Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa phi vật thể quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

20/02/2020 17:00:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

1. Tên gọi của văn hóa phi vật thể

- Tên thường gọi: Lễ Cấp sắc.

- Tên gọi theo tiếng Dao: Lễ “lập tịnh”

2. Loại hình

- Tập quán xã hội (Ghi lễ truyền thống).

3. Quyết định công bố di sản văn hóa phi vật thể

Quyết định số 5079/QĐ-BVHTT&DL ngày 27/12/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận  lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

4. Địa điểm phân bố di sản

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ cấp sắc được tổ chức tại nhà cộng đồng thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

5. Chủ thể văn hóa

Cộng đồng người Dao (nhóm Dao đỏ) xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

6. Quá trình ra đời, tồn tại của lễ cấp sắc

Theo truyền thuyết của người Dao kể lại rằng: Ngày xưa khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên bình trên các triền núi, bỗng dưng ma quỷ xuất hiện, chúng giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng, làm cho cuộc sống người Dao vô cùng cực khổ. Trước cảnh ma quỷ lộng hành dưới trần gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân suốt ba tháng mà không hết. Ngọc Hoàng kêu gọi người dân cũng phải tự cứu lấy mình nhưng không thể thắng được ma quỷ. Thấy vậy, Ngọc Hoàng cho các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ trong các gia đình ở làng bản và cấp cho một đạo sắc để cùng với quân nhà trời xuống trần gian để diệt trừ ma quỷ. Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người trần mà ma quỷ bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông làm chủ gia đình để bảo vệ gia đình, cộng đồng. Lễ cấp sắc ra đời từ đó và được đồng bào gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.

Lễ Cấp sắc tiếng Dao gọi là “Lập tịnh” là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian với những nội dung rất đặc sắc miêu tả về quá trình di cư, định cư cũng như quá trình đấu tranh chinh phục chống lại các thế lực siêu nhiên giành lấy cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trải qua bao thế kỷ và những thăng trầm của lịch sử, lễ cấp sắc vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng công nhận sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần của người đàn ông Dao. Người Dao nói chung rất coi trọng việc làm lễ cấp sắc, bất kể người đàn ông nào từ khi sinh ra đều phải làm lễ cấp sắc, nếu không dù nhiều tuổi vẫn bị xem là đứa trẻ. Sau khi được cấp sắc mới có đủ điều kiện để làm lễ cúng bái và được giao tiếp với thần linh. Lễ cấp sắc ngoài thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Dao, còn thể hiện đạo lý làm người, hướng con người tới cái thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên.

Mọi người đàn ông Dao đều mong muốn được cấp sắc và cấp sắc bậc cao. Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Người được cấp sắc bậc một phải tiếp tục học hỏi, tu dưỡng hơn nữa để được cấp sắc bậc hai và phấn đấu để được cấp sắc cao hơn nữa. Cấp sắc càng cao càng được xem là niềm vinh dự lớn của gia đình, dòng họ mà tất cả những người đàn ông Dao đều hướng tới.

7. Quy trình thực hiện nghi lễ

 

Lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò

 

* Các công việc chuẩn bị, những nghi thức và điều kiêng kị trước khi tổ chức lễ cấp sắc

- Công việc chuẩn bị của các gia đình làm  Lễ cấp sắc: Để được cấp sắc, các cặp vợ chồng phải chuẩn bị các lễ vật, đồ dùng từ trước. Lễ vật gồm: Lợn, mía, hương, thóc, gạo… để làm lễ và các đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày như chăn, chiếu, ghế, chậu rửa… Các lễ vật này được lựa chọn rất kĩ, đảm bảo là những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất bởi điều này có liên quan đến yếu tố thiêng liêng, trang trọng của buổi lễ.

Số lượng gia đình tham gia tùy theo quy mô tổ chức. Thông thường làm lễ cấp sắc 12 đèn có khoảng 35 - 45 cặp vợ chồng và hàng trăm người tham dự. Ở lễ cấp sắc này có 45 cặp vợ chồng gồm các dòng họ như Triệu, Đặng, Lý, Bàn, không chỉ có đồng bào Dao nơi đây mà còn có đồng bào Dao ở các xã lân cận và cả các xã của tỉnh Lào Cai về tham dự.

Các lễ vật chuẩn bị cho lễ cấp sắc, ngoài những đồ dùng cá nhân, gia chủ có thể đứng ra huy động đóng góp chung, ngoài ra các gia đình có thể mang theo thêm lương thực, thực phẩm để ủng hộ bởi số người tham dự và khách đến rất đông, thời gian diễn ra lâu.

* Nhà làm lễ cấp sắc: Do khối lượng người cấp sắc nhiều (45 cặp vợ chồng) nên để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, đồng bào dựng một ngôi nhà tạm 9 gian có diện tích khoảng 200m2 trên cánh đồng, mái lợp bằng cọ theo kiểu nhà truyền thống của người Dao, địa thế nhà có không gian rộng rãi và giao thông đi lại thuận lợi.

Nhà được đồng bào góp công, góp vật liệu để dựng lên. Không gian trong nhà được bố trí rất thuận tiện: gian ngoài cùng bên phải đặt bàn thờ tổ, gian kế tiếp đặt bàn thờ tổ sư và 13 bàn thờ nhỏ khác được đặt ở xung quanh nhà. Ở giữa nhà là khoảng không gian rộng, đây là nơi làm lễ và là chỗ nằm nghỉ của 45 học trò. Gian trong cùng bên trái là nơi nghỉ và nơi chuẩn bị lễ của các thầy cúng. Ngoài ra, nhà còn làm chỗ nghỉ ngơi cho vợ các học trò và khu nhà bếp, đảm bảo hệ thống liên hoàn thuận lợi cho việc làm lễ.

* Bàn thờ: Bàn thờ là nơi thờ cúng tổ tiên và các vị thánh nhân đã có công cứu giúp đồng bào thoát khỏi khó khăn hoạn nạn trong quá trình thiên di tìm nơi định canh định cư.

Thông thường trong các gia đình người Dao, bàn thờ là nơi linh thiêng được đặt ở vị trí trang trọng nhất, thường là ở gian giữa của ngôi nhà.

Trong lễ cấp sắc, tổng số có 15 bàn thờ được làm bằng gỗ, tre, nứa do đồng bào tự làm. Tuỳ thuộc vào mỗi loại bàn thờ mà có kích thước và kiểu dáng trang trí khác nhau. Trong đó, có một bàn thờ tổ gồm 2 tầng được làm công phu nhất đặt ở gian cửa chính, gồm hai tầng được dán gián màu trang trí xung quanh, chủ yếu là 3 loại giấy màu đỏ, vàng và xanh. Bàn thờ này tượng trưng cho ngôi nhà của tổ tiên, tầng trên được làm kín, chỉ để một của ra vào. Tầng dưới được đặt các đồ dùng  sử dụng trong việc cúng tế mang tính thiêng như đài xin âm dương, kiếm, gậy…

+ Bàn thờ tổ sư: 01 cái, làm bằng 4 trụ nứa hình chữ nhật cao khoảng 1m, trên có đan sàn với diện tích khoảng 1m2. Đây được xem là bàn thờ linh hồn của các vị sư tổ đã có công giáo huấn và cấp sắc bậc cao cho đồng bào.

+ Bàn thờ chính: 01 cái làm bằng gỗ, hình chữ nhật được đặt kế bên bàn thờ tổ, hầu hết các lễ chính diễn ra tại đây.

+ Còn lại là các bàn thờ nhỏ, được đặt ở cửa ra vào xung quanh nhà. Các bàn thờ này được làm rất đơn giản, chỉ nhỏ bằng hai bàn tay.

* Ghế ngồi cấp sắc: Được các  gia đình chuẩn bị trước, được đóng bằng gỗ hình vuông, cao khoảng 40cm. Xung quanh ghế dán nhiều loại giấy màu, đằng sau được trang trí hình mũi kiếm và thẻ bài thể hiện sức mạnh, sự uy nghi cho người được cấp sắc.

* Gối mơ: Đan bằng nứa hình mắt cáo, bên ngoài dán giấy màu đỏ. Được dùng để cho các học trò nằm gối khi đi mơ.

* Dây sắn rừng: Được đồng bào chọn những dây dài, to bằng đầu đũa nối lại chăng ngang theo chiều dài của trần nhà.

* Gốc dây sắn: Được đồng bào chọn gốc có 12 nhành, tượng trưng cho 12 đèn, 12 họ Dao, và 12 tháng trong năm.

* Giấy màu: Gồm các loại giấy xanh, đỏ, tím, vàng, trắng được cắt tỉa thành hình thẻ bài, hoa, cây cối dùng để trang trí khuôn viên trong nhà, bàn thờ…

* Hương: Khác với các dân tộc khác, hương của người Dao đốt trong lễ cấp sắc và trong ngày lễ, tết, cúng giỗ là một loại vỏ cây rất thơm (cây de). Khi làm lễ, bát hương được cho than bếp đỏ hồng lên trước rồi mới cho hương vào.

* Bát hương: Hình chữ nhật, được làm bằng gỗ là thân cây khoét rỗng chia thành hai ngăn để dựng than đốt hương.

* Mía: Hầu hết trong các mâm cúng chay trong lễ cấp sắc đều có mía, được chọn những cây mía già, có gióng đẹp, cắt thành từng khúc ngắn từ 1 - 2 đốt, sắp trên các mâm lễ cúng.

* Tiền âm:  Đặc trưng của tiền cúng người Dao không sử dụng các loại tiền sẵn có mà cắt từ giấy mua sẵn và được cắt thành từng dải khoảng dài 50cm, rộng 3cm, được đóng dấu chìm (dấu công nhận là tiền), sau đó gấp bó lại thành từng cuộn.

* Lúa: Lúa là sản phẩm nông nghiệp, cũng là nguồn lương thực chính của đồng bào. Vì vậy, việc cúng hồn lúa là một trong những tín ngưỡng quan trọng đã tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng người Dao. Lúa cúng trong lễ cấp sắc được lựa chọn rất kỹ, là những bông to, đẹp không bị sâu bệnh bó lạ thành từng cum để cúng trong lễ gọi hồn lúa.

* Gạo: Gạo cúng do đồng bào sản xuất ra, là loại gạo ngon.

* Chuối tiêu: Chuối tiêu chín vừa ngả sang màu vàng.

* Lợn cúng: Tổng số gồm 13 con, mỗi con khoảng 40kg, được nuôi từ nhỏ tại các gia đình với chế độ chăm sóc đặc biệt, lợn được ăn các thức ăn do đồng bào tự làm ra như rau, ngô, khoai nên có thịt rất săn chắc, thơm ngon.

Trong lễ cấp sắc, sau lễ tiểu chay và đại chay thì toàn thể những người tham gia lễ và người tham dự đều phải ăn chay, các đồ cúng hoàn toàn là chay. Trong các lễ cúng, trên bàn thờ cúng thường bao gồm bát hương, tiền âm, và các món ăn chay như chuối tiêu, mía, bánh chưng chay và rượu.

- Đồ dùng của thầy cúng trong lễ cấp sắc:

* Tranh: Tranh gồm 9 bộ (mỗi bộ 13 tranh) gồm các chủ đề, trong đó tranh của thầy là 8 bộ và tranh của gia đình là 1 bộ.

* Gậy: Làm bằng gỗ, trên đầu gậy có 1 khối hình vuông.

* Tù và: Làm bằng sừng trâu, dùng để thổi thông báo với Ngọc hoàng, thần linh mỗi khi vào lễ hoặc kết thúc lễ.

* Trống (zồ): Là loại nhạc cụ phổ biến, trong đó phổ biến là trống tang được bưng bằng có kích thước dài từ 40 - 60 cm, thân trống hình trụ, được trang trí hoa văn đơn giản. Âm thanh trống phụ thuộc vào chất lượng da và độ căng khi bưng, trống giữ vai trò chủ đạo, giữ nhịp cho các nhạc cụ khác và cho bài múa.

*Thanh la: Là loại nhạc cụ bằng đồng có đường kính từ 30 -40cm, đi cùng với thanh la luôn có một chiếc dùi làm bằng gỗ, đầu có bịt vải để khi đánh tạo được tiếng vang xa.

* Não bạt: Là loại nhạc cụ bằng đồng, nạo bạt gồm hai chiếc cặp thành một đôi, loại nhạc cụ này có hình đĩa, có kích thước đường kính khoảng 10 - 20 cm. loại nhạc cụ này thường được dùng đánh khi diễu hành hoặc  sử dụng trong các bài múa. Các nhạc cụ trên là những thứ không thể thiếu trong lễ cấp sắc. Trong các bài múa có những ý nghĩa khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung từng bài múa. Các điệu múa gồm:

* Chuông: Là loại chuông cầm tay, đúc bằng đồng, ở phần giữa trên đầu có làm cán để cầm lắc khi làm lễ.

* Thẻ xin âm dương: Thẻ dài khoảng 10cm, làm bằng gốc cây tre vọt nhọn hình móng vuốt, bổ làm 2 mảnh.

- Những điều luật và điều kiêng kị đối với người được làm lễ cấp sắc:

Văn hóa cấp sắc của người Dao là một phong tục mang giá trị đạo đức. Thông qua nghi thức tôn giáo này để cân bằng mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới. Học trò muốn được cấp sắc thì phải tuân thủ 10 điều cấm và 10 điều nguyện đó là:

* 10 điều cấm:

Không phạm vào trời đất

Không được cãi lời cha, mẹ

Không được lừa dối bạn bè

Không được sát sinh động vật bừa bãi

Không được lấy trộm, hại người khác

Không được tham của cải và sắc đẹp

Không được tức giận, xúc phạm người khác

Không được bỏ nghèo yêu giàu

Không được tham sống sợ chết

Không được dấu giếm những điều răn dạy.

Mười điều cấm có thể nói là tôn chỉ cơ bản trong nghi thức cấp sắc, trở thành một quy phạm đạo đức xã hội, đồng thời phản ánh tính chất giáo dục đạo đức truyền thống của tộc người. Những điều trên chiếm vị trí rất quan trọng trong tư tưởng của người Dao, là động lực tinh thần để các thành viên trong cộng đồng phấn đấu thực hiện để đạt được mục đích của bản thân, gia đình, dòng họ và xã hội.

* 10 điều nguyện:

Nguyện là một linh hồn bất tận

Nguyện thụ giới hiển linh

Nguyện đến Tam quang

Nguyện phát binh Tứ thánh

Nguyện phục vụ ngũ soái

Nguyện chính thanh lục thần

Nguyện lai hiện thất tinh

Nguyện tuỳ thân bát quái

Nguyện khai thái cửu miếu

Nguyện thành tâm làm việc thiện

Trong khoảng thời gian một tuần trước khi diễn ra lễ cấp sắc chính thức, những người được cấp sắc không được to tiếng với bà con họ hàng làng xóm, không được nói tục, chửi bậy, không quan hệ vợ chồng để chuẩn bị cho công việc quan trọng của đời người này.

- Quy trình tiến hành nghi lễ:

 * Thời gian và địa điểm: Lễ Cấp sắc diễn ra 3 ngày 3 đêm (9- 12/11 âm lịch), trong đó lễ chính diễn ra từ ngày (9 - 12/11 âm lịch). Tổng số thầy tham gia làm lễ gồm 13 thầy, trong đó có 3 thầy cả và 10 thầy thành viên. Từ hôm trước, mời 3 thầy đến để hướng dẫn các thủ tục và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, ngày hôm sau 10 thầy đến.

* Lễ đón thầy:  

Lễ đón thầy diễn ra đầu tiên, được tổ chức rất long trọng, trong đó có lễ rước cha đón đủ 13 thầy mo, thầy nhỏ nhất là thầy cúng thổi kèn đón trước, to nhất là thầy mo cả được đón sau cùng. Sau đó, là lễ rước mẹ, đón vợ thầy mo cả đến để đưa vợ những người được cấp sắc đến nơi cấp sắc.

Khi thầy bước tới cổng, tất cả 45 trò mặc áo chàm đen, đầu đội mũ nồi, quấn khăn đỏ, tay đánh nạo bạt ra đón thầy với không khí hân hoan vui nhộn. Mỗi đợt đón 3 thầy, khi thầy bước xuống sân tất cả học trò múa vòng quanh, cho tới khi thầy vào trong nhà. Tiếp tục như vậy đón các thầy còn lại. Lúc này, vợ các học trò đầu đội mũ sừng màu đỏ cùng ra trước sân đón thầy. Mỗi lượt đón thầy vào nhà, bên ngoài được bắn 12 phát súng chỉ thiên để chào mừng các thầy. Khi các thầy bước xuống được các trò đeo băng đỏ trước ngực và cài hoa lên đó thể hiện sự kính trọng đối với các thầy, sau đó thầy trò cúi chào nhau rồi bước vào nhà.

Sau khi đón các thầy vào nhà, 45 cặp xếp thành hai hàng ngang nhận quân lương do thầy phát, đàn ông ngồi trước đón một nắm gạo do các thầy phát, vợ ngồi sau dùng vạt áo hứng lấy gạo do các thầy tung tới từ xa. Sau khi nhận gạo xong, 45 trò cùng thầy đi ra ngoài cửa tiếp tục nhảy múa còn phụ nữ đi xuống bếp. Cùng lúc này, 12 phát súng kíp được bắn lên trời để thông báo với Ngọc Hoàng, tổ tiên xuống chứng giám.

* Lễ cấp sắc chính thức

- Lễ dâng đèn:

Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, mỗi trò sẽ đóng cho mình một chiếc ghế mới để ngồi khi cấp sắc. Vào lễ này, các trò ngồi thành hàng ngang, 2 thầy cầm 45 cây nến trên tay cùng các thầy khác đi vòng quanh để làm lễ. Hai thầy cả tay cầm đài úp lên đầu mỗi trò và úp lên thẻ bài của những người đã mất trong nhà các học trò chưa được cấp sắc. Sau đó các thầy cầm gậy ép sát vào hông nâng các trò đứng dậy khỏi ghế, xếp thành hàng ngang và bắt đầu học các quy tắc làm thầy.

- Lễ đưa các trò đi gặp Ngọc Hoàng: Trong lễ này các học trò chuẩn bị mỗi người một  bộ đài xin âm dương, 1 chiếc tù và, 1 chiếc chuông, kiếm, 1 cối hương, 7 chén nhỏ, 1 thẻ, 1 gậy. khi chuẩn bị xong lễ vật trên, các trò cầm thẻ hương và chuông múa vòng quanh nhà và bàn thờ sư tổ…Sau khi làm lễ trong nhà xong, các thầy trò đi ra đàn, tay cầm gậy và tù và, thầy trò múa và khấn trước bàn thờ sư tổ, sau đó thầy cả đến bên bàn thờ tổ làm lễ và thổi tù và báo hiệu xin phép ngọc hoàng và sau đó tất cả các học trò cùng thổi rồi tiến ra ngoài đến trước đàn nhỏ ngoài cửa thì dừng lại cùng thổi tù và bào hiệu với Ngọc hoàng và thần linh và dùng kiếm nhỏ gõ vào tù và theo nhịp điệu.

Lúc này ở trong nhà được trải chiếu và đặt mỗi chiếu 1 chiếc gối được đan bằng nứa bọc giấy màu ở bên ngoài gọi là gối mơ. Trên đầu chiếu được xếp 7 chiếc chén và mỗi chiếc úp trên 1 đồng tiền xu ở chân mỗi chiếu được dặt 1 cối hương. Bên ngoài, sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công thì tiến hành hóa vàng. Sau đó tiến vào cửa và được các thầy đón dắt vào nằm trên chiếu theo thứ tự. Học trò khi dắt vào được nằm thẳng ngay ngắn và đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt theo chiều từ trên xuống và 1 chiếc thẻ đặt trên bụng. Học trò được các thầy sắp xếp quần áo lại cho ngay ngắn và đặt ở chân mỗi học trò một cối hương. Sau đó thầy cả cùng 12 thầy còn lại thực hiện cầm dúm gạo có bọc gốc sắn dây có 12 nhành chấm vào bụng mỗi thầy chấm 1 lượt. Sau khi thực hiện xong, dúm gạo được đặt lên trên bàn thờ sư tổ. Lượt tiếp theo, tương tự như dúm gạo bọc gốc dây sắn có 12 nhành, các thầy dùng gậy đặt vào bụng mỗi học trò 1 lượt, thầy cả đặt lần cuối cùng đi 2 lượt. Các thầy đi vòng quanh và khấn 3 vòng quanh các học trò rồi bỏ mặt nạ ra. Lúc này các học trò đang đi âm nên ngủ rất say. Sau đó thầy cả đến chỗ nằm của từng học trò, ngậm 1 ngụm nước chè nhỏ rồi phun vào bụng và vỗ vào ngực học trò rồi đỡ từng người dậy ngồi vào ghế.

Khi thức dậy, các học trò ngồi lên ghế, các thầy đi theo sau thầy cả, tay cầm hai nắm tiền âm đến trước mặt các học trò và khấn. Sau đó, các học trò đứng dậy lật 7 chiếc chén trên đầu cất tiền xu và ghế.

- Lễ lên đàn cấp dấu: Trong lễ này gồm có 2 thầy và 45 trò, thầy dẫn các học trò ra đàn tế ngoài đồng. Trước cầu thang lên đàn được trải 45 cái chiếu của 45 học trò, thầy vắt lên mỗi bậc thang một xắp tiền âm. Sau đó thầy và các trò bước lên chiếu và lên trên đàn bằng cầu thang, đi chân đất, bậc thang được buộc bằng dao ghép chéo. Sau khi làm lễ xong, các trò đi xuống bằng cầu thang phía sau (được làm rất sơ sài, chỉ gác một cây gỗ).

Khi các trò xuống hết thì tiến ra trước cầu thang chính và lần lượt từng cặp vợ chồng tiến đến trải chiếu của mình ra và quỳ gối dùng vạt áo hứng lấy dấu do các thầy tung xuống, nếu hứng không được thì dấu được đưa lên cho các thầy tung lại đến khi nào hứng được mới thôi. Với những gia đình nào có người thân đã mất chưa được cấp sắc, thì tùy theo số người chưa được cấp sắc đưa dấu lên để các thầy làm phép rồi tung xuống sau cùng, đây là dấu cấp sắc của những người đã mất. Sau khi nhận được dấu, người chồng vái 3 lần, vợ nhún 3 lần rồi đi ra ngoài để cặp vợ chồng khác vào nhận dấu. Nhận dấu xong, mỗi gia đình đưa cho thầy 1 bộ đài xin âm dương để làm phép, sau đó mang về để xin âm dương trong những dịp lễ, tết.

- Đặt pháp danh (đặt tên âm): Các học trò lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cúng. Sau đó thầy cúng sẽ tiến hành đặt tên mới cho đệ tử được cấp sắc, dạy cho các học trò một số điệu múa. Cũng từ đây, người được cấp sắc sẽ có quyền tham gia vào các hoạt động của xã hội.

- Lễ đón hình mã trở về và thu quân: Lễ này gồm hai thầy mặc áo màu đỏ, thực hiện các bài cúng và đón quân bằng các điệu múa như: điệu ngựa phi, điệu cò bay, điệu rồng bay, đánh trống, đánh thanh la, múa ô…

Sau khi cúng xong, các thầy cùng vào bàn thờ tổ để làm lễ đón quân, khi đón được binh về, trưởng họ thực hiện nghi thức tung kiếm vào bàn thờ tượng trưng cho việc cất vũ khí.

Trong lễ thu quân, các trò mặc áo màu đỏ, vợ các trò mặc áo chàm đen, đầu đội mũ sừng. Tất cả tập trung trước bàn thờ chính, tay cầm nạo bạt chào 4 phía rồi múa vòng quanh. Sau đó tất cả cùng thầy đi ra ngoài đàn ngoài đồng, đàn ông đi trong, phụ nữ đi ngoài. Vợ thầy cả, được che ô đi giữa.

Trong nhóm nam có một người mặc áo chàm đen cầm sớ đi tâu với Ngọc hoàng, tất cả thầy trò đi vòng quanh đàn diễu binh để ôn lại khi ngọc hoàng truyền dạy phép thuật cho những người đàn ông Dao để diệt trừ yêu ma.

Trong lễ này hạt đậu tương được chọn làm vật làm tin, các thầy trò tham gia diễu binh ngoài đàn trở về phải có hạt đậu tương trong tay. Từ đàn về nhà sẽ phải đi qua 2 cửa kiểm tra nếu không qua cổng sẽ không được phép vào và bị đánh bằng roi. Khi vào nhà các trò cởi thay áo choàng đỏ bằng áo chàm đen truyền thống của dân tộc Dao và ngồi vòng quanh bàn xếp sẵn trong nhà làm hai vòng tròn, chồng ngồi trước, vợ ngồi sau.

Vợ thầy cả ngồi đầu bàn, thầy cầm dải băng trắng rải trước ngực vòng tròn nam và vòng tròn nữ, dải băng này tượng trưng cho binh mã. Đây là bữa cơm khao quân khi tham gia trừ yêu ma giành thắng lợi trở về.

Thầy đi một vòng phân phát cho mỗi người một nắm gạo, tượng trưng cho binh lính. Sau khi lễ kết thúc, gạo sẽ được dúm lại vào dải băng trắng trước ngực và mỗi người cắt lấy một đoạn mang về. Sau đó tất cả cùng ăn cơm chay liên hoan.

- Lễ đi trên đá nóng: Đây là lễ để thử thách lòng dũng cảm của các trò, nghi lễ mang tính linh thiêng phụ nữ không được tham gia. Vào lễ, đá và lưỡi cày được nung trong bếp lửa hồng khoảng 3tiếng. Bắt đầu lễ, thầy cúng trước bàn thờ và có một chậu nước, đã được làm phép mà các thầy trò phải rửa tay chân vào đó để không bị bỏng khi cầm và đi trên vật nóng.

Khi thầy cúng xong, lưỡi cày được bới và thả ra giữa nhà, lúc này các trò sẽ nắm lưỡi cày đã nung đỏ hồng đó. Nếu ai nắm được coi như là được lộc lớn. Đá nung đỏ được xếp thành hàng 12 viên, thầy và các trò phải chạy qua bằng chân không trên đá. Điều này có ý nghĩa để thử lòng dũng cảm, gan của các trò và cũng để xua đuổi ma thế giới không được phá hoại cuộc sống của đồng bào.

- Lễ hóa vàng: Tất cả đồ thờ cúng như tiền âm, giấy màu, sớ… được đặt tập trung trước gian thờ chính để làm lễ xin hóa vàng. Lễ này hai thầy mặc áo choàng đỏ, đầu đội mũ pháp sư mỗi người đeo một giỏ đồ cúng lễ cùng làm lễ và đọc sách cúng, xin âm dương. thầy cả cúng trước bàn thờ chính, còn các thầy khác cúng bàn thờ còn lại. Khi đã xin được âm dương, được phép của ngọc hoàng, thần linh thì ra hiệu cho các thầy khác dỡ bỏ khuôn hết các đồ thờ, trang trí của lễ cấp sắc. Bên ngoài các cây nêu cũng được chặt gãy xuống. Tất cả  những vật sử dụng trong lễ cấp sắc được tập trung hết dưới gầm đàn tế và đốt hóa hết. Các học trò xếp hàng trước dàn cúi lạy, đồng thời vợ các học trò nhún chân tạ lễ.

- Lễ cấp bằng: Một trong những nghi lễ quan trọng thứ hai trong lễ cấp dấu là lễ cấp bằng, đây là bằng ghi tên công nhận người được cấp sắc. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ đó. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ. Người được cấp sắc sẽ phải giữ bản sắc này suốt cuộc đời, khi qua đời sẽ được đốt trong đám ma.

- Các điệu múa trong lễ cấp sắc: Trong lễ Cấp sắc, các bài múa là một phần nội dung không thể thiếu. Trong các điệu múa có đan xen hào quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Âm nhạc hòa cùng các điệu múa tạo nên khung cảnh mang yếu tố linh thiêng của nghi lễ thờ cúng. Múa ở đây còn là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh, thể hiện ước mơ khát vọng của mình với thần linh, cầu mong thần linh che chở phù hộ cho cả gia đình và cộng đồng có cuộc sống yên vui, no đủ. Trong các bài múa không thể thiếu nhạc cụ và trang phục phụ trợ cho các động tác như thẻ bài (bằng gỗ hoặc ngà voi), chuông, mặt nạ, gậy…

Nhạc cụ trong các bài múa trong nghi lễ cúng của người Dao hoàn toàn không có các bài hát, chỉ có các nhạc cụ phụ họa cho các điệu múa. Múa gậy: (Múa đón gia tiên) Trình báo với tổ tiên về sự kiện gia đình, bài múa kêu gọi binh mã trên trời xuống đi cày, trồng lúa cho tổ tiên. Múa Lên hương;  Múa Rùa: Điệu múa này được bắt nguồn từ truyền thuyết về một con rùa tinh đến phá phách làng bản, mùa màng, reo rắc bệnh tật... thương xót chúng sinh ra muốn trừ được dịch họa này thì đàn ông con trai khỏe mạnh phải chung sức, chung lòng đánh đuổi rùa tinh. Từ đó, trò giết rùa đã biến thành điệu múa rùa.

Nói đến lễ đặc trưng của người Dao phải nói đến lễ cấp sắc. Vào ngày đó, người Dao thường tổ chức các điệu múa cổ truyền mà múa rùa là điệu múa đặc trưng vui nhộn nhất, điệu múa diễn tả quá trình săn bắt rùa như tìm rùa, bắt rùa, cõng rùa, mổ rùa... qua các điệu múa, đây cũng là dịp để người Dao cầu mong Bàn vương phù hộ cho tổ tiên, gia đình, họ hàng, bản làng được sống yên vui, hạnh phúc, nhà nhà đông con, đông cháu, mùa màng, cây cối bội thu...

Điệu múa rùa được diễn ra trong không khí vui tươi của ngày hội lớn, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khắn của các chàng trai thể hiện việc đuổi  rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Khi kết thúc màn múa rùa đội múa sẽ thể hiện các động tác ăn thịt, lúc này người Dao tin tưởng rằng những gì xấu xa nhất đã bị loại trừ, con người sẽ được sống vui vẻ, mùa màng sẽ tốt tươi... Tục múa còn là một phong tục đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Vì vậy, nó có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của người Dao.

Nghi lễ Cấp sắc của người Dao - huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thế hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Qua lễ cấp sắc thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ của cộng đồng, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng. Lễ cấp sắc được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ, các nghi lễ, các giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

9131 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h