Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thành phố Yên Bái triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

15/10/2024 09:45:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian qua, thành phố Yên Bái luôn xác định rõ công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động, nhất là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc tiên tiến cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng

Ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của các cấp về đào tạo nghề, gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng thiết thực, phù hợp thực tiễn của địa phương và khả năng, nhu cầu về ngành nghề, thị trường lao động, thực hiện liên kết với cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng và thực hiện chi trả, cấp bù học phí đối với học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Kết quả đã đào tạo nghề cho 2.073/1.978 người bằng 105% kế hoạch vượt 5% so với KH tỉnh và thành phố giao (trong đó: đào tạo trình độ Cao đẳng 469 người; Trung cấp 291 người; Sơ cấp và dưới 3 tháng 1.313 người). Đến nay, số lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố là 63.101 người, số lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ 48.865 người. Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã đào tạo nghề cho 484 lao động (trong đó: Cao đẳng 69 người, Trung cấp 41 người, Sơ cấp và dưới 3 tháng cho 374 người) lao động.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyển sinh trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng đối với người lao động là người nghèo và cận nghèo gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng này trên địa bàn thành phố giảm dần qua các năm và đối tượng này hiện nay chủ yếu là các đối tượng ngoài độ tuổi lao động không có nhu cầu đào tạo, đối với tiêu chí xác định người có thu nhập thấp chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình triển khai khó thực hiện.

Năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 4.034/3.400 người bằng 119% vượt 19% so với kế hoạch tỉnh và thành phố giao (3.400 lao động), trong đó, giải quyết việc làm qua phát triển kinh tế 2.402 lao động, xuất khẩu lao động 23 lao động, cung ứng ngoài tỉnh 712 lao động; thông qua vay vốn 897 lao động. Đào tạo nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao từ các doanh nghiệp 1.190/1.165 lao động bằng 102% kế hoạch. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng lao động làm việc của nền kinh tế đạt 3,8%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã giải quyết việc làm cho 599 người bằng 17,6% kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm qua phát triển kinh tế 292 lao động, cung ứng ngoài tỉnh 82 người, vay vốn giải quyết việc làm 225 người, chuyển đổi cơ cấu lao động cho 80 người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 243 lao động.

Thành phố đã triển khai hiệu quả các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; công tác giới thiệu việc làm; qua các trang mạng xã hội, tờ rơi, trang điện tử… Qua đó, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, người lao động không chỉ tham gia vào các ngành nghề mang tính chất truyền thống như sửa chữa điện tử, điện lạnh, may mặc, xây dựng, du lich… mà thông qua việc chuyển đổi số có rất nhiều ngành nghề mới xuất hiện như: kinh doanh online; shipper, các youtuber, titoker đưa lại nguồn thu nhập khá tốt cho một bộ phận người lao động, các nghề gắn liền với chuyển đổi số và cuộc cách mạng 4.0. Ngoài ra, người lao động sẵn sàng nộp hồ sơ đi làm việc ở các tỉnh xa nếu có việc làm phù hợp và nguồn thu nhập ổn định.

Cùng với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thành phố đã giao phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng những nội dung Nghị định số 81/2003NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc nước ngoài và Thông tư số 22/TT-BLĐTBXH ngày 13/10/2003 của Bộ Lao động - TB&XH đến các xã, phường nhất là nhóm trong độ tuổi lao động. Giao phòng Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, qua đó giúp người lao động nhận thức và nắm chắc được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, quy trình, thủ tục của người lao động Việt Nam khi đi lao động xuất khẩu nước ngoài. Kết quả số lao động của thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 5 năm gần đây là: 70 người trong đó, lao động đi Hàn Quốc là 07 người, đi Nhật Bản là 05 người, đi Ả rập xê út 03 người, còn lại là đi các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, mức thu nhập của lao động sau trừ tất cả chi phí sinh hoạt có dao động từ 15 đến 40 triệu đồng/ tháng.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng là lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ; đối tượng là người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn để sản xuất kinh doanh, vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ; yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ về công tác tuyển dụng lao động với địa phương. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.

Chủ trì triển khai công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chú trọng triển khai các giải pháp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các nhóm đối tượng: thanh niên, lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động bị mất việc làm, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự… Chú trọng công tác tạo nguồn lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước. 

Chủ động liên kết với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tổ chức tư vấn, phỏng vấn tuyển chọn, đào tạo nguồn lao động về kỹ năng nghề, ngoại ngữ theo yêu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động trước khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuyên truyền triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết số 12/2021/Q-NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; chú trọng đối với chính sách hỗ trợ 70% học phí đối với người học tốt nghiệp THPT học tiếp lên trình độ cao đẳng, trung cấp, chính sách hỗ trợ tiền ở đối với người học nghề ngắn hạn.

Ban Biên tập