Tăng
cường đào tạo nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
đang thực sự là mối quan tâm hàng đầu, là tiêu điểm của sự lựa chọn ưu tiên
trong chính sách quốc gia và tỉnh Yên Bái. Trong Chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), Tỉnh uỷ
Yên Bái đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến 2030 tỉnh Yên Bái có nguồn nhân lực
phát triển với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và thực hành đáp ứng nhu
cầu thị trường lao động, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
và đất nước.”
Trong những năm qua, được sự quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của toàn ngành, sự
nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có những bước phát triển trên cả ba mục
tiêu cơ bản của giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài. Cụ thể, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng ở tất
cả các cấp học, nguồn nhân lực có chất lượng phát triển… Toàn ngành hiện có 589
cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề.
Trong đó có 55 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; 209
trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 9 trường cao đẳng, trung cấp
chuyên nghiệp và dạy nghề với 200,000 học sinh sinh viên.
Kết quả của công tác giáo dục và đào
tạo đã làm thay đổi số lượng và chất nguồn nhân lực của tỉnh. Qua tổng điều tra
phổ cập giáo dục tỉnh Yên Bái tháng 12 năm 2013, số lao động đã tốt nghiệp đại
học là 21.944 người, chiếm 4,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt tỷ lệ
bình quân 305 người/1 vạn dân; số lao động có trình độ trên đại học 515, chiếm
0,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số sinh viên đại học, cao đẳng 157 người/1
vạn dân; số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2014, 2015 là 3886.
Tuy nhiên, số lao động có trình độ
đại học, cao đẳng còn thấp hơn tỷ lệ bình quân cả nước; khả năng đáp ứng yêu
cầu công việc, nhất là trong bối cảnh hội nhập, còn hạn chế.
Trong tình hình ấy, để đào tạo nguồn
nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, phẩm chất nghề nghiệp
đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy
hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2020, đồng thời
nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo. Hệ thống giáo dục - đào tạo và
dạy nghề của tỉnh cần đảm bảo chuẩn hoá, các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ
giáo viên được củng cố và phát triển. Từ năm 2015, chương trình sách giáo khoa
mới sẽ được xây dựng theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; đảm
bảo tính chỉnh thể linh hoạt trong các cấp học, tích hợp và phân hoá hợp lý có
hiệu quả.
Giải
pháp đột phá đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2015-2020
Để thực hiện yêu cầu trên ngành tập
trung các giải pháp mang tính đột phá như phát triển mạng lưới trường lớp. Quy
hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và dạy nghề từ năm 2015 đến 2020 và các năm tiếp
theo phải có tính liên thông đồng bộ. Củng cố hệ thống trường lớp mầm non, giáo
dục phổ thông hiện có. Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng trường trọng điểm
chất lượng cao ở các cấp học và áp dụng mô hình trường mới VNEN. Tiếp tục hoàn
thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề; đổi mới mục
tiêu, nội dung và phương thức đào tạo, đảm bảo cơ cấu về ngành nghề, về trình
độ và chất lượng phục vụ cho các thành phần kinh tế, có tính đến hợp tác lao
động quốc tế. Phấn đấu xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành ngang tầm
với các trường chuyên trọng điểm quốc gia, trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thành
trường nghề chất lượng cao vào năm 2020. Như vậy mỗi trường đều phải xác định
ngành mũi nhọn, loại hình và cấp độ đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh đó tranh
thủ tối đa hiệu quả đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trọng điểm nơi tập
trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo
dục. Củng cố vững chắc chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các ngành học,
bậc học. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng sớm phát hiện, phát
huy năng lực, sở trường trên cơ sở đó để phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho
học sinh. Quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc tạo điều kiện để các em học
sinh dân tộc thiểu số có điều kiện đi học. Nâng cao chất lượng học sinh giỏi ở
các bậc học. Phấn đấu 40% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; 30%
học sinh học các cơ sở giáo dục nghề; đảm bảo tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào
năm 2020. Nâng cao chất lượng dạy nghề phổ thông, đảm bảo học sinh tốt nghiệp
trung học cơ sở và trung học phổ thông được trang bị một nghề cơ bản để đi vào
cuộc sống. Coi trọng chất lượng các trường trung cấp và cao đẳng nghề, phấn đấu
khi ra trường học sinh phải giỏi về kiến thức, vững về tay nghề.
Cùng với đó xây dựng, củng cố, tăng
cường đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn hóa về
năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số
lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo các yêu cầu về phẩm chất, năng lực chuyên
môn, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Sử dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ
của đội ngũ nhà giáo. Việc đổi mới giáo dục cần có nhận thức đúng và thực hiện
với tinh thần chủ động sáng tạo từ các cấp quản lý giáo dục đến từng giáo viên,
học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng
phát triển năng lực. Xây dựng chương trình nhà trường vừa đảm bảo tính thống
nhất vừa phù hợp với đặc thù các vùng trên địa bàn của tỉnh. Đa dạng các hình
thức tổ chức quản lý hoạt động chuyên môn, tăng cường quản lý qua mạng thông
tin trực tuyến “Trường học kết nối”…
Một giải pháp căn bản nữa là tập
trung đổi mới công tác quản lý. Thực hiện sự phân cấp để các địa phương, các cơ
sở giáo dục tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục. Tăng cường công
tác kiểm định chất lượng giáo dục, công khai chất lượng và hiệu quả đầu ra của
quá trình đào tạo. Thực hiện công tác điều tra cơ bản thực trạng và dự báo nhu
cầu lao động trong tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ chế liên kết
địa phương với các trường đại học trung ương trong công tác đào tạo - bồi dưỡng
nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên. Liên kết giữa các cơ sở đào tạo với
doanh nghiệp làm cơ sở cho thực hành, thực tập, liên kết đào tạo, nghiên cứu
khoa học gắn với sản xuất và dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào
tạo. Có chính sách tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân
lực chất lượng cao ngành giáo dục đào tạo, để phát huy năng lực nghề nghiệp và
nhu cầu hoàn thiện phát triển cá nhân… tạo giải pháp mang tính đột phá nhằm
chuyển biến căn bản đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh
giai đoạn 2015-2020.
Thanh Bình