Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

"Dẹp loạn" xuất khẩu lao động

20/12/2018 17:26:00 Xem cỡ chữ
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài

Sẽ tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tại kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng gay gắt về tình trạng bát nháo của không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, "đem con bỏ chợ", khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ: về nước thì mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm. Bên cạnh đó, tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại làm việc không hợp pháp làm ảnh hưởng không tốt đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết nước ta có khoảng 500.000 người đang lao động ở nước ngoài. Số này gần đây tăng lên, đặc biệt năm 2017 đưa được 134.000 người. "Mỗi năm giải quyết hơn 100.000 lao động và bình quân thu về xấp xỉ 3 tỉ USD, trong đó tỉnh cao nhất là Nghệ An mỗi năm thu về 250 triệu USD" - ông Dung thông tin.

Tuy nhiên, "tư lệnh" ngành LĐ-TB-XH đã thừa nhận những bất cập như đại biểu nêu. Theo đó, một số thị trường tiềm năng, có thu nhập cao nhưng tỉ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước cao - đặc biệt là Hàn Quốc, năm cao nhất là 55%, trong khi bình quân các nước là 15%. "Vì lý do này, Hàn Quốc 4 năm đã không ký lại bản ghi nhớ với chúng ta" - ông Dung nói.

Thừa nhận thực trạng "cò mồi", môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi NLĐ gặp sự cố là có, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng đã thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm và ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính gần 4 tỉ đồng trong năm 2017; thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp có bề dày hoạt động về xuất khẩu lao động 25 năm vẫn bị đình chỉ và thu hồi giấy phép. Ông Dung cũng thừa nhận có tình trạng "thu phí ngầm" người đi xuất khẩu lao động.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa có 2 văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, trong đó yêu cầu chấn chỉnh những việc sai phạm trong nước và giải quyết những bất cập đang tồn tại của người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bộ LĐ-TB-XH cùng với các bộ, ngành đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai.

Ông Dung cho biết tới đây sẽ tiếp tục chấn chỉnh để "dẹp loạn" trong xuất khẩu lao động. Đặc biệt, bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát các DN trong quá trình thu phí. "Cần thiết có thể tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, không chăm lo cho người lao động ở nước ngoài" - Bộ trưởng LĐ-TB-XH nêu rõ.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), về việc một số NLĐ bị đối xử không tốt khi đi làm việc ở các nước Trung Đông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện nước ta mới tập trung đưa khoảng 9.000 người, chủ yếu đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Saudi. Đây là công việc rất rủi ro, nảy sinh rất nhiều hệ lụy kèm theo. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và nhắc nhở các DN cũng như khuyến cáo người dân hạn chế đi lao động ở khu vực này.

 

Ban Biên tập