Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở
thành phố Yên Bái vẫn chỉ dừng lại ở sản xuất thuần nông.
Chuyện làm nông ở phố
Mặc dù chỉ có gần 700ha đất SXNN và trên
2.000ha đất lâm nghiệp nhưng đây là tài sản lớn của nông dân thành phố. Do diện
tích ít lại thiếu vốn và kiến thức, nhất là chưa có sự liên kết giữa các hộ,
nhóm hộ và doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sau thu hoạch nên năng suất,
sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chưa cao. Tổng giá trị sản xuất nông -
lâm nghiệp, thủy sản của thành phố năm 2014 mới chỉ đạt 120 tỷ đồng, dự kiến
năm 2015 đạt 127 tỷ đồng.
Với những gì mà thành phố đang làm để SXNN
theo hướng hàng hóa chất lượng cao thì con số trên quả là khiêm tốn. Lý giải về
vấn đề này, ông Phùng Tiến Thanh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Do
diện tích đất nông nghiệp ở thành phố không chỉ ít, nhỏ lẻ mà chủ yếu là đất bạc
màu vì thiếu sự đầu tư. Diện tích ruộng nhiều ô, nhiều thửa khiến cho việc sản
xuất quy mô lớn gặp nhiều khó khăn”.
Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cái chính là
thành phố vẫn sản xuất ở dạng thuần nông chứ chưa thực sự sản xuất theo nền
nông nghiệp đô thị. Đơn cử như việc sản xuất rau xanh trên địa bàn. Mặc dù
lượng rau xanh sản xuất đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng hiện
nay người trồng rau ở thành phố vẫn làm rau xanh theo kiểu manh mún. Việc ứng dụng
khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế, nhất là sản xuất chưa gắn với thị
trường nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa có những loại rau
đặc sản. Người nông dân chủ yếu vẫn trồng rau và không dám đầu tư trồng các
loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.
Để khắc phục hạn chế trên, xã Tuy Lộc
- xã nông thôn mới cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các loại cây có
giá trị kinh tế cao vào trồng như: Hoa, ớt xuất khẩu… nhưng hiệu quả kinh tế
cũng vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, xã cũng đã nghĩ đến việc dồn điền đổi thửa
nhưng cũng không thành công. Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đồng
đất Tuy Lộc chủ yếu nằm dọc sông Hồng nên được bồi đắp phù sa rất tốt nhưng còn
manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2012,
xã đã họp dân để dồn điền đổi thửa nhưng người dân không đồng thuận”.
Nhiều người dân đưa ra lý do là không thể
dồn điền đổi thửa được do đồng ruộng của họ ở nhiều chỗ khác nhau, chỗ đất
trũng, chỗ đất cát, chỗ đất màu mỡ… Vậy nếu dồn đổi thì ai sẽ chịu nhận phần
đất trũng sản xuất không hiệu quả? Ông Nguyễn Danh Nguyên ở thôn Minh Long chia
sẻ: “Nhà tôi có 7 sào ruộng ở 4 chỗ khác nhau. Nếu bốc thăm được chỗ đất màu mỡ
thì tốt, còn chẳng may bốc phải chỗ đất trũng thì gia đình tôi lấy gì mà ăn”.
Những bước đi ban đầu
Để đưa SXNN phát triển theo nền nông nghiệp
đô thị, thành phố Yên Bái cũng đã quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích trên
70ha thuộc xã Văn Phú, Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh; vùng hoa 50ha thuộc xã Tuy
Lộc; vùng trồng hoa, cây cảnh xã Minh Bảo; vùng trồng cây ăn quả có múi xã Văn Tiến,
Văn Phú…
Hiện nay, tổng diện tích trồng rau của
thành phố trên 560ha, trong đó hình thành vùng rau tập trung có giá trị kinh tế
tại các xã: Tuy Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh… trên 150ha, còn lại trồng phân tán
trên toàn địa bàn. Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số hộ gia đình dám
đầu tư vào SXNN đạt giá trị canh tác hàng trăm triệu đồng trên một héc-ta. Nhưng
con số này không nhiều và mới dừng lại ở những mô hình.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đức Huệ ở
thôn 1, xã Giới Phiên từ việc trồng và cho thuê cây đào cảnh vào dịp tết Nguyên
đán mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Hay như gia đình ông Phạm Thế Cầu
ở thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến với mô hình trồng chanh tứ thời, thanh long ruột đỏ,
chăn nuôi thủy sản, trồng rừng hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng…
Nông dân cũng muốn hướng tới nền nông
nghiệp đô thị như: Trồng hoa, cây cảnh, sản xuất rau theo hướng VietGAP nhưng
thiếu vốn, thiếu kiến thức và thị trường. Bà Nguyễn Thị Tỉnh ở thôn Minh Long,
xã Tuy Lộc cho biết: “Vụ nào thì trồng rau đấy thôi như vụ này chủ yếu chúng
tôi trồng các loại rau cải. Vẫn biết là trồng rau trái vụ, rau đặc sản thì giá thành
cao nhưng phải đầu tư về vốn, kỹ thuật lớn mà chúng tôi thì không có vốn”.
Với suy nghĩ vậy nên toàn xã Tuy Lộc hầu
như hộ nào cũng có vài sào đến cả héc-ta đất trồng rau, cũng có hộ thu nhập cả
trăm triệu đồng/năm từ trồng rau nhưng vẫn chưa thực sự trở thành hàng hóa. Có
thể khẳng định, việc quy hoạch và định hướng cho SXNN trên địa bàn như vậy là
rất phù hợp, tuy nhiên, qua vài năm triển khai, vẫn chưa thực sự phát huy hiệu
quả.
Cùng sản xuất rau màu, với mục tiêu phát
triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới,
thành phố đã hỗ trợ người dân đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi gia
súc, gia cầm theo phương pháp bán công nghiệp, hàng hóa chất lượng cao. Nhưng
do không có vốn đầu tư, thiếu đất nên hiện nay phần lớn người dân vẫn chỉ dừng
ở mô hình chăn nuôi nông hộ với vài lợn nái và vài chục lợn thịt chứ chưa thể
hình thành trang trại, gia trại. Cộng thêm đó là đầu ra không ổn định, phụ
thuộc nhiều vào thương lái, giá cả bấp bênh...
Ông Trần Ngọc Mão ở thôn 3, xã Văn Phú là
hộ chăn nuôi lợn lâu năm ở xã. Ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng đầu tư
xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố với 27 ô cho lợn nái và lợn con nhưng do
không có liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào mà giá lợn lại bấp bênh nên sản xuất
không ổn định.
Ông tâm sự: “Chăn nuôi lớn cần có liên
doanh, liên kết ổn định nhưng Nhà nước phải là cầu nối chứ người nông dân chân
lấm, tay bùn như chúng tôi muốn làm cũng khó. Nhiều lần tôi cũng muốn liên kết
chăn nuôi với các công ty lớn nhưng do không có vốn, quỹ đất nên cũng đành
chịu. Chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu này, nếu giá lợn cứ ổn định khoảng 47.000 đồng/kg
trở lên thì mới bớt khó khăn”.
Những năm gần đây, mặc dù thành phố đã có
nhiều cố gắng đầu tư cho nông nghiệp, bình quân mỗi năm hỗ trợ cho các mô hình
sản xuất vài tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi triển khai Đề án “Phát triển SXNN theo
hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao” giai đoạn 2012 - 2015 đã có hàng trăm
dự án sản xuất được hỗ trợ. Riêng năm 2015, có trên 180 dự án được hỗ trợ với
tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số này cũng vẫn chưa tạo
sức bật cho nền SXNN của thành phố.
Vấn đề đặt ra ở đây là ngoài việc quy
hoạch, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách
của tỉnh, thành phố thì thành phố cũng cần có những cơ chế “đặc thù” để thu hút
các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân mang
tính chất hàng hóa bền vững trong sản xuất.
Cần những giải pháp căn cơ
Phát triển nông nghiệp theo kiểu manh mún,
tự phát như hiện nay đồng nghĩa với thu nhập của người dân không cao, cuộc sống
khó khăn. Do vậy, để giải quyết những hạn chế, bất cập trên, thành phố cần
hướng tới một nền SXNN đô thị. Nông nghiệp đô thị không những góp phần cung ứng
nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ, bảo đảm an toàn cho người dân mà
còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư.
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ cách đây 3 - 4
năm, một người nông dân ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã biết trồng rau xanh
bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và được ưa
chuộng. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn do nhiều lý do nhưng nông
dân ở vùng cao đã biết thay đổi tư duy trong sản xuất và tự tìm thị trường để tiêu
thụ sản phẩm vậy tại sao nông dân thành phố, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn
lại không thể làm được?
Để phát huy hiệu quả đồng đất vốn ít ỏi
người nông dân thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản
xuất; quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; liên doanh, liên kết
tạo thành những nhóm hộ, tổ hợp tác hay hợp tác xã để sản xuất những sản phẩm
nông nghiệp giá trị cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Thành phố cần vận động, khuyến khích các
doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, từ đó, xây dựng
và hình thành các vùng chuyên canh lớn, những vùng SXNN công nghệ cao; khai
thác triệt để tiềm năng, lợi thế, đưa các cây, con giống có năng suất, giá trị
kinh tế cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị vào sản xuất như: hoa, cây cảnh…;
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nhà cung cấp, các siêu thị,
trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích
phát triển các trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tổng hợp kết hợp
đầu tư cơ sở vật chất tạo thành những khu du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng và ăn
uống…
Giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế trên,
chắc chắn, thành phố sẽ có một nền SXNN hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được
tiến trình đô thị hóa hiện nay.
(Theo Hồng Duyên / Báo Yên Bái)