CTTĐT - Ngày 22/11/2023, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Dự và chủ trì có đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, tham dự tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh lân cận cùng lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, đề án, chính sách phủ kín tất cả các lĩnh vực để triển khai cho cả giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, Yên Bái luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể thông qua những nghị quyết, chính sách quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để phát triển Kinh tế tập thể, HTX. Tỉnh cũng đã tập trung triển khai nghiêm túc các Chương trình MTQG; thường xuyên rà soát, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Đến nay đối với khu vực Kinh tế tập thể tỉnh, nhiều đơn vị đã xác định vị trí quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vượt lên khó khăn nội tại thực hiện chuyển đổi số phù hợp với hạ tầng sản xuất, hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nhân lực, nhiều HTX đã thích ứng và từng bước tham gia thành công vào chuyển đổi số. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của các HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và hoạt động xúc tiến thương mại tương đối hiệu quả.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, công tác chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn: Trình độ cán bộ lãnh đạo, trình độ dân trí của thành viên, người lao động HTX còn hạn chế trong việc tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của đơn vị; cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nhất là các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái hi vọng buổi Tọa đàm này sẽ là cơ hội để Yên Bái được tiếp nhận thêm nhiều thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh bạn trong công tác chuyển đổi số; đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung và HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Đối với tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 727 HTX với gần 32 nghìn thành viên, gần 5.400 tổ hợp tác, với trên gần 27 ngàn thành viên. Các HTX, THT cơ bản có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh. Một số mô hình tiên phong, ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất, để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh như: HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, huyện Văn Yên; HTX Suối Giàng, HTX tổng hợp Kiến Thuận; HTX Trà Shan tuyết Phìn Hồ, huyện Văn Chấn; HTX nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải...
Lãnh đạo Viettel Yên Bái chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Tại buổi toạ đàm, đội ngũ chuyên gia và các đại biểu đã tìm hiểu thực trạng, mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những thuận lợi, khó khăn trong việc đưa sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) vào hệ thống phân phối hiện đại.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện còn nhiều HTX, đặc biệt là HTX, thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích lớn của công nghệ thông tin, chưa làm quen được với hình thức quản lý, điều hành và kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử. Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghệ thông tin nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu để ứng dụng công nghệ. Hệ sinh thái chuyển đổi chưa đồng bộ, thống nhất và chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, năng lực của các HTX, thành viên vùng đồng bào DTTS và MN. Hiện nay trên thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nói chung và HTX nói riêng có rất nhiều ứng dụng số. Tuy nhiên để áp dụng vào cho đồng bào DTTS và MN còn gặp rất nhiều khó khăn, một trong những khó khăn đó là khả năng tiếp nhận do rào cản về địa lý, trình độ, chi phí, phong tục tập quán…
Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, để các HTX thay đổi tư duy, nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng công nghệ, tạo hành lang thuận lợi để các HTX, thành viên, đồng bào DTTT và MN ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh; khuyến khích, hỗ trợ các HTX, thành viên tham gia vào các mạng lưới chuyên nghiệp để trao đổi, tìm hiểu và thí điểm các giải pháp kỹ thuật số chung; học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.
Cùng với thảo luận, chia sẻ giới thiệu những mô hình HTX điển hình trong việc áp dụng chuyển đổi số, các đại biểu dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong xúc tiến thương mại qua sàn thương mại điện tử và các nền tảng xã hội. Từ đó, đưa sản phẩm của vùng đồng bào DTTT và MN đến gần hơn với người tiêu dùng không chỉ tại thị trường trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ, chuyển đổi số phải hành động thực tiễn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển toàn diện mọi mặt kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định chuyển đổi số là cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho đồng bào thành viên HTX vùng DTTS và MN, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTT&MN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với thực tiễn các địa phương. Đồng chí đã phân tích những thuận lợi, khó khăn chủ yếu trong vùng DTTS và MN, đồng thời cũng đề nghị thời gian tới, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các chính sách hỗ trợ HTX để thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền; đặt hàng, giao việc cho Liên minh HTX tỉnh để triển khai toàn bộ các chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các HTX; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng, đối mới công nghệ và chuyển đổi số; tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy liên kết hợp tác, huy động nguồn lực xã hội thông qua doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng chí cũng lưu ý, các HTX xây dựng thương hiệu cần gắn với câu chuyện sản phẩm, câu chuyện của người nông dân để sản phẩm tạo ấn tượng và lan tỏa. Đồng thời chuyển đổi số phải hành động ngay và sát với thực tiễn; các địa phương phải xây dựng quy chế ứng xử trên không gian mạng và các chợ thương mại điện tử.
Với những vướng mắc và ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tiếp thu để xây dựng kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.
Bên lề buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP, sản phẩm là thế mạnh của các HTX tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cùng các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày của tỉnh Yên Bái
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái tham quan sản phẩm của HTX Chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh
136 lượt xem
Hiền Trang