở thôn Lưỡng Sơn xã Văn Tiến thực sự là một mô hình điểm trong phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi. Mô hình này cần được phát huy và nhân rộng, để người dân nông thôn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

(Theo Trang TTĐT thành phố Yên Bái)