Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đền Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

14/06/2019 13:30:13 Xem cỡ chữ Google
Ngày 4/7/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 790/QĐ-UBND công nhận đền Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lễ rước và đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đền Đại An

1. Tên Di tích:

- Đền Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 4/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đền Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đi đến Di tích:

Cách trung tâm thị trấn Mậu A khoảng 1 km, qua cầu Mậu A bắc qua Sông Hồng, đi theo tuyến đường An Thịnh - Mỏ Vàng 200 m là đến di tích Đền Đại An. Đền Đại An là một trong những ngôi đền cổ, nằm dọc theo tuyến thượng lưu Sông Hồng, đền còn nguyên giá trị về văn hoá lịch sử và là điểm đến của du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Văn Yên.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

Khởi thủy đền Đại An là ngôi Đình cổ của người Tày Khao có tên là Đình Bục, thuộc thôn Bục, xã Đại Bộc, tổng Yên Phú, huyện Trấn Yên (nay là xã An Thịnh, huyện Văn Yên). Đình Bục được dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ XIX thờ tam vị Sơn Thần là Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương.

Theo tín ngưỡng thờ phụng của nhân dân vùng núi phía bắc, tam vị Sơn Thần là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của Hùng Vương. Với sự ngưỡng mộ và niềm khát vọng làm chủ thiên nhiên, khai phá các vùng đất và dựng nước, nhân dân nơi đây lập Đình thờ phụng.

Đầu năm 1940 khi các cư dân miền xuôi di cư đến khai phá và sinh sống, xuất hiện sự giao thoa giữa cư dân bản địa và cư dân vùng khác, đình Bục đã rước chân nhang từ đền Đông Cuông về thờ tự. Để phù hợp với việc thờ tự, đình Bục dần dần chuyển sang thành đền, sau lấy tên là đền Đại An.

Như vậy Đền Đại An chính là thờ vọng Mẫu Thượng Ngàn. “Vọng” có nghĩa là “Nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, trông chờ”. Do đường sá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, người dân nơi đây lập bàn thờ vọng Mẫu Thượng Ngàn thể hiện lòng biết ơn đến các vị Thánh có công khai phá lập bản, lập làng, có công với đất nước.

Đền Đại An trong những năm gần đây đã được tu sửa và xây dựng khang trang, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của một ngôi đền cổ với lối kiến trúc xưa, cùng những hiện vật cổ được trưng bày nơi đây. Tại đây, trong những ngày lễ báo hiếu, đại lễ Vu Lan, đại lễ Phật đản cũng được tổ chức long trọng thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Ngoài những lễ hội được tổ chức, đền Đại An cũng là nơi thu hút nhiều du khách thập phương trong hành trình du lịch tâm linh về chiêm bái, cầu lộc, cầu tài. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc, giúp các thế hệ xã An Thịnh, huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung hôm nay và mai sau tự hào về quê hương đất nước và luôn biết hướng về cội nguồn dân tộc.

Đền Đại An còn là niềm vinh dự và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã An Thịnh về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, địa phương có một di sản văn hóa quý báu cần được bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích lịch sử đền Đại An là điểm đến của khách thập phương trong hành trình du lịch tâm linh về chiêm bái, cầu lộc, cầu tài, để những người con quê hương hướng về nguồn cội, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Từ đó có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc, giúp các thế hệ xã An Thịnh nói riêng và huyện Văn Yên nói chung hôm nay và mai sau nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử.

 

5752 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h