Trong suốt chiều dài lịch sử, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã cùng
quân dân cả nước góp công, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những thắng
lợi vĩ đại, bước ngoặt của cả dân tộc là Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bước vào thời kỳ đổi mới, từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu dựa hoàn toàn
vào nông nghiệp độc canh cây lúa thì hôm nay đã phát triển thành nền kinh tế
hàng hóa đa dạng, có cơ cấu hợp lý, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa hiện
đại hóa.
Nhân dân các dân tộc từ địa vị mất nước, nô
lệ trở thành người làm chủ quê hương đất nước, đời sống vật chất tinh thần đã
tốt hơn rất nhiều. Cơ sở vật chất ngày một quy mô, hiện đại đáp ứng cho phát
triển trong thời kỳ mới. Khó ai có thể tin được trong bộn bề gian khó nhưng tốc
độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2010 - 2015 vẫn luôn đạt trên 11,33%
(nông lâm, thủy sản 5,4%, công nghiệp - xây dựng 11,7%, dịch vụ 15,01%). Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ
trọng công nghiệp dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 đạt trên 15.548
tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm.
Không chỉ kinh tế tăng trưởng, cơ cấu nền
kinh tế chuyển dịch đúng hướng mà Yên Bái còn huy động và sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt các công trình
mang tầm "thế kỷ" đã được thi công đã và sắp đưa vào sử dụng, thành
phố Yên Bái từ chỗ chỉ có một hai tuyến đường chính, thì nay đã có hàng loạt
các công trình giao thông tầm cỡ đưa vào sử dụng đáp ứng cho phát triển. Khởi
đầu phải kể đến cây cầu Yên Bái bắc qua sông Hồng nối trung tâm tỉnh lị với các
huyện thị miền Tây và các tỉnh phía Tây Bắc năm 1994, tiếp đến đại lộ Nguyễn
Thái Học được cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng năm 2000. Niềm vui nối tiếp
niềm vui, tuyến đường Đông Hồ, đại lộ Nguyễn Tất Thành dài trên 5km nối thành
phố Yên Bái với Yên Bình, rồi đường tránh ngập nối từ trung tâm thành phố với
quốc lộ 32 và tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ngày khánh thành cây cầu
Yên Bái người dân hân hoan chào đón như một giấc mơ trở thành hiện thực thì nay
trên địa bàn tỉnh đã có 4 cây cầu bắc qua sông Hồng. Mới đây nhất, tỉnh đã tiến
hành khởi công cầu Tuần Quán với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng kết nối với bờ
hữu ngạn sông Hồng để mở rộng không gian xây dựng và phát triển đô thị thành
phố Yên Bái, là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời kỳ
hội nhập.
Và rồi phía xa xa bên hữu ngạn sông Hồng một
bệnh viện với quy mô 500 giường cũng đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục
cuối cùng để đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên
cạnh đó, 3 khu công nghiệp (KCN) đã được vào KCN quốc gia là: KCN phía Nam có
diện tích 400ha; KCN Âu Lâu với diện tích 120ha; KCN Minh Quân với diện tích 112ha
và hàng loạt các KCN như Đầm Hồng (thành phố Yên Bái), Bắc Văn Yên, Sơn Thịnh
(Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình)...
Rồi hàng loạt các nhà máy thủy điện như:
Ngòi Hút I, Ngòi Hút II, Mường Kim, Văn Chấn... đã đi vào hoạt động hòa vào
dòng điện lưới quốc gia. Hàng loạt các nhà máy, phân xưởng được đầu tư xây dựng
từ các khu, cụm công nghiệp đến các huyện thị, vùng quê. Tất cả đó đều là những
công trình mang dấu ấn Yên Bái và là những công trình trọng điểm có tác động mạnh,
tạo bước đột phá trong bước phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những kết
quả đó cũng khẳng định Yên Bái đã biết vận dụng linh hoạt các lợi thế cũng như
khắc phục những khó khăn để phát triển.
Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây có
hàng trăm dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh
với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Từ một địa phương có xuất phát điểm công
nghiệp gần như con số không vậy mà nay giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt trên
7.500 tỷ đồng. Các sản phẩm "madein Yên Bái" như chè, quế, tinh bột
sắn, đá bột, đá hạt, ván ghép thanh... đã được tiêu thụ khắp năm châu và tạo dựng
một chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm
luôn đạt hàng chục triệu USD.
Trong sản xuất nông nghiệp cũng đã tạo được
bước đột phá mạnh mẽ và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa như
vùng chè gần 12.000ha, vùng quế 30.000ha, vùng sắn 8.000ha, vùng cây nguyên
liệu giấy 60.000ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao 5.500ha, vùng ngô hàng hóa
15.000ha. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực thì nay vùng
thấp đã có hàng ngàn tấn lúa gạo hàng hóa, vùng cao đã đảm bảo an ninh lương
thực.
Những thành công ấy, sự phát triển ấy thuộc
về nhân dân các dân tộc trong tỉnh và trên hết là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh
trong suốt 70 năm qua. Không ỷ lại vào lợi thế về tiềm năng của một địa phương
mà Đảng bộ đã tự nhìn nhận thực lực của mình để có một bước đi cho riêng mình. Những
người có trách nhiệm cao nhất đã bàn bạc kín kẽ và hoạch định đường hướng, rồi
lấy phương châm "Chớp thời cơ, liên kết rộng, hợp tác sâu" đi đôi với
phát huy nội lực, tạo bước đột phá vào các lĩnh vực cơ bản như: Đổi mới mô hình
tăng trưởng và tái cấu trúc lại kinh tế, phát triển nông nghiệp, công nghiệp,
thương mại - dịch vụ công nghệ cao có giá trị gia tăng, hàng hóa sức cạnh tranh
cao; phát triển đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Những tư duy mới đã tạo
ra những đổi thay từ trung tâm tỉnh lỵ đến các bản làng vùng cao, đời sống vật
chất, tinh thần người dân đã được nâng lên. Đó là những thành quả đáng trân
trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà được bắt nguồn rõ
nét nhất từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
(Theo Thanh Phúc/Báo Yên Bái)