CTTĐT - Quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan của tình hình cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Sự ra đời của Hội Cựu CCB Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đáp ứng với mọi mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của CCB Việt Nam. Từ đó Đảng, lòng dân đã gặp nhau kể từ đây cái mốc lịch sử của CCB Việt Nam và tỉnh Yên Bái đã được hình thành và phát triển.
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Song Phi – Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tặng cờ Thi đua cho Hội CCB tỉnh Yên Bái.
Trước nguyện vọng thiết tha, chính đáng của Cựu chiến binh và nhân dân. Ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam. Ngày này đã trở thành một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ngày 6/12 hàng năm được lấy là Ngày truyền thống của CCB và Hội CCB Việt Nam.
Ngày 3/2/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 100-QĐ/TW cho thành lập Hội CCB Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Hội CCB Việt Nam gồm 31 đồng chí, do đồng chí Thượng tướng Song Hào làm Chủ tịch, có nhiệm vụ dự thảo Điều lệ Hội CCB và các tài liệu khác để trình Đại hội lần thứ nhất, bầu Ban chấp hành Trung ương chính thức, giúp các tỉnh, thành phố hình thành tổ chức lâm thời, thực hiện thu nạp hội viên và chuẩn bị Đại hội.
Ngày 24/02/1990 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép thành lập Hội CCB Việt Nam (Giấy phép số 528/NC), chính thức công nhận về mặt tổ chức và hoạt động của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 14/4/1990, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã ký Quyết định số: 51-QĐ/MTTQ công nhận Hội Cựu chiến binh Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 22/4/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số: 23/CT-TW, về chức năng hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Namn nội dung chính của Chỉ thị đã xác định: “Mục đích của Hội CCB Việt Nam là giữ gìn, phát huy truyền thống chiến đấu cách mạng của các chiến sỹ QĐND Việt Nam, đoàn kết, tương trợ các CCB, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đóng góp ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách đối với CCB, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp sau đó, ngày 01/10/1990, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ký Chỉ thị số: 552-CT/TW gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy, các Ban ngành, đoàn thể Trung ương. Một trong những nội dung quan trọng là ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, xác định vị trí, vai trò, tính chất của Hội đó là: “Hội CCB Việt Nam là một đoàn thể quần chúng cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động chính tri - xã hội trong khuôn khổ đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ chính thức của Hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong tình hình hiện nay. Hội là tổ chức đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước…”, về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội CCB Việt Nam “Từng cấp Hội CCB chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương…Quan hệ của Ban Chấp hành Trung ương Hội với các cơ quan, ban, ngành của Đảng, Nhà nước, MTTQ theo như nguyên tắc quan hệ của các đoàn thể khác trong MTTQ” (Thông báo số 246/TB-TW, ngày 23/21991 của Ban Bí thư).
Về bộ máy tổ chức và cán bộ của Hội CCB Việt Nam: Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. “Hội CCB Việt Nam cần có Đảng đoàn. Tổ chức biên chế của Hội cần gọn, tinh…” (Thông báo số 07/TB-TW, ngày 4/11/1991 của Ban Bí thư). Về phương thức hoạt động của Hội: đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười trong phát biểu tại Hội nghị BCHTW lâm thời Hội CCB lần thứ tư, ngày 11/12/1991, đồng chí xác định “Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể nhân dân, Hội phải nắm vững phương pháp vận động, thuyết phục, tôn trọng lẫn nhau, tự nguyện và đoàn kết. Phải chống quan liêu, mệnh lệnh hành chính, áp đặt”.
Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu quán triệt kỹ các văn bản của Trung ương về việc thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở địa phương. Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, nhanh chóng triển khai, mòi các đồng chí Cựu chiến binh có nhiều tâm huyết đến làm việc và giao nhiệm vụ cho các đồng chí nắm chắc đặc điểm, tình hình lực lượng Cựu chiến binh trong tỉnh, đề xuất biện pháp giúp Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh ra chủ trương thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái.
Ngày 08/3/1990 Ban thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã ra Quyết định thành lập Hội CCB tỉnh và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 16 đồng chí và chỉ định đồng chí Đại tá Hoàng Diệm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm Chủ tịch, tiếp đó ngày 05/5/1990, Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép số: 202/GP-UBND thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn và Hội Cựu chiến binh các huyện, thị xã trong tỉnh. Ngày 01/10/1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, ngay sau đó Tỉnh ủy Yên Bái ra quyết định số: 26/QĐ-TU ngày 25/11/1991 chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái gồm: 12 đồng chí và chỉ định đồng chí Đại tá Hoàng Diệm, làm chủ tịch. Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh tỉnh là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đã đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng và niềm tin của các Cựu chiến binh trong tỉnh, nhiều đồng chí 70 - 80 tuổi đã rời quân ngũ 20 – 30 năm nay được tập hợp vào Hội đã xúc động nói “Tôi thấy như mình sống lại tuổi thanh xuân của anh giải phóng quân năm xưa”.
Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái đã xác định những nhiệm vụ trước mắt đó là: Một là: Góp ý kiến với Ban Chấp hành Lâm thời Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về nội dung dự thảo tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các nội dung tài liệu khác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Hai là: Góp ý với các cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã để thành lập Ban Chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh các cấp, năm lại danh sách số cán bộ, chiến sỹ đã nghỉ hưu, mất sức, chuyển ngành, phục viên xuất ngũ trên từng địa bàn chuẩn bị cho việc kết nạp hội viện theo tiêu chuẩn hướng dẫn của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ba là: Chỉ đạo các huyện, thị xã khẩn trương chuẩn bị nhân sự để hình thành Ban Chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh của cấp mình theo đúng tiêu chuẩn của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của Ban chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, huyện theo đó các cấp Hội hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương thông qua các Uỷ viên Thường vụ phụ trách Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện,thị xã. Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, thị xã cấp giấy cho phép thành lập Hội Cựu chiến binh cấp mình, hoạt động theo dự thảo Điều lệ của Hội và tuân thủ các quy định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc quản lý, tổ chức, hoạt động của các hội quần chúng, chịu trách nhiệm mọi mặt về hoạt động của Hội trước Hiến pháp, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân các cấp cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban chấp hành lâm thời các tổ chức Hội hoạt động như trụ sở, phương tiện xe, xăng dầu, kinh phí… trong lúc Hội chưa có nguồn kinh phí.
Buổi đầu thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh gặp muôn vàn khó khăn như tư tưởng còn một số đồng chí ở các ban ngành, đoàn thể chưa đồng nhất với sự ra đời của Hội Cựu chiến binh nên việc ủng hộ cho công tác vận động thành lập Hội diễn ra nhiều khó khăn, phức tạp, về vật chất chưa có trụ sở làm việc phải nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, phương tiện đi lại không có, nhân viên giúp việc không, kinh nghiệm vận động ít. Tất cả đều phải đi mượn, đi nhờ và đi xin. Tuy vậy Ban Thường vụ lâm thời Hội Cựu chiến binh tỉnh, cùng nhiều đồng chí có tâm huyết, trách nhiệm xây dựng Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, từng bước khắc phục những gian truân ban đầu, tháo gỡ khó khăn hoạt động có hiệu quả, nỗ lực xúc tiến công việc để hình thành tổ chức Hội Cựu chiến binh cấp huyện và tương đương.
Chỉ sau một thời gian ngắn các Ban chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh 9 huyện thị xã đã được hình thành và bước đầu đi vào hoạt động. Để tập trung cho công tác xây dựng tổ chức Hội, Ban chấp hành lâm thời các cấp đã bắt tay ngay vào công việc điều tra, khảo sát lực lượng Cựu chiến binh trên địa bàn mình quản lý, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các Cựu chiến binh hiểu về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tích chất hoạt động của Hội để các Cựu chiến binh đăng ký tham gia xây dựng Hội đó là “Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước…”, từ đó thấy được niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm lớn lao, nghĩa vụ cao cả được đứng vào tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Trong xây dựng tổ chức, các cấp Hội luôn quán triệt phương châm coi trọng ý thức tự giác, tự nguyện, đăng ký tham gia Hội là chính, không gò ép bắt buộc. tuy nhiên không bỏ qua tiêu chuẩn hội viên, mục đích đề phòng, ngăn chặn những phần tử cơ hội, lợi dụng hình thức tổ chức của Hội, danh nghĩa hội viên, để làm điều phi pháp, bất chính, trục lợi. Ngay giai đoạn đầu Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh đã hết sức chú trong công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác xây dựng các tổ chức Hội cơ sở theo địa bàn dân cư nơi hội viên đang sinh sống, để tiện sinh hoạt, quan hệ, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh của mỗi người để hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc gập khó khăn. Ban chấp hành lâm thời các cấp cũng đã quán triệt, xác định cho hội viên về nội dung sinh hoạt, hình thức hoạt động của Hội là lấy vận động các Cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đóng góp vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới là chính trị. Mỗi hội viên phải thực sự là một công dân gương mẫu trong việc chấp hành tốt cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và tinh thần giác ngộ, tự khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh để tham gia xây dựng xã hội mới, xây dựng tổ chức Hội vũng mạnh trên cơ sở có nhiều hội viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có kiến thức, có trình độ, năng lực, uy tín, có điều kiện và trách nhiệm tham gia hoạt động trong tổ chức Hội.
Công tác xét kết nạp hội viên được các cấp Hội tiến hành đúng các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục quy định của Trung ương Hội, chỉ sau 9 tháng tuyên truyền, vận động toàn tỉnh đã xây dựng được 125/178 Hội cơ sở ở xã, phường, thị trấn, 7 Hội cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thu hút được 7.200 Cựu chiến binh vào Hội. Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái lần thứ nhất, Ban chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh các cấp đã khẩn trương triển khai kế hoạch Đại hội từ cơ sở xã, phường, huyện thị xã. Do khâu tổ chức chuẩn bị chu đáo có chọn làm điểm ở từng cấp để rút kinh nghiệm nên Đại hội Hội Cựu chiến binh từ cấp xã phường, thị trấn, đến cấp huyện, thị xã diễn ra đồng loạt, thành công tốt đẹp, đạt yêu cầu về thời gian chất lượng tốt đánh dấu ấn tượng bước đầu đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thực hiện nghiêm các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, hướng dẫn của Trung ương Đảng, Chính phủ về việc thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực, có nhiều biệu pháp sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ về mọi mặt trong việc thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh và tiến tới Đại hội chính thức lần thứ nhất để hình thành bộ máy tổ chức, lãnh đạo, quản lý, điều hành từ tỉnh đến cơ sở. Đó là tiền đề, hậu thuẫn lớn cho Hội Cựu chiến binh các cấp sau này hoạt động đạt kết quả cao.
4692 lượt xem
Ban Biên tập