Những ngày này, có dịp trở lại với xã Việt
Thành (huyện Trấn Yên), chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay nơi đây. Bộ
mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng
cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống
của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Từ trụ sở UBND xã đến trường học hay
Trạm Y tế xã đều khang trang, đẹp đẽ. Mọi con đường liên thôn, nội đồng được bê
tông hóa rộng rãi, sạch đẹp.
Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã vui mừng
cho biết về những kinh nghiệm dùng phát triển kinh tế làm đòn bẩy XDNTM: “Đến
nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Cốt lõi để xã có được thành
công này là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đó là
phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng cây lâm nghiệp, trồng lúa chất
lượng cao... Nhờ đó, nông dân nâng cao thu nhập, ước hết năm 2015 đạt 25 triệu
đồng/người/năm. Đây là tiền đề để Việt Thành phát huy vai trò chủ thể của nhân
dân trong XDNTM”.
Rõ ràng, vai trò đòn bẩy của phát triển sản
xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân trong XDNTM là không thể phủ nhận. Vì thế,
thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai, nổi bật như: Trồng
dâu nuôi tằm tại xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên); hỗ trợ trâu cái sinh sản luân chuyển
giữa các hộ tại huyện Lục Yên; hỗ trợ cho các nhóm hộ mua máy cày, máy bừa tại
thị xã Nghĩa Lộ... Đánh giá bước đầu cho thấy, sản xuất nông nghiệp đã có
chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa, đặc biệt từng bước hình thành liên
kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều
kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, quá trình triển
khai tại nhiều địa phương còn chậm, hiệu quả chưa thực sự bền vững. Thực tế tại
xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) hay xã Đại Phác (huyện Văn Yên), xã Báo Đáp
(huyện Trấn Yên)… tuy đã có đổi thay nhưng cuộc sống người dân vẫn chưa thật
bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ nét, người dân vẫn còn rất thiếu
thốn tư liệu sản xuất và lúng túng chưa biết sản xuất ổn định cây gì, con gì.
Hiện, nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa lớn
nhưng vẫn chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp dẫn đến không thể thành công.
Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên chia sẻ: “Đến nay, huyện đã hình
thành 3 vùng chuyên canh: lúa hàng hóa, sắn, quế cho hiệu quả cao, cung cấp sản
phẩm nông nghiệp dồi dào cho thị trường tiêu dùng và chế biến. Tuy nhiên, trong
sản xuất, sự liên kết “4 nhà” còn chưa chặt chẽ; đặc biệt, việc tiêu thụ sản
phẩm còn nhiều khó khăn do trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản
phẩm cho nông dân”.
Ngoài những khó khăn mang tính đặc thù của
một số địa phương, thực tế, hầu hết các xã còn chưa quan tâm nhiều đến phát
triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Điểm qua một số đề án XDNTM của
các địa phương, kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội chiếm phần lớn
nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, đầu tư phát triển kinh tế với con số rất
"khiêm tốn".
Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2014, tổng
các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đạt trên 4.179 tỷ đồng. Thế nhưng, bốn năm
qua, chỉ có 20,59 tỷ đồng được phân bổ từ nguồn vốn Chương trình XDNTM và từ 35
- 45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 29 xã
đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020.
Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên
Bình) thu mua và chế biến măng tre Bát Độ cho nông dân huyện Yên Bình, Trấn Yên.
Rõ ràng, qua 4 năm XDNTM, chúng ta mới giải
quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt của người dân nông thôn như đường -
trường - trạm và các thiết chế văn hóa, hệ thống kênh mương nội đồng làm nền
tảng cho phát triển. Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều người cho rằng, hạ tầng
kinh tế - xã hội là những điều kiện thiết yếu để nâng cao đời sống vật chất tinh
thần của người dân song nếu chỉ có con đường mới, trường học, trụ sở... đẹp đẽ,
khang trang mà người dân ở đó vẫn theo tư duy sản xuất cũ thì đời sống thực sự của
họ vẫn chưa chuyển mình theo kịp sự đổi mới về kết cấu hạ tầng.
Theo ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, mục tiêu của XDNTM là nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho người dân. Để hiện thực hóa điều này, trước tiên, nông dân
phải có thu nhập ổn định, phải có nghề bền vững. Muốn vậy, từng địa phương phải
làm tốt công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đây là quá trình lâu
dài, đòi hỏi sự đầu tư cùng những giải pháp chiến lược.
Ông Trường nhấn mạnh: “Để nông dân có thu
nhập cao và bền vững từ sản xuất nông nghiệp, lời giải là xây dựng vùng thâm
canh, chuyên canh, đưa khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; nâng cao trình độ
sản xuất cho nông dân, đào tạo nghề, chuyển dịch mạnh từ lao động nông nghiệp
sang phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập người dân.Trong đó, mấu
chốt là phải làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất manh mún, lạc
hậu đi lên sản xuất lớn, từ sản xuất tự sản, tự tiêu đi lên sản xuất hàng hóa;
đồng thời, tiếp tục thu hút các cơ sở tham gia chế biến gắn với các vùng cây
trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh như: chè, quế, sắn, lúa, ngô, cây ăn
quả... Mối liên kết giữa doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, doanh nghiệp với
doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân và nông dân với nông dân phải được duy
trì, phát triển thường xuyên”.
Bên cạnh đó, để sản xuất nông nghiệp phát
triển bền vững, các địa phương cần củng cố, xây dựng hợp tác xã (HTX) nông
nghiệp hoạt động theo hướng làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ cho sản
xuất, kinh doanh, tổng hợp; phải vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ và
mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế với tổ hợp tác, các doanh nghiệp.
Tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương có thể thành lập HTX hoặc tổ hợp tác
nông nghiệp nhưng điều quan trọng là các HTX, tổ hợp tác này phải tạo nên những
thay đổi, sức sống mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện
nay, đa phần các HTX nông nghiệp mới dừng lại ở việc cung ứng vật tư, phân bón
cho nhân dân trong xã chứ chưa xây dựng được một kế hoạch sản xuất, kinh doanh
tập trung về cơ cấu giống, mùa vụ. Đặc biệt, việc bao tiêu sản phẩm cho bà con
nhân dân gần như còn bỏ ngỏ.
Ông Trần Văn Việt ở xã Việt Thành cho hay:
“Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm là thu nhập chính của gia đình nhưng thực tế
lâu nay gần như tất cả sản lượng kén bán ra đều phó mặc cho tư thương nên không
tránh khỏi việc ép giá. Nếu trên địa bàn có doanh nghiệp hoặc HTX ký hợp đồng bao
tiêu sản phẩm thì chắc chắn nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cũng cần
được chú trọng và đổi mới. Ông Đỗ Thành Dương - Trưởng phòng Ngành nghề nông
thôn Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng: “Giảm tỷ lệ lao động trong
nông - lâm - ngư nghiệp trong bối cảnh Yên Bái là tỉnh miền núi, đời sống chủ
yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi là rất khó khăn và cần quá trình lâu dài. Trước
mắt, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu
thiết thực của người dân và thực tế địa phương, từ đó, nâng cao khả năng kinh
tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình
XDNTM”.
Song song với những giải pháp trên, thời
gian tới, các địa phương cần chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn như:
vốn chương trình mục tiêu quốc gia; vốn giảm nghèo, vốn phát triển giao thông
nông thôn... Có như vậy, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư mới được phát huy,
NTM mới nhanh về “đích”.