Được thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam..
.
Trải qua một chặng đường dài, đến nay, PCI đã trở thành tiếng nói đại diện cho nhu cầu, hy vọng và mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, truyền tải trực tiếp và mạnh mẽ tiếng nói này tới các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương.
PCI là gì?
PCI là chữ viết tắt của ba từ tiếng Anh: Provincial Competitiveness Index, được dịch sang tiếng Việt là “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” - là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (là dự án do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID, tài trợ.
Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 đối với 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lần thứ hai là từ năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.
Mục đích xây dựng chỉ số PCI
Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố để xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Đơn vị thực hiện và công bố chỉ số PCI
Chỉ số PCI hiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI cùng hợp tác thực hiện.
Ai tham gia đánh giá PCI?
PCI được xây dựng từ cảm nhận và đánh giá của những doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động tại các địa phương. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các nhà đầu tư không nằm trong diện tham gia khảo sát PCI.
Phương pháp xây dựng PCI
Để xây dựng PCI, VCCI tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tổ. Mỗi năm, có khoảng gần 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh trả lời điều tra PCI. Để xây dựng bộ chỉ số này, ngoài dữ liệu điều tra, nhóm nghiên cứu PCI của VCCI còn sử dụng các thông tin khác đã công bố của các bộ, ngành...
Lần đầu tiên được công bố vào năm 2005, PCI có 8 chỉ số thành phần; Năm 2009, phương pháp luận PCI được điều chỉnh lên 9 chỉ số thành phần, gồm: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và có mặt bằng kinh doanh ổn định; 3) Môi trường kinh doanh công khai minh bạch, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công bằng các thông tin cần cho kinh doanh và các văn bản pháp luật cần thiết; 4) Chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; 5) Thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra hạn chế nhất; 6) Lãnh đạo tỉnh năng động và tiên phong; 7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, do khu vực nhà nước và tư nhân cung cấp; 8) Có chính sách đào tạo lao động tốt; và 9) Hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.
PCI có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động kinh doanh ở địa phương?
Bằng cách chuẩn hóa điểm số xung quanh các thực tiễn điều hành kinh tế, chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh cải thiện chất lượng công tác điều hành. Và với việc loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố cơ bản đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong một tỉnh như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường và nguồn nhân lực…, chỉ số PCI giúp xác định và hướng vào các thực tiễn điều hành kinh tế tốt có thể đạt được ở cấp tỉnh.
PCI được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp, do vậy chỉ số này phản ánh một cách khách quan và trung thực về môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương. PCI phản ánh được thực trạng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, các điểm mạnh điểm yếu, cũng như xác định được chính quyền nào có chất lượng điều hành kinh tế tốt và các doanh nghiệp hài lòng. Từ đó, chính quyền tỉnh sẽ nhận biết được môi trường kinh doanh của mình hiện đang còn những yếu kém gì cần phải khắc phục để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Vì thế, PCI được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh./.
(Theo Báo Nghệ An)
0 lượt xem