Ngành Y tế chủ động đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử trí cấp cứu tai nạn giao thông

10/11/2017 09:37:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái, của Bộ Y tế về công tác đảm bảo an toàn giao thông 9 tháng năm 2017, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành và triển khai tốt các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ trong ngành và nhân dân về Luật An toàn giao thông đồng thời tổ chức tốt các hoạt động về thường trực cấp cứu, sơ cứu và điều trị kịp thời cho người tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế.

Bệnh viên Đa khoa tỉnh

Trong 9 tháng năm 2017, Sở Y tế Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai và ban hành các văn bản thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích trong ngành y tế.

Trong đó, Sở đã tổ chức quán triệt, phổ biến các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Chỉ thị số 18-CT/TW; Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 44/CTHĐ-UBATGTQG của Ủy ban ATGT Quốc gia, Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 6/5/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về triển khai chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016-2020, đồng thời triển khai  Kế hoạch số 56/KH-BATGT ngày 29/3/2017 của Ban an toàn giao thông tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 4 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tăng cường công tác truyền thông về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Cùng với đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thường trực cấp cứu 24/24h để sẵn sàng cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức cấp cứu kịp thời các trường hợp người bệnh bị tai nạn giao thông đến khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế. Hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Các cơ sở  y tế đã tổ chức tốt việc sơ cứu và chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp tai nạn giao thông bị chấn thương nặng như: chấn thương sọ não, đa chấn thương... tham gia hỗ trợ xử lý các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn. Trong 9 tháng đã tiến hành cấp cứu và điều trị 1346 trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở các mức độ khác nhau đến cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó 94,4% (1270/1346) số người bị tai nạn do điều khiển xe máy, còn lại là do các nguyên nhân khác: như người đi bộ va quệt vào ô tô, vào xe gắn máy, tai nạn thương tích, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động...Các trường hợp tai nạn giao thông có tới 43% (620/1346) bị chấn thương sọ não ở các mức độ khác nhau, 65% (870/1346) tổn thương ở thân mình và chân tay. Trong số người bị chấn thương sọ não thì có 14,6% (196/1346) đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, 28% (380/1346) số người tai nạn giao thông có sử dụng rượu khi lái xe, 12% số ca tai nạn phải chuyển tuyến trên (tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh và tuyến tỉnh chuyển tuyến trung ương). Số người bị tai nạn giao thông trong độ tuổi 20-60 chiếm 52% (704/1376).

Trong thời gian tới, ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham gia hỗ trợ xử lý các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn.

Ban Biên tập