Cho đến năm 1988, ở Yên Bái nói riêng và tỉnh Hoàng Liên Sơn nói chung chưa có một di tích nào được xếp hạng. Việc chậm lập hồ sơ xin xếp hạng di tích có nguyên nhân của nó.
Trước hết đó là do đội ngũ cán bộ chuyên môn của Phòng Bảo tồn Bảo tàng Ty Văn hóa Yên Bái, Bảo tàng tỉnh Hoàng Liên Sơn (từ 1980) còn rất hạn chế. Cho đến 1979, cán bộ chủ yếu là một số anh chị em được đào tạo trình độ trung cấp, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài cho đến 1975; các chủ trương chính sách về xếp hạng di tích của nhà nước cho đến 1979 tuy có thực hiện song chủ yếu mới ở vùng đồng bằng, còn vùng núi thì hầu như chưa được triển khai. Tình hình chuyên môn cũng chưa đáp ứng được các hoạt động khoa học.
Thứ hai, sau khi thống nhất đất nước, với chủ trương sáp nhập tỉnh của trung ương, ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ được sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, mọi hoạt động của Bảo tồn Bảo tàng lúc này bận rộn trong việc củng cố tổ chức, sắp xếp cán bộ, chuyển vận tài liệu, hiện vật về Lào Cai (tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn), rồi khi tình hình biên giới phức tạp, tỉnh lỵ chuyển về thị xã Yên Bái thì anh em Bảo tàng lại tập trung đưa cơ quan về tỉnh lỵ mới (năm 1978).
Thứ ba, tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, mọi vật lực của địa phương lại phải tập trung vào cuộc chiến đấu chống xâm lược, tuy sau một thời gian ngắn, quân Trung Quốc rút về nước, song lại tạo ra cuộc chiến tranh nhiều mặt vùng biên giới nhằm gây ra sự bất ổn về mọi mặt cho địa phương, mãi đến năm 1985 - 1986 tình hình mới tạm lắng dịu. Tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc đó trong tình trạng còn nhiều khó khăn về đời sống, kinh tế và văn hóa. Cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn.
Đó là những nguyên do chính làm cho công tác Bảo Tàng nói chung và công tác nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích nói riêng chưa có điều kiện triển khai.
Đầu năm 1979, chúng tôi là sinh viên vừa tốt nghiệp chờ phân công công tác, nhận thấy Hoàng Liên Sơn là vùng đất rộng việc nghiên cứu lịch sử của tỉnh chưa phát triển, còn nhiều mảng trống, có thể phát huy được chuyên môn mà mình được đào tạo, do đó tôi đã quyết đinh trở về Yên Bái công tác và có rủ thêm một số người cùng lớp (Đỗ Đức Thịnh, Lê Thị Phúc, Trần Hữu Sơn…) về xin vào công tác ở ty Văn hóa Thông tin Hoàng Liên Sơn, chúng tôi đã được cơ quan nhận ngay, tôi được phân công về Bảo tàng.
Tuy được đào tạo chính quy, song trong bối cảnh kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, nên cán bộ thường được điều đi làm công tác không phải chuyên môn của mình, nhất là lên vùng biên giới, hoặc tham gia vào các đoàn công tác do tỉnh thành lập. Hơn thế nữa đấy là thời kỳ kinh tế cả nước bước vào giai đoạn khủng hoảng, cơ chế bao cấp trở thành gánh nặng. Đấy cũng là nguyên nhân giúp cho Đảng quyết định xóa bỏ cơ chế bao cấp, xác định con đường đổi mới đất nước, chuyển sang cơ chế thị trường.
Vào khoảng 1986, sau mấy năm công tác tại Bảo tàng, tôi nhận thấy cần phải xúc tiến việc điều tra, xác định một số di tích để lập hồ sơ xếp hạng. Trước đó, tôi có hỏi bác Nguyễn Liễn, một cán bộ kỳ cựu Bảo tàng vì sao chưa thực hiện công việc này, và nếu làm thì hướng vào những di tích nào. Mặc dù công tác ở Bảo tàng lâu năm, bác cũng không đưa ra được ý kiến của mình. Tôi là người sinh ra ở thị xã Yên Bái, cho nên nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây tôi được biết, thậm chí còn được chứng kiến.
Về sự kiện Bác Hồ nói chuyện tôi có một kỷ niệm nho nhỏ. Tôi thấy ở thị xã Yên Bái có 2 địa điểm nổi bật đó là Khu mộ Nguyễn Thái Học và 16 chiến sĩ cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và Sân vân Động thị xã Yên Bái nơi Bác Hồ đến nói chuyện với nhân dân Yên Bái năm 1958. Để mở đầu cho việc xếp hạng di tích, tôi lựa chọn địa điểm Sân vận động, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Bái để nghiên cứu, thu thập tư liệu, hình thành hồ sơ khoa học.
Tôi còn nhớ một hôm, vào khoảng gần nửa đêm, bố tôi nói nhỏ với tôi là sáng sớm mai, 4 giờ đi nghe Bác Hồ nói chuyện. Sớm hôm sau tỉnh dậy, bố tôi đã đi từ lúc nào rồi. Còn tôi lúc đó là học sinh lớp 1, dù đã nghe nói đến Bác Hồ, song do ý thức học tập, tôi và các bạn vẫn đến lớp đầy đủ. Đến giờ học, cô giáo chủ nhiệm đến nói rằng hôm nay Bác Hồ đến nói chuyện ở sân Căng, các em được nghỉ để đi nghe Bác nói. Thế là cả lớp tôi ùa chạy ra sân vận động cách trường độ 300m. Đến nơi tôi thấy sân vận đông nghịt người, trên lễ đài có nhiều người đứng, một người đang nói, đúng là Bác Hồ rồi, vì lúc đó đứng xa, lại còn nhỏ nên tôi cũng không nghe rõ lời của Bác. Cuộc mít tinh kết thúc với những lời hô vang của nhân dân “Hồ Chủ Tịch muôn năm”.
Để chắc chắn, tôi đã về vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ VHTT) để trao đổi và xin ý kiến. Một số anh em có lăn tăn vì di tích này có vẻ nghèo nàn về kiến trúc. Tôi giải thích: sinh thời, Bác Hồ có đi thăm một số vùng Tây Bắc là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… Song không còn một địa điểm nào còn lại dấu tích, trừ Lễ đài Sân vận động thị xã Yên Bái. Đây chính là nơi ghi dấu ấn của Bác Hồ với nhân dân Yên Bái nói riêng và nhân dân Tây Bắc nói chung. Rất nhiều người đã từng tham dự buổi nói chuyện của Bác và họ rất xúc động khắc ghi những lời căn dặn của Người, vì vậy xếp hạng Quốc gia di tích này là chính đáng và là việc rất đáng làm. Sau khi nghe giải trình, lãnh đạo Vụ đã nhất trí cho Bảo tàng Yên Bái tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho di tích Lễ Đài.
Tôi và anh Phạm Doãn Lịch, cán bộ Bảo tàng đã tiến hành đo vẽ khu vực di tích, xác định khu vực bảo vệ 1, thuê chụp một số ảnh về di tích. Lúc đó ở Bảo tàng và ở Yên Bái không có bức ảnh nào chụp buổi nói chuyện của Bác, tôi đã về Thông Tấn xã Việt Nam đề nghị được cung cấp. Sau nhiều giờ tra cứu kho chình thức, họ không tìm được và phải tìm trong kho phụ. Rất may mắn là tìm được 2 bức ảnh (1 bức Bác đứng nói chuyện và 1bức là cảnh nhân dân ngồi dưới sân vận động), chúng tôi đã đặt họ làm vài bộ. Cũng từ đó, Yên Bái mới có được tấm ảnh quý giá này để làm kỷ niệm.
Trên cơ sở hồ sơ khoa học được xây dựng, Bộ VHTT đã quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Lễ đài Sân vận động thị xã Yên Bái (số 1228/VH/QĐ ngày 16/11/1988). Thế là Bảo tàng chúng tôi đã mở đầu và khai thông được việc xếp hạng di tích tại địa phương, một việc làm đầy ý nghĩa, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái và buổi nói chuyện lịch sử của Người với nhân dân Yên Bái (25/9/1958).
Mới thế mà 30 năm đã trôi qua, năm 2018 chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ thăm và nói chuyện với nhân dân Yên Bái, và 30 năm kỷ niệm ngày nơi Bác đứng nói chuyện - Lễ đài và Sân vận động thành phố Yên Bái - được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Dù Lễ đài ngày nay không còn nữa, song trong tâm khảm của người dân Yên Bái không bao giờ phai nhạt hình ảnh của Bác đứng trên Lễ đài nói chuyện, căn dặn nhân dân những điều rất giản dị mà sâu sắc./.
Theo Nguyễn Văn Quang, Tiến sỹ, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái
Cho đến năm 1988, ở Yên Bái nói riêng và tỉnh Hoàng Liên Sơn nói chung chưa có một di tích nào được xếp hạng. Việc chậm lập hồ sơ xin xếp hạng di tích có nguyên nhân của nó.Trước hết đó là do đội ngũ cán bộ chuyên môn của Phòng Bảo tồn Bảo tàng Ty Văn hóa Yên Bái, Bảo tàng tỉnh Hoàng Liên Sơn (từ 1980) còn rất hạn chế. Cho đến 1979, cán bộ chủ yếu là một số anh chị em được đào tạo trình độ trung cấp, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài cho đến 1975; các chủ trương chính sách về xếp hạng di tích của nhà nước cho đến 1979 tuy có thực hiện song chủ yếu mới ở vùng đồng bằng, còn vùng núi thì hầu như chưa được triển khai. Tình hình chuyên môn cũng chưa đáp ứng được các hoạt động khoa học.
Thứ hai, sau khi thống nhất đất nước, với chủ trương sáp nhập tỉnh của trung ương, ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ được sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, mọi hoạt động của Bảo tồn Bảo tàng lúc này bận rộn trong việc củng cố tổ chức, sắp xếp cán bộ, chuyển vận tài liệu, hiện vật về Lào Cai (tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn), rồi khi tình hình biên giới phức tạp, tỉnh lỵ chuyển về thị xã Yên Bái thì anh em Bảo tàng lại tập trung đưa cơ quan về tỉnh lỵ mới (năm 1978).
Thứ ba, tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, mọi vật lực của địa phương lại phải tập trung vào cuộc chiến đấu chống xâm lược, tuy sau một thời gian ngắn, quân Trung Quốc rút về nước, song lại tạo ra cuộc chiến tranh nhiều mặt vùng biên giới nhằm gây ra sự bất ổn về mọi mặt cho địa phương, mãi đến năm 1985 - 1986 tình hình mới tạm lắng dịu. Tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc đó trong tình trạng còn nhiều khó khăn về đời sống, kinh tế và văn hóa. Cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn.
Đó là những nguyên do chính làm cho công tác Bảo Tàng nói chung và công tác nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích nói riêng chưa có điều kiện triển khai.
Đầu năm 1979, chúng tôi là sinh viên vừa tốt nghiệp chờ phân công công tác, nhận thấy Hoàng Liên Sơn là vùng đất rộng việc nghiên cứu lịch sử của tỉnh chưa phát triển, còn nhiều mảng trống, có thể phát huy được chuyên môn mà mình được đào tạo, do đó tôi đã quyết đinh trở về Yên Bái công tác và có rủ thêm một số người cùng lớp (Đỗ Đức Thịnh, Lê Thị Phúc, Trần Hữu Sơn…) về xin vào công tác ở ty Văn hóa Thông tin Hoàng Liên Sơn, chúng tôi đã được cơ quan nhận ngay, tôi được phân công về Bảo tàng.
Tuy được đào tạo chính quy, song trong bối cảnh kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, nên cán bộ thường được điều đi làm công tác không phải chuyên môn của mình, nhất là lên vùng biên giới, hoặc tham gia vào các đoàn công tác do tỉnh thành lập. Hơn thế nữa đấy là thời kỳ kinh tế cả nước bước vào giai đoạn khủng hoảng, cơ chế bao cấp trở thành gánh nặng. Đấy cũng là nguyên nhân giúp cho Đảng quyết định xóa bỏ cơ chế bao cấp, xác định con đường đổi mới đất nước, chuyển sang cơ chế thị trường.
Vào khoảng 1986, sau mấy năm công tác tại Bảo tàng, tôi nhận thấy cần phải xúc tiến việc điều tra, xác định một số di tích để lập hồ sơ xếp hạng. Trước đó, tôi có hỏi bác Nguyễn Liễn, một cán bộ kỳ cựu Bảo tàng vì sao chưa thực hiện công việc này, và nếu làm thì hướng vào những di tích nào. Mặc dù công tác ở Bảo tàng lâu năm, bác cũng không đưa ra được ý kiến của mình. Tôi là người sinh ra ở thị xã Yên Bái, cho nên nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây tôi được biết, thậm chí còn được chứng kiến.
Về sự kiện Bác Hồ nói chuyện tôi có một kỷ niệm nho nhỏ. Tôi thấy ở thị xã Yên Bái có 2 địa điểm nổi bật đó là Khu mộ Nguyễn Thái Học và 16 chiến sĩ cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và Sân vân Động thị xã Yên Bái nơi Bác Hồ đến nói chuyện với nhân dân Yên Bái năm 1958. Để mở đầu cho việc xếp hạng di tích, tôi lựa chọn địa điểm Sân vận động, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Bái để nghiên cứu, thu thập tư liệu, hình thành hồ sơ khoa học.
Tôi còn nhớ một hôm, vào khoảng gần nửa đêm, bố tôi nói nhỏ với tôi là sáng sớm mai, 4 giờ đi nghe Bác Hồ nói chuyện. Sớm hôm sau tỉnh dậy, bố tôi đã đi từ lúc nào rồi. Còn tôi lúc đó là học sinh lớp 1, dù đã nghe nói đến Bác Hồ, song do ý thức học tập, tôi và các bạn vẫn đến lớp đầy đủ. Đến giờ học, cô giáo chủ nhiệm đến nói rằng hôm nay Bác Hồ đến nói chuyện ở sân Căng, các em được nghỉ để đi nghe Bác nói. Thế là cả lớp tôi ùa chạy ra sân vận động cách trường độ 300m. Đến nơi tôi thấy sân vận đông nghịt người, trên lễ đài có nhiều người đứng, một người đang nói, đúng là Bác Hồ rồi, vì lúc đó đứng xa, lại còn nhỏ nên tôi cũng không nghe rõ lời của Bác. Cuộc mít tinh kết thúc với những lời hô vang của nhân dân “Hồ Chủ Tịch muôn năm”.
Để chắc chắn, tôi đã về vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ VHTT) để trao đổi và xin ý kiến. Một số anh em có lăn tăn vì di tích này có vẻ nghèo nàn về kiến trúc. Tôi giải thích: sinh thời, Bác Hồ có đi thăm một số vùng Tây Bắc là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… Song không còn một địa điểm nào còn lại dấu tích, trừ Lễ đài Sân vận động thị xã Yên Bái. Đây chính là nơi ghi dấu ấn của Bác Hồ với nhân dân Yên Bái nói riêng và nhân dân Tây Bắc nói chung. Rất nhiều người đã từng tham dự buổi nói chuyện của Bác và họ rất xúc động khắc ghi những lời căn dặn của Người, vì vậy xếp hạng Quốc gia di tích này là chính đáng và là việc rất đáng làm. Sau khi nghe giải trình, lãnh đạo Vụ đã nhất trí cho Bảo tàng Yên Bái tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho di tích Lễ Đài.
Tôi và anh Phạm Doãn Lịch, cán bộ Bảo tàng đã tiến hành đo vẽ khu vực di tích, xác định khu vực bảo vệ 1, thuê chụp một số ảnh về di tích. Lúc đó ở Bảo tàng và ở Yên Bái không có bức ảnh nào chụp buổi nói chuyện của Bác, tôi đã về Thông Tấn xã Việt Nam đề nghị được cung cấp. Sau nhiều giờ tra cứu kho chình thức, họ không tìm được và phải tìm trong kho phụ. Rất may mắn là tìm được 2 bức ảnh (1 bức Bác đứng nói chuyện và 1bức là cảnh nhân dân ngồi dưới sân vận động), chúng tôi đã đặt họ làm vài bộ. Cũng từ đó, Yên Bái mới có được tấm ảnh quý giá này để làm kỷ niệm.
Trên cơ sở hồ sơ khoa học được xây dựng, Bộ VHTT đã quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Lễ đài Sân vận động thị xã Yên Bái (số 1228/VH/QĐ ngày 16/11/1988). Thế là Bảo tàng chúng tôi đã mở đầu và khai thông được việc xếp hạng di tích tại địa phương, một việc làm đầy ý nghĩa, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái và buổi nói chuyện lịch sử của Người với nhân dân Yên Bái (25/9/1958).
Mới thế mà 30 năm đã trôi qua, năm 2018 chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ thăm và nói chuyện với nhân dân Yên Bái, và 30 năm kỷ niệm ngày nơi Bác đứng nói chuyện - Lễ đài và Sân vận động thành phố Yên Bái - được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Dù Lễ đài ngày nay không còn nữa, song trong tâm khảm của người dân Yên Bái không bao giờ phai nhạt hình ảnh của Bác đứng trên Lễ đài nói chuyện, căn dặn nhân dân những điều rất giản dị mà sâu sắc./.
Theo Nguyễn Văn Quang, Tiến sỹ, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái