Mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm cùng sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của các cấp Hội, nhiều cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Nhiều mô hình tiêu biểu được các cấp hội vinh danh, học tập nhân rộng
Ông Đỗ Trí Thức - hội viên Hội CCB thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên là một trong những tấm gương vượt khó làm giàu. Năm 1986, sau khi phục viên, ông Thức và gia đình rời quê Hưng Yên đến khai hoang, lập nghiệp ở thị trấn Yên Thế. Sau nhiều năm khai hoang trồng lúa, trồng ngô, vất vả mà cuộc sống không bớt khó khăn, ông bắt đầu chuyển đổi từ ruộng lúa sang trồng cây ăn quả. Lúc đó nhiều người khuyên can, nhưng ông vẫn quyết tâm chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa nước hơn 4.000m2 sang trồng cam và bưởi.
Sau nhiều lần thất bại, ông Thức tự học tập cách chiết ghép làm giống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, sau hơn 10 năm, ông Đỗ Trí Thức đã có thể tự ghép các giống cam, bưởi cung cấp cho cả vùng thị trấn Yên Thế và các xã lân cận. Vườn cam, bưởi của ông đã phát triển lên 8 ha, 2 năm gần đây đã bắt đầu cho thu hoạch thu về trên 3 tỷ đồng.
Cũng như ông Thức, CCB Nguyễn Ngọc Minh, thôn Làng Già, xã Yên Thắng là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế đồi rừng. Năm 2014, sau khi nghỉ hưu, ông Minh tập trung chuyển đổi toàn bộ đất vườn tạp, đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng quế và cây ăn quả. Hiện nay, ông có gần 2 ha quế 7 năm tuổi và 70 gốc bưởi da xanh, hàng năm thu từ tỉa cành, lá quế và cây ăn quả trên 100 triệu đồng. Thấy ông Minh làm kinh tế có hiệu quả, nhiều người tìm đến ông học hỏi, trong đó có nhiều CCB trong thôn.
Hiện nay, thôn Làng Già đã thành lập được 1 tổ sản xuất trồng quế thành viên là 9 CCB của thôn. Các thành viên trong tổ đã tuyên truyền, vận động thành các thành viên, hội viên CCB, nhân dân trong thôn tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế và cây ăn quả. Hỗ trợ lẫn nhau về giống, kỹ thuật, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.
Hội chú trọng động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên nêu cao ý trí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, khắc phục mọi khó khăn tự vươn lên, biết phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng hộ gia đình hội viên để phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Cán bộ, hội viên CCB đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó, vươn lên, Hội viên CCB trong tỉnh với nhiều cách làm hay, chủ động, sáng tạo, tiếp cận thị trường, huy động được nhiều nguồn lực, các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế.
Với phương châm không cam chịu đói nghèo, các cấp Hội đã tích cực động viên cán bộ, hội viên CCB, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, làm giàu hợp pháp. Đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống hội viên, giảm nghèo nhanh và bền vững, tiêu biểu trong Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đã có hơn 1.400 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Mỗi năm có trên 650 hộ gia đình CCB có mức doanh thu trên 200 triệu đồng trở lên. 5 năm qua, các cấp Hội đã huy động trên 18 tỷ đồng, giúp nhau vay không lấy lãi để trồng, chăm sóc trên 540 ha cây ăn quả, 11.201 ha cây công nghiệp, 511,5 ha ao hồ nuôi các loại thủy sản, chăn nuôi trên 135.060 con trâu, bò, dê, 402.357 con gia cầm.
Khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 900 tỷ đồng, vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm trên 7 tỷ đồng giúp trên 18.600 hộ gia đình CCB được tiếp cận với các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho trên 24.000 lao động. Đã có 2.469 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình tiêu biểu được các cấp hội vinh danh, học tập nhân rộng.
679 lượt xem