Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Trạm Tấu: Vượt khó để hoàn thành cuộc điều tra thực trạng kinh tế xã hội của 53 DTTS

17/08/2015 15:38:43 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, bắt đầu từ sáng ngày 1/8/2015, huyện Trạm Tấu ra quân thực hiện cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 DTTS trên địa bàn huyện. Đây là cuộc điều tra được tổ chức lần đầu tiên với lượng thông tin rộng lại thực hiện hoàn toàn tại địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống nên các điều tra viên của huyện Trạm Tấu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên bằng sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ điều tra viên, giám sát viên, hiện nay huyện Trạm Tấu đã hoàn thành trên 40% khối lượng công việc, trong đó xã Pá Hu đã hoàn thành cuộc điều tra.

Cán bộ Chi cục thống kê huyện Trạm Tấu nghiệm thu phiếu cho xã Pá Hu

Xã Pá Hu có hai địa bàn điều tra là thôn Cang Dông và thôn Háng Gàng. Đây là 2 thôn có địa hình khó khăn và xa trung tâm nhất của xã Pá Hu. Tuy nhiên đến ngày 14/8, xã Pá Hu đã hoàn thành cuộc điều tra. Điều tra viên Điêu Thị Loan chia sẻ: “Đúng một ngày sau khi được tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện cuộc điều tra này là mình bắt tay ngay vào thực hiện điều tra. Nhiều năm công tác tại địa phương nên mình biết Háng Gàng là thôn xa trung tâm nhất, giao thông đi lại khó khăn vì vậy trong suốt gần hai tuần thực hiện điều tra mình ở luôn tại thôn. Đồng bào ở đây không sống tập trung nên có khi cả buổi sáng mình chỉ đi đến khoảng 5 nhà. Những ngày thời tiết thuận lợi, bà con tranh thủ đi làm thì mình phải đi từ sáng sớm hoặc buổi chiều tối mới gặp được họ. Mặc dù đã công tác lâu năm tại xã, hiểu được phần nào ngôn ngữ của đồng bào Mông nơi đây nhưng do cuộc điều tra lần này có lượng thông tin rộng nên để thu thập được thông tin một cách trung thực chính xác thì khi về địa bàn mình luôn chủ động phối kết hợp với trưởng thôn. Họ là người nắm chắc nhất tình hình của từng hộ đồng thời vừa giúp mình làm phiên dịch khi phải khai thác các thông tin chi tiết. Được cái khi tiếp cận người dân đều nhiệt tình hợp tác cung cấp thông tin, không khai man. Đồng chí Giàng A Lồng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: “Xác định đây là một cuộc điều tra quan trọng, lần đầu tiên được thực hiện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông trong xã nói riêng nên ngoài việc cử cán bộ văn phòng thống kê tham gia làm điều tra viên xã còn cử thêm cán bộ của xã cùng tham gia thực hiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thời gian và công việc để điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ”. Với sự cố gắng vượt khó của điều tra viên, sự tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền địa phương Pá Hu đã hoàn thành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số và trở thành địa bàn đầu tiên hoàn thành cuộc điều tra của huyện Trạm Tấu.

Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, huyện Trạm Tấu có 14 địa bàn điều tra với 3 dân tộc là Mông, Thái và dân tộc Khơ Mú, trong đó dân tộc Mông chiếm 10 địa bàn, dân tộc thái 3 địa bàn và dân tộc Khơ Mú 1 địa bàn. Trong tổng số 12 xã, thị trấn của huyện (trừ thị trấn Trạm Tấu và xã Trạm Tấu) thì tất cả các xã đều có địa bàn điều tra, trong đó xã có nhiều địa bàn điều tra nhất là xã Làng Nhì và xã Tà Si Láng (mỗi xã 3 địa bàn điều tra).

Trong cuộc điều tra này, huyện Trạm Tấu có 560 phiếu điều tra hộ và 62 phiếu điều tra thu nhập. Để phục vụ cho cuộc điều tra này huyện Trạm Tấu đã đã trưng tập 13 điều tra viên, hầu hết là cán bộ văn phòng thống kê của các xã, cán bộ phòng thống kê và phòng dân tộc cùng phối hợp làm nhiệm vụ giám sát viên. Đồng chí Dương Văn Nguyên - Chi cục phó Chi cục thống kê huyện Trạm Tấu cho biết: “Để cuộc điều tra diễn ra thành công đúng quy trình, Chi cục xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, trong đó đã phố hợp với Đài truyền thanh truyền hình huyện tuyên truyền mục đích ý nghĩa của cuộc điều tra trên hệ thống truyền thành của huyện bằng 3 thứ tiếng là tiếng phổ thông, tiếng Mông và tiếng Thái để người dân nhận thức rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc điều tra, từ đó có thái độ hợp tác tốt, chủ động cung cấp thông tin một cách chính xác, trung thực. Cùng với đó Chi cục rất chú trọng đến việc tuyển chọn đội ngũ điều tra viên. Đây là đội ngũ trực tiếp thu thập thông tin và ghi thông tin vào phiếu. Do vậy công tác tập huấn cho điều tra viên đã rất được quan tâm đặt lên hàng đầu”. Theo đó trước khi ra quân thực hiện điều tra, công tác tập huấn cho điều tra viên đã được thực hiện tỉ mỉ, chi tiết với 3 ngày liên tục theo phương pháp cầm tay chỉ việc hướng dẫn theo tình hình thực tế ở địa phương, đảm bảo ngắn gọn dễ hiểu. Quá trình tập huấn đã đi sâu vào thực hành trong công tác phỏng vấn thu thập thông tin và cách ghi phiếu để điều tra viên nằm được thuần thục các bước điều tra, các quy trình thu thập thông tin cũng như cách  đặt câu hỏi để người dân dễ dàng tiếp nhận được nội dung thông tin cần cung cấp.

Với phần lớn địa bàn điều tra được thực hiện trong đồng bào dân tộc Mông (10/14 địa bàn) nên bên cạnh thuận lợi là được cấp ủy Đảng chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện, người dân sẵn sàng hợp tác cung cấp thông tin thì thực hiện cuộc điều tra này huyện Trạm Tấu gặp không ít khó khăn. Do lượng thông tin lớn với 81 câu hỏi xoay quanh mọi vấn đề liên quan đến đời sống của người dân đặc biệt là các câu hỏi về mốc thời gian luôn là “rào cản” để điều tra viên thu thập thông tin. Chẳng hạn câu hỏi “vợ chồng có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ không ?” rất khó để phiên dịch sang tiếng Mông. Đồng bào không hình dung được 3 thế hệ là như thế nào? Hoặc câu hỏi dành cho phụ nữ từ năm 12 tuổi đến 49 tuổi “tổng số con trai và con gái do chị sinh ra là bao nhiêu?” Nhiều chị em hiểu là năm 12 tuổi và năm 49 tuổi sinh bao con trai, bao con gái chứ không hiểu đó là thông tin trong cả khoảng thời gian từ năm 12 tuổi đến năm 49 tuổi. Cũng vẫn với câu hỏi dành cho phụ nữ khi hỏi về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình chị em rất ngại nói về các biện pháp trừ biện pháp đặt vòng, còn các biện pháp khác chị em gần như không hình dung được, hoặc đối với những người cao tuổi không nhớ chính xác được năm kết hôn là năm nào? Khi đó điều tra viên phải hỏi thế đứa con cả của anh/ chị (ông/bà) năm nay bao nhiêu tuổi? Khi biết được tuổi của đứa con cả thì điều tra viên hỏi tiếp, bao lâu sau khi cưới thì anh/ chị (ông/bà) có con? Từ đó suy ra mốc thời gian kết hôn của họ…Đó chỉ là một trong số rất nhiều tình huống cần phải vận dụng linh hoạt và am hiểu phong tục tập quán của đồng bào vùng cao để khai thác thông tin một cách chính xác nhất.

Trong vai trò là giám sát viên, anh Hoàng Trọng Phú chia sẻ: “Ở cuộc điều tra này có hai loại phiếu là phiếu hộ và phiếu thu nhập. Ở phần phiếu thu nhập rắc rối hơn là điều tra hộ do có tới 4 loại thu nhập khác nhau. Do đó chúng tôi phải trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn điều tra viên thực hiện từng loại phiếu, tránh việc bỏ sót thông tin hoặc trùng thông tin để đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế xã hội của từng hộ trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Qua 17 ngày thực hiện cuộc điều tra, đến nay huyện Trạm Tấu đã hoàn thành được hơn  40 % tiến độ công việc, trong đó xã Pá Hu đã hoàn thành. Huyện Trạm Tấu phấn đấu hoàn thành cuộc điều tra này xong trước ngày 31/8/2015./.

1304 lượt xem
Thu Hằng – Đài TT.TH huyện Trạm Tấu

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h