Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

08/06/2019 06:38:28 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 16/7/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND công nhận Đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lãnh đạo huyện Lục Yên trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa đình Nà Ngàm cho lãnh đạo xã Mường Lai

1. Tên gọi Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

- Tên gọi khác của Di tích: Đình Cổ Văn, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 1122/QĐ - UBND ngày 16/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, công nhận đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Di tích đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên cách trung tâm thành phố Yên Bái 100 km. Đình tọa lạc trên một khu đất cao, lưng tựa dãy Pù Trà, phía trước mặt là núi Pác Khang, dưới chân đình Nà Ngàm được bao bọc bởi những cánh đồng lúa. Để đến được Di tích, du khách có thể đi từ trung tâm thành phố Yên Bái theo Quốc lộ 70 khoảng 65km đến trung tâm xã Khánh Hòa. Sau đó theo Quốc lộ 152 đến trung tâm thị trấn Yên Thế, rồi tiếp tục theo đường Quốc lộ 170 đi khoảng 6 km, rẽ trái vào đường liên xã đi Mường Lai khoảng 10 km là đến di tích đình Nà Ngàm.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

Từ xa xưa, người Tày nơi đây khi tìm đất lập bản, lập mường thường tìm đến dưới chân núi - nơi có nhiều cây to làm nhà. Theo quan niệm của người dân tộc Tày, làm nhà phải tựa lưng vào núi để nhận được sự che chở của núi rừng, từ trong núi sẽ có nhiều khe nước chảy phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của họ được thuận lợi.

Vùng đất này trước đây chỉ có tộc người Tày sinh sống, đình làng xưa kia được dân làng dựng lên với kiến trúc ba gian nằm trong khe núi Roong Đeng (Khe Đỏ), đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, đình được chuyển ra xóm Nà Chao (thôn Nà Ngàm hiện nay), dựng lại với quy mô rộng lớn hơn với kiến trúc năm gian hai chái để thuận tiện cho dân làng thờ phụng. Người có quyền lực cao nhất trong đình làng là “Pú Mo” - người đại diện cho dân làng phụ trách công việc hương khói, tế lễ tại đình. Đây chính là ngôi đình cổ của người Tày còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của tộc người Tày trong những giai đoạn sơ khai.

6. Các nhân vật được thờ tự:

Đình Nà Ngàm thờ ba vị thần Núi là Pú Đán Khao (thần núi Đá Trắng), Pú Đán Đeng (thần núi Đá Đỏ), Pú Đán Đăm (thần núi Đá Đen). Ban thờ được lập thành ba cấp là ban Thượng, ban Trung, ban Hạ, được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Ban thượng có chiều cao so với mặt đất là 2 mét, được làm bằng gỗ, trên ban có ba bát nhang thờ lần lượt ba vị thần núi Pú Đán Khao, Pú Đán Đeng, Pú  Đán Đăm. Tương truyền: xưa kia vùng đất này người dân sinh sống còn thưa thớt, cuộc sống khó khăn. Ruộng chỉ cấy một vụ nhưng thường bị mất mùa và thú rừng phá hoại, trâu bò dịch bệnh chết hàng loạt. Cuộc sống những người dân nơi đây quanh năm sống khó khăn, vất vả kèm theo dịch bệnh kéo dài. Với lòng tin vào các vị thần núi, thần sông có thể che chở, bảo vệ dân làng, xua đuổi thú dữ, các già làng, có kinh nghiệm đã bàn nhau khẩn cầu tế thần núi, thần sông để xua đuổi những điều không may đeo bám bà con dân làng nơi đây. Trong năm đó, không phụ lòng mong mỏi của nhân dân, lúa nặng trĩu bông, người dân ăn đủ ăn, đủ mặc, thú dữ không đến quấy nhiễu, phá hại mùa màng... Có lẽ từ những quan niệm đó, trong đời sống tâm linh của người dân tộc Tày nơi đây đã dần hình thành tín ngưỡng thờ thần núi, thần sông để được bảo vệ, che chở, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Ban trung được chia làm hai bên, thiết kế dọc theo ba gian chiều dài của đình, cách mặt đất 1,5 mét. Mỗi bên ban trung gồm có bốn bát hương thờ các “nàng hầu”. Theo Cụ mo đình Hoàng Quang Nhạn cho biết, các nàng hầu là những người hầu hạ, chuẩn bị quần áo, mũ, giày cho các vị thần núi, cứu giúp dân làng khi gặp khó khăn, thiên tai lũ lụt hay bị mất mùa…

Ban hạ được đặt ở dưới ban thượng, cách mặt đất 20 cm. Ban hạ có một bát hương thờ  “mo ké”, “mo cố” - những pú mo (ông mo) của đình làng đã qua đời, được tôn thờ ở đây. Phía bên ngoài cửa đình Nà Ngàm là miếu thờ thần thổ địa - vị thần chuyên cai quản khu đất này.

7. Các hiện vật trong Di tích:

Năm 1967 - 1968, do chiến tranh, dân làng sơ tán hết, không có người trông nom nên đình bị mối mọt và bị sụp hỏng. Các hiện vật của đình cũng bị mất hoặc thất lạc hết. Năm 2005, do nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, dân làng dựng lại đình Nà Ngàm cách vị trí cũ một km (cầu vọng). Đình được dựng với kiến trúc ba gian, các ban thờ được thiết kế giữ nguyên như trước đây. Nhưng đến năm 2006, do thời tiết khắc nghiệt, một lần nữa đình Nà Ngàm bị bão làm hư hỏng nặng rồi sụp đổ. Đến nay, đình Nà Ngàm chỉ còn duy nhất một hiện vật là đôi chiêng đồng được lưu giữ lại.

8. Phong tục lễ hội:

Hoạt động lễ hội đình Nà Ngàm gắn liền với tộc người Tày nơi đây từ rất lâu đời. Cứ vào ngày rằm tháng giêng (ngày 15 tháng 1 âm lịch) hàng năm, tại đình Nà Ngàm lại tổ chức lễ hội. Người có uy tín nhất trong làng sẽ được cử ra làm pú mo, Từ 25 tháng chạp âm lịch, pú mo được nghỉ ngơi tất cả các công việc nặng, phải tự giữ gìn sức khỏe để sang năm mới chuẩn bị cho công việc làm lễ cúng thần.

Trước khi vào ngày chính lễ, mỗi gia đình phải cử một người trong gia đình đi họp để bàn về công tác chuẩn bị lễ hội cho đình, sau đó về thông báo lại cho gia đình mình. Tại buổi họp, ông mo cùng những người giữ chức sắc trong làng sẽ cắt cử từng hộ gia đình ra phục vụ, chọn ra trai tân, gái chỉ để phụ trách công việc rước kiệu pú mo.

Tại đình Nà Ngàm cứ ba năm cúng lợn thì một năm cúng trâu. Mâm cúng lễ tại đình được dân làng chuẩn bị rất kỳ công. Mỗi mâm cúng bắt buộc phải có đủ món luộc, nướng, lòng của con vật mổ năm đó, hai bánh chưng, hai gói cơm, một chén rượu, một đĩa khảu si, chè lam, vàng bạc và một đèn dầu hạt bưởi. Dân làng phải chuẩn bị mười hai mâm lễ tất cả, những mâm lễ được đặt dọc thành hai hàng dưới đất, mỗi hàng sáu mâm tại gian thờ chính. Trong mười hai mâm lễ, có hai mâm để mười hai quả còn và mười hai quả yến.

Đúng vào giờ Thìn, các mâm lễ phải được chuẩn bị xong và bày ở đình để chờ pú mo. Những người được phân công vào đội rước kiệu phải mặc quần áo truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Nam thì mặc quần, áo dài nhuộm chàm, đầu đội khăn xếp đen; nữ mặc váy, áo dài nhuộm chàm, đội khăn, thắt lưng vải xanh, đeo vòng cổ xà tích.

Trong ngày này, pú mo thân thể phải sạch sẽ, không được ăn cho đến khi hoàn thành việc tế lễ cho làng. Trước khi ra đình, pú mo đặt một mâm lễ lên ban thờ gia tiên, xin âm dương rồi cùng đoàn rước kiệu ra đình tế lễ. Đoàn rước kiệu sẽ đi theo thứ tự: đội vác cờ đi đầu, chiêng trống theo sau, tiếp đến là lọng, kiệu pú mo (kiệu do bốn trai tân khỏe mạnh khiêng), người cầm ô đen che cho pú mo, người ôm tráp (trong tráp đựng quần áo lễ, giấy, bút, các vật dụng của pú mo). Sau đoàn rước kiệu là các đội chức sắc trong làng, hàng tổng đi trước rồi đến hàng xã, đội trai tài, gái sắc đi sau kéo thành một hàng dài ra đình.

Trước khi làm lễ cúng thần, pú mo kiểm tra lần lượt mười hai mâm cỗ được bày sẵn thành hai hàng trong đình. Mọi thứ đã đầy đủ, ông mo cho người thắp hương và đốt đèn dầu bưởi lên. Cùng lúc đó,  đội chiêng, trống bắt đầu nổi lên, pú mo bắt đầu thay quần áo tế lễ, sau ba hồi trống thì cũng là lúc ông hoàn thành và bắt đầu tế lễ, mời các vị thần linh. Sau khi xin được quẻ âm dương, pú mo tiếp tục xướng lễ đến tuần rượu thứ chín thì thu tất cả những nén vàng, bạc trên mười hai mâm lễ mang đốt cho các vị thần và xin quẻ lần cuối để kết thúc cuộc tế lễ, chuyển sang phần hội đình.

Mở đầu hội đình là phần thi ném còn. Các mâm còn, mâm yến sau khi tế lễ xong được chuyển ra sân đình. Ở ngoài sân đã dựng sẵn cây cột cao 12 mét, gắn một vòng tròn đường kính 40 cm có dán giấy vàng, tâm mầu đỏ. Người chơi chia thành hai đội, mỗi đội có sáu người đứng về hai phía của cây cột còn. Pú mo đứng ở giữa tung cho mỗi bên sáu quả còn, ai ném còn thủng được lớp giấy chui qua vòng tròn thì sẽ là người chiến thắng. Nếu vòng tròn được ném thủng vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì năm đó mùa màng sẽ bội thu, dân làng sẽ bình yên, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc. Qua giờ Ngọ vòng tròn chưa thủng thì dân làng phải bắn nỏ cho thủng vòng tròn rồi mọi người mới bắt đầu được thụ lộc tại đình.

Tiếp theo là hội “tát yến”, người chơi đứng thành vòng tròn nam nữ xen nhau. Pú mo là người đầu tiên tát những cái yến cho đội chơi. Hội tát yến diễn ra sôi nổi và thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là những trai tài, gái sắc đang có ý muốn hẹn hò nhau. Thông qua ngày hội đình dịp đầu năm mới, có nhiều cặp đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.

Ngoài hội thi ném còn, “tát yến”, tại đây còn diễn ra các trò chơi mang tính cộng đồng khác như kéo co, bắn nỏ… được bà con dân làng hò reo, cổ vũ nhiệt tình và rất sôi động. Khi trời ngả về chiều, từng tốp nam nữ tụ tập dưới những gốc cây to quanh đình, rì rầm trò chuyện, có tốp thì hát đối đáp với nhau, có những đôi trai gái quý mến nhau thì lặng lẽ tìm những nơi xa hơn để tâm sự. Hội đình kéo dài đến đêm khuya mới tan. Đêm đó, tại nhà pú mo, các quan chức trong làng ăn bữa cơm họp bàn, rút kinh nghiệm cho công tác tổ chức lễ hội để năm sau làm tốt hơn.

Đình Nà Ngàm là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của nhân dân địa phương và các các vùng lân cận, là nơi chứng kiến những đổi thay cuộc sống của người dân, là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa - tâm linh rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đình Nà Ngàm còn lưu những giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Mường Lai. Với kiến trúc độc đáo riêng biệt, đình Nà Ngàm để lại những dấu ấn riêng biệt trong hệ thống đình làng Yên Bái nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

4369 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h