Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái - miền du lịch tâm linh

04/04/2017 08:53:00 Xem cỡ chữ
Yên Bái - một tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, là địa bàn sinh tụ người Việt cổ, nơi có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa hết sức đặc sắc và phong phú.

Thực hành nghi lễ tại lễ hội đền Tuần Quán.

Vì vậy, Yên Bái có nhiều di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa nổi tiếng. Đó là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng.

Là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch tâm linh, ngày càng thu hút du khách thập phương tới chiêm bái.

Khu vực thành phố Yên Bái và dọc sông Hồng là một “dòng chảy” văn hóa với nhiều danh thắng, di tích và là nơi tập trung các lễ hội tâm linh tín ngưỡng như: đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am... hàng năm được duy trì tổ chức, trở thành những điểm du lịch tâm linh phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng ngàn. Ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính: ngày Mão tháng Giêng, ngày Mão tháng Chín.

Có vị trí lý tưởng, thuận tiện về giao thông, đền Đông Cuông ngày càng hấp dẫn du khách thập phương. Vùng văn hóa sông Hồng là nơi hội tụ những lễ hội đền, chùa được tổ chức thường niên nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển loại hình văn hóa du lịch tâm linh.

Trên địa bàn thành phố Yên Bái cũng có nhiều đền, chùa thu hút đông du khách thập phương. Đền Tuần Quán tọa lạc tại bờ phải cửa ngòi Tuần Quán chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh.

Theo sách Hưng Hóa Phong Thổ Lục triều Lê và Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn, đền Tuần Quán có tên gọi "Đền thần Diệp Phu Nhân Bách Lẫm". Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đền chính thức có tên là "đền Tuần Quán".

Vào mùa xuân, đền Tuần Quán tổ chức lễ Thượng Nguyên 15/1 (âm lịch). Ngày 3/3 (âm lịch) - chính tiệc, còn gọi là Hội mẹ. Vào mùa hạ, ngày 15/5 (âm lịch), đền tổ chức lễ giỗ quan lớn Tuần Chanh (tiệc vừa).

Mùa thu, có tiệc Đức Thánh Trần, còn gọi tiệc Cha ngày 20/8 (âm lịch) và mùa đông có lễ tất niên 25/12 (Âm lịch). Hiện nay, lễ tiết vẫn như trước nhưng lễ hội có điều kiện triển khai phong phú.

Cách đền Tuần Quán chừng 3 km là chùa Ngọc Am ở phường Hồng Hà. Từ khi hình thành, chùa đón nhận cùng lúc hai tên: nhân dân nói chung và phật tử nói riêng thường dùng tên dân gian để đặt cho ngôi chùa thiêng kính của mình là "Chùa Am".

Còn nhà chùa, sư, tiểu lại sử dụng pháp danh "Tùng Lâm Tự" một cách trân trọng. Chùa Ngọc Am được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tôn giáo năm 2007.

Khác với vùng văn hóa sông Hồng, vùng văn hóa sông Chảy là nơi hội tụ các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh Yên Bái. Nổi bật là quần thể Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên).

Đền nằm trên địa phận thôn Sâng, xã Tân Lĩnh. Đền thờ Phật và chư thánh như nhiều đền khác. Riêng tiệc Chúa bà Vũ Thị Ỏn và hai bà Hầu ấn định vào ngày 25/2 (âm lịch) hàng năm.

Cách thành phố Yên Bái 73 km theo đường bộ Yên Bái - Lục Yên, cách thị trấn huyện lỵ Lục Yên 11 km theo đường Lục Yên - Yên Bái, đền Đại Cại có vị trí thuận lợi cho du khách ghé thăm.

Đến chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh núi non hùng vỹ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa. Nhiều điều vừa bí ẩn vừa mới mẻ của quần thể di tích Hắc Y - Đại Cại đang chờ du khách khám phá.

Xuôi về phía Nam, đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Đền Thác Bà tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy. Thế đứng của đền vừa hứng thụ khí địa linh ứng của trời đất vừa tiếp đón khách thập phương chiêm bái thuận tiện. Đầu năm, ngày 8 và 9 tháng Giêng (âm lịch), đền Thác Bà tổ chức tiệc mẫu; cuối năm, lễ thường vào ngày 10/10 (âm lịch).

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng 20 - 22 lễ hội. Các lễ hội tại các đình, đền, chùa và nơi có tổ chức lễ hội luôn thực hiện tốt nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

Khách thập phương thăm quan, dự lễ hội được cùng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần tích cực vào bảo tồn tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá, liên kết vùng, liên kết tour tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh.

 

Theo Báo Yên Bái