Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình cụ thể, chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổng kết, đánh giá các mục tiêu giai đoạn 2010-2015 và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy; tăng cường dân chủ, công khai trong trường học; chấn chỉnh các hoạt động dạy thêm, học thêm, việc thu góp sai quy định ở một số cơ sở trường học; tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng dân tộc và chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục: Đối với giáo dục mầm non, tập trung ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cho trẻ người dân tộc. Tổng kết Đề án phát triển Giáo dục mầm non và Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015.
Đối với giáo dục phổ thông, tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, triển khai đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, triển khai mô hình trường học mới (VNEN), định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc; tiếp tục tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở trường học; triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với giáo dục thường xuyên, tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giáo dục thường xuyên; thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế tình trạng học sinh, học viên bỏ học; tăng cường liên kết giữa các trung tâm với các cơ sở đào tạo, dạy nghề để tổ chức học bổ túc trung học phổ thông kết hợp với học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các ngành nghề, hình thức, hệ đào tạo; tập trung triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn; thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động. Củng cố hệ thống mạng lưới gắn với quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn; sắp xếp, bố trí đội ngũ cho phù hợp với quy mô tuyển sinh của từng đơn vị.
3. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức triển khai đánh giá, xếp loại nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá phân loại cán bộ, công chức; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP; đồng thời gắn với công tác khảo sát, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ; Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương trong việc quản lý, tuyển dụng và sử dụng viên chức; từng bước đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thực hiện đầy đủ, kịp thời và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với nhà giáo và cán bộ quản lý.
4. Tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Tiếp tục quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; rà soát, sắp xếp lại hệ thống các lớp học ở thôn bản hợp lý, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương; đảm bảo hiệu quả về quy mô, ổn định về mạng lưới trường, lớp cho đến năm 2020. Tập trung đầu tư phát triển và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong quản lý và dạy học. Xây dựng kế hoạch, lộ trình, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư xây dựng trường phổ thông chất lượng cao ở một số địa phương vùng thuận lợi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình và Dự án về giáo dục và đào tạo theo mục tiêu và lộ trình đã được phê duyệt.
5. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục: Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tập trung các giải pháp quyết liệt đảm bảo giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015, 2016 và những năm tiếp theo.
Hồng Hạnh