Yên Bái: Chủ động đảm bảo an toàn cho người lao động

09/07/2018 16:25:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong những năm qua, với sự cố gắng nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ từng bước đã có chuyển biến tích cực; điều kiện, môi trường làm việc được quan tâm, cải thiện hơn; công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, triển khai chủ động hơn. Tần suất tai nạn lao động đã có chiều hướng giảm, đặc biệt trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao.

Người lao động trong các công ty may tại Yên Bái được đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn lao động

Năm 2017, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động về phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ như: treo khẩu hiệu, băng rôn tại các đơn vị, hướng dẫn lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ cho 703 lao động tại 25 cơ sở doanh nghiệp; huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu tại 81 cơ sở với 10.107 người tham gia; sơ cứu tại chỗ tại nạn lao động trước khi chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh 840 người.

Toàn tỉnh còn mở 52 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, cấp 2.964 giấy chứng nhận về PCCC. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về ATVSLĐ - PCCC cũng được tăng cường tại cơ sở và các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9 doanh nghiệp, qua đó phát hiện 5 doanh nghiệp vi phạm hành chính về lĩnh vực ATVSLĐ, tiến hành xử phạt 38 triệu đồng; xử phạt về vi phạm hành chính lĩnh vực PCCC 1 doanh nghiệp với số tiền 9,1 triệu đồng.

Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn lao động làm 12 người chết, 18 người bị thương nặng; 53 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 6 tỷ đồng… Những thiệt hại này đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho chính người lao động, gia đình và xã hội, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặc dù tần suất tai nạn lao động có chiều hướng giảm, nhưng tỉnh Yên Bái vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong công tác ATVSLĐ - PCCN. Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích về tai nạn lao động chết người trong những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, vệ sinh lao động.

Với mục đích nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ - PCCN trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ngày 12/5/2018, Ủy Ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Yên Bái lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) bệnh nghề nghiệp”.

Với mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai Luật ATVSLĐ; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa nơi làm việc, góp phần ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Yên Bái tập trung triển khai từ cơ sở gắn với các hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phổ biến giáo dục pháp luật về lao động, công đoàn cho đoàn viên, người lao động; nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời định hướng dư luận, giả quyết những vấn đề bức xúc góp phần ổn định sản xuất- kinh doanh, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đánh giá được nguy cơ rủi ro và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; tăng cường việc phổ biến kinh nghiệm, tập huấn phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh và người lao động; tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trên hệ thống loa truyền thanh, trên bảng tin của đơn vị; phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức diễn đàn "Nghe công nhân nói - Nói để công nhân nghe".

Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ - PCCN trong Tháng hành động ATVSLĐ.Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc thực hiện các quy định pháp luật ATVSLĐ - PCCN, công tác huấn luyện ATVSLĐ; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh. 

Hướng tới mục tiêu “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) bệnh nghề nghiệp", để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động - không chỉ dừng lại ở tháng hành động, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ; phân tích, đánh giá, nhận diện và đề ra các giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Thúc đẩy và đề cao vai trò đảm bảo và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cũng như cộng đồng trong việc thực hiện ATVSLĐ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, rà soát bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp làm viêc an toàn, phòng chống cháy nổ. Đối với người lao động, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình, cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Ban Biên tập