Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái - Đổi mới công tác đào tạo nghề

11/11/2024 15:33:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cũng như trình độ, kỹ năng nghề của học viên sau hoàn thành khóa học là một thách thức không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Do vậy, các cơ sở dạy nghề tìm hướng đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.

Ngày hội việc làm tổ chức cuối tháng 10.2023 tại Yên Bái thu hút sự quan tâm của hàng nghìn lao động trẻ

Tỉnh Yên Bái có trên 52 vạn người trong độ tuổi lao động và là một trong những tỉnh có nguồn nhân lực trẻ dồi dào với dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Nhu cầu đào tạo nghề rất lớn, người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm và biết áp đụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là lao động nông thôn. Mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 18.000 người.

Mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm từ 20.000 - 22.000 lao động. Trong đó, cung ứng lao động của tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh thành như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... chiếm khoảng 37,8%.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cũng như trình độ, kỹ năng nghề của học viên sau hoàn thành khóa học là một thách thức không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Do vậy, các cơ sở dạy nghề tìm hướng đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái thông tin, mỗi năm các cấp Hội tham gia đào tạo nghề cho hàng nghìn phụ nữ nông thôn. Tập trung chủ yếu các nghề, như kỹ thuật may mặc, kỹ thuật nấu ăn, sản xuất mây tre song đan, chăn nuôi thú y, thẩm mỹ, hướng dẫn du lịch… Đây là loại hình đào tạo “cầm tay chỉ việc” tại cơ sở, sau đào tạo nghề, 80% học viên có việc làm và tự tạo việc làm tại địa phương. Nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sau đào tạo đã giúp chị em khởi nghiệp, tạo việc làm, có thu nhập ổn định.

Tỉnh Yên Bái triển khai nhiều hình thức đào tạo nghề được áp dụng, như đào tạo tập trung, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết đào tạo... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo. Đồng thời, phương pháp đào tạo nghề được đổi mới, lấy người học là trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức để hình thành kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp cho người lao động.

Chương trình đào tạo nghề song bằng quốc tế tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái là một điển hình về liên kết với nước ngoài đào tạo nghề chất lượng cao, Chương trình học này đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tác phong, ứng xử, đạo đức… Khi tốt nghiệp, học viên sẽ nhận hai bằng tốt nghiệp Cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp có trình độ châu Âu do Viện Tiểu thủ công nghiệp và Kỹ năng nghề HWKF Leipzig, Đức cấp. Chương trình đào tạo song bằng quốc tế đang được chuyển giao tại trường có thời gian thực hành 70% và 30% lý thuyết. Kỳ thi sát hạch và đánh giá hoàn toàn độc lập bởi Hội đồng thi của Đức và có thành viên là doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được giới thiệu việc làm tại thị trường lao động châu Âu.

Công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được triển khai rộng rãi, với hình thức trực tiếp truyền thụ kiến thức và thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, mô hình kinh tế tiêu biểu, thời gian đào tạo dưới 3 tháng. Điều đó đã giúp cho hàng ngàn lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo... được chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng nghề, có kiến thức để phục vụ cho phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập bền vững.

Ban Biên tập