Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát triển cây ăn quả: Cần chiến lược dài hơi

22/09/2015 15:47:49 Xem cỡ chữ Google
Ngoài những loại cây, quả "đặc trưng", vài năm trở lại đây, Yên Bái phát triển khá mạnh các vùng cây ăn quả như cam, quýt, nhãn, bưởi, chanh, thanh long, mít... Việc phát triển cây ăn quả đã và đang giải quyết khá nhiều việc làm cho lao động nông thôn, phát huy tốt hiệu quả đất đai và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả một cách tràn lan, thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược như hiện nay khó có thể bền vững.

Cây bưởi Diễn được đưa vào trồng trên đất Bạch Hà (huyện Yên Bình) phát triển tốt.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay, toàn tỉnh có 6.650ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 38.350 tấn. Để có được những con số đó là một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chẳng nói đâu xa, cách đây chục năm về trước, Yên Bái chỉ có vài chục héc-ta cam sành, hồng không hạt ở Lục Yên và cũng chưa đầy trăm héc-ta nhãn ở Văn Chấn, Văn Yên, hơn chục héc-ta bưởi Đại Minh còn lại phần lớn là trồng nhỏ lẻ trong các hộ dân. Người dân có tiền và muốn ăn hoa quả, nhất là các loại quả miền Nam cũng khó bởi phần lớn hoa quả bán ở chợ là ở các tỉnh, thành khác chở về nên vừa khan hiếm lại vừa đắt đỏ. Nhưng một hai năm trở lại đây, người dân từ thành phố đến nông thôn chẳng cần phải ra chợ mà các xe hàng rong bán ngập đường nào là vải, nhãn, thanh long, mít Thái, xoài... giá cả rất phải chăng.

Mùa nào thức ấy, phần lớn là do nông dân Yên Bái trồng. Khó ai có thể tin được vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, bưởi Diễn, nhãn Hưng Yên, thanh long ruột đỏ, ruột trắng rồi ruột tím toàn những loại đặc sản mà trước đây chỉ nhà giàu mới dám mua về ăn thì nay đã có mặt trên đồng đất Yên Bái. Nhiều gia đình giàu có từ trồng cây ăn quả như gia đình ông Phạm Thế Cầu ở xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái); Lê Minh Hiến ở xã Hưng Thịnh (Trấn Yên); Nguyễn Mạnh Ân, Nguyễn Mạnh Huân ở xã Đại Minh (Yên Bình)...

Theo chân Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình Lã Tuấn Hưng đến vùng bưởi Đại Minh mới thấy rõ được hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả mang lại.

Nói đến xã Đại Minh là nói đến bưởi, bưởi ở đây ngon nổi tiếng trong vùng với vị ngọt thanh mát có giá vài ba chục ngàn đồng mỗi quả. Cho đến nay, cũng chưa ai biết chính xác giống bưởi ngọt thanh, ăn mát lịm ấy được trồng trên đất Đại Minh từ bao giờ! Chỉ biết rằng, đến nay, toàn xã đã phát triển được trên 80ha bưởi, năm 2014 cây bưởi đã mang về cho người dân nơi đây gần 25 tỷ đồng. Song song với phát triển cây bưởi, Đại Minh cũng đã biết vận dụng các tiềm năng thế mạnh của mình là phát triển cây lúa, chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.

Hiện, toàn xã có trên 70% số nhà là nhà xây, hàng trăm ngôi nhà có giá trị cả tỷ đồng, hàng chục hộ có ô tô riêng, ô tô vận tải. Hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đếm không xuể! Phát huy kết quả đã đạt được, huyện đang có chủ trương mở rộng thêm khoảng 300ha diện tích cây ăn quả lên ven đồi. Cũng như Yên Bình, huyện Văn Chấn đã quy hoạch, hình thành phát triển vùng cây ăn quả có múi tại 8 xã vùng ngoài và vùng nhãn tập trung tại khu trung tâm huyện. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đã đạt gần 3.000ha, trong đó có 650ha cam, quýt, hơn 1.000ha nhãn, thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thực tế đã chứng minh, trồng và phát triển cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu tại các vùng quê. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc trồng và phát triển cây ăn quả vẫn còn nhiều việc phải bàn bởi hiện nay có khá nhiều diện tích trồng tràn lan không theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch sự phân bố vùng trồng cây không đồng đều dẫn tới hiệu quả không cao. Cách đây vài năm, khi cây cam lên ngôi, nhiều hộ dân ở vùng ngoài Văn Chấn chặt chè trồng cam, chặt cây lâm nghiệp trồng cam, cam từ vườn nhà cam leo lên đồi. Nhưng người dân vùng cam cũng đã có nhiều vụ "vàng mắt" vì cam không tiêu thụ được và giá rất rẻ mạt. Tương tự cây cam, cây nhãn, cây vải ở Yên Bái cũng vậy, liên tục lao đao với điệp khúc được mùa rớt giá.

Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, các địa phương, bà con nông dân các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái đua nhau trồng thanh long. Giá thanh long từ vài chục ngàn đồng/1kg nay giảm chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, với mức giá này người nông dân chẳng lãi được mấy. Dự báo chỉ một, hai năm nữa, những vườn thanh long đang được bà con trồng chăm sóc đơm hoa kết trái, giá sẽ còn giảm nữa... Vì vậy, để phát triển bền vững cũng như giữ vững thương hiệu cây ăn quả đặc sản rất cần có những chính sách mang tầm vĩ mô được triển khai một cách kịp thời.

Cụ thể, đối những vùng cây có múi truyền thống như bưởi Đại Minh, cam sành, quýt Văn Chấn cần xây dựng thương hiệu, đầu tư thâm canh cao và sản xuất theo VietGAP để nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa. Song song với đó là quy hoạch và phát triển cây mới tập trung chứ không thể phát triển tràn lan như hiện nay.

Làm theo phong trào, tự do phát triển chỉ hiệu quả một, hai năm đầu chứ không thể thành hàng hóa và phát triển bền vững được. Về lâu dài, cần liên doanh, liên kết, thành lập các hợp tác xã sản xuất hoa quả, liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Chỉ có như vậy, sản xuất cây ăn quả mới phát huy được hiệu quả một cách bền vững, đem lại giá trị cao.

 

1041 lượt xem
Theo Ngọc Trúc/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h