Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái năm 2022 dự kiến được tổ chức ngày 29/4/2022

21/04/2022 17:05:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Yên Bái, Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 với các chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” và “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” sẽ được tổ chức từ ngày 01/5/2022 đến ngày 31/5/2022 trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái năm 2022 dự kiến được tổ chức ngày 29/4/2022.

Các đơn vị tham gia đã tiến hành diễu hành tuyên truyền Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái năm 2019.

Theo đó, tỉnh sẽ có nhiều nội dung hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái năm 2022. Cụ thể, trước Tháng Công nhân và Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động,  các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động theo chủ đề năm 2022; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng; đề xuất khen thưởng về ATVSLĐ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2021. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động, tổ chức thăm hỏi, động viên người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh trong đó Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022; Công bố các quyết định khen thưởng về công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc; Trao hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên; thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi động viên công nhân lao động bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Tổ chức hoạt động diễu hành hưởng ứng Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: tổ chức Lễ phát động theo quy mô nhỏ, gọn hoặc dừng việc tổ chức Lễ phát động, tổ chức các hoạt động hưởng ứng của sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố thông qua phát động trên Đài phát thanh và Truyền hình  tỉnh hoặc họp trực tuyến; tăng cường truyền thông để thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, người lao động. Phân công các đơn vị đi thăm hỏi, động viên, tặng quà người lao động và gia đình người lao động bị TNLĐ, BNN, công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, cũng trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tỉnh còn tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục như phát hành các ấn phẩm, thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát các sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, video gửi tin nhắn tuyên truyền về ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, người lao động, tuyên truyền trên hệ thống các đài phát thanh huyện, thị xã, thành phố và xã, phường thị trấn, doanh nghiệp; Tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại một số công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư; Tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ; hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như tư vấn, huấn luyện, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Phát động phong trào thi đua, hội thi về ATVSLĐ, giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ; Các hoạt động kiểm tra, thanh tra về an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, làm việc trong không gian hạn chế, khu vực không có quan hệ lao động, làng nghề; việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ; công tác huấn luyện ATVSLĐ; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ…

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở; góp phần phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công nhân lao động trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế từ đại dịch COVID-19./.

Ban Biên tập