Đi qua những mùa dâu, thêm những mùa no ấm, đủ đầy với người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên. Những thập niên 60 của thế kỷ trước, cây dâu ta và con tằm kén vàng đã tạo lập nên một nghề mới, khởi nguồn cho nghề trồng dâu nuôi tằm ở đất Trấn Yên này. Sau gần 2 thập niên khôi phục nghề cũ của ông cha, giờ thì cây dâu xưa, con tằm cũ đã được thay bằng giống cây dâu lai, con tằm kén trắng với năng suất và giá trị kinh tế vượt trội.
Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên trao đổi kỹ thuật nuôi tằm đất với hộ nuôi.
Câu nói "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” dường như chỉ đúng với cái thời xa xửa xa xưa ấy. Người trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên giờ nhàn nhã hơn. Nghề "ăn cơm đứng” đang mang lại sự phồn thịnh cho những làng quê mỡ màu, trù phú ven sông Hồng, vốn xưa đói nghèo, lam lũ…
Dẫu chẳng phải cái nôi của nghề tằm tơ canh cửi đất Trấn Yên xưa, ấy thế nhưng ở xã Báo Đáp, cây dâu - con tằm đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây gần hai chục năm nay, kể từ cái thời cây dâu lai, con tằm kén trắng được đồng chí Lê Văn Tạo - nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên lặn lội tìm kiếm đưa về trồng thử nghiệm trên đồng đất Việt Thành. Có đi cùng những thăng trầm của cây dâu – con tằm mới hiểu, giữ nghề và thành công được với nghề cần sự tâm huyết biết chừng nào.
Không tâm huyết, không trăn trở sao được khi cái nghề của cha ông xưa tạo lập đang mang đến một cuộc sống sung túc, níu giữ người dân quê thêm gắn bó, trân quý đồng đất quê hương. Là một trong những hộ tiên phong trồng dâu nuôi tằm ở Báo Đáp, cũng là hộ có tiếng giỏi nuôi tằm ở thôn 12, anh Lê Văn Tiến không giấu niềm vui khi mà năm nay, giá thu mua kén tằm nhích lên đáng kể, cũng là một năm nuôi tằm đạt năng suất cao.
"Đầu vụ giá thu mua kén tằm từ 80 – 100 nghìn đồng/kg đã thấy mừng ghê lắm nhưng hiện tại giá kén thu mua cao hơn nhiều, 120 nghìn đồng/kg. Năm nay có điều lạ và mừng là sản lượng kén tằm nuôi rất đạt. Nói đến giống thì trứng tằm lấy ở Thái Bình, Hà Nam… thua xa giống trứng nhập về từ Trung Quốc. Một vòng trứng tằm giống Trung Quốc, có thể cho sản lượng kén như ở vụ này gia đình nuôi đạt tới 30 – 35 kg, cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi trước đây. Nuôi tằm nhiều năm rồi nhưng mình chưa sao lý giải được điều này. Trung bình một vòng trứng cho sản lượng 15 – 20 kg kén đã được xem là đạt, nhưng thu trên 30 kg kén/1 vòng trứng là điều mơ ước” - anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo anh Tiến, nuôi con tằm không khó nhưng để nuôi đạt được sản lượng cao, chất lượng kén tốt cũng tốn công mày mò, trăn trở nghiên cứu, từ sử dụng thuốc ở từng tuổi tằm ra sao, thời tiết, môi trường thế nào để con tằm nuôi ít bệnh, ít chết, để có kén 1 nhiều, kén đôi ít… Mỗi thành công hay thất bại với người trồng dâu nuôi tằm đều là kinh nghiệm đúc kết, được tích lũy từ thực tiễn mà có. Bởi thế mà đi mỗi mùa dâu, qua mỗi mùa tơ, người trồng dâu nuôi tằm đất này lại thêm am tường về nghề, thêm gắn bó với đồng bãi, với cây dâu, con tằm.
Báo Đáp nằm trong những xã đầu của huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới, đang chuyển mình đi lên cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà cây dâu - con tằm đang là cây, con cho thu nhập cao, chiếm giữ vị trí nhất bảng về giá trị kinh tế trong rất nhiều loại cây, con truyền thống ở địa phương. Người trồng dâu nuôi tằm giờ nhàn nhã hơn. Bởi quá trình sản xuất, người nông dân đã bắt đầu đi sâu vào những công đoạn chuyên môn hóa cao, có tính quyết định trực tiếp đến năng suất và hiệu quả kinh tế.
Nói chuyện nhàn – vất nuôi tằm, bà Lê Thị Lợi ở thôn 12 - hộ có thâm niên gần chục năm gắn bó với nghề "ăn cơm đứng” bộc bạch: "Con cái trưởng thành cả, nhà có 8 sào dâu đấy nhưng hai vợ chồng già vẫn làm thêm vài sào lúa và rau màu, tính các khoản thu, mỗi năm cũng để ra được bảy, tám chục triệu. Nuôi tằm vất nhất là mấy ngày chúng ăn rỗi, cũng phải thuê mướn, đổi nhau công hái dâu, thái lá; còn khi tằm đã lên né thì nhàn rồi. Không như trước đây, chúng tôi phải nuôi tằm từ công đoạn ươm trứng. Hiện tại, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của thôn đã có 3, 4 hộ chuyên nuôi ươm tằm con cung cấp giống cho các hộ, vừa bảo đảm về chất lượng con giống lại vừa đỡ vất vả hơn xưa. Nuôi tằm từ tuổi 3, chỉ sau hơn chục ngày là được thu kén nên nhà có nhiều dâu thì nuôi nhiều, nhà ít nuôi ít. Trung bình như gia đình tôi, thường chỉ nuôi 2 vòng rưỡi, năm thu sáu bảy chục triệu đồng tiền kén là có tích lũy rồi. Còn với những hộ có diện tích dâu nhiều, nuôi giỏi như nhà bác Tiến, thu cả trăm triệu đồng từ bán kén mỗi năm là chuyện thường”.
Hiệu quả trồng dâu nuôi tằm là thế, chẳng vậy mà mỗi năm có vài héc-ta đất trồng lúa, trồng màu, chủ yếu là những chân ruộng kém năng suất, khó lấy nước... được người dân chủ động chuyển đổi hẳn sang trồng dâu nuôi tằm, cho hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều lần.
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp - Nguyễn Ngân Giang cho hay: "Đồng bãi trồng dâu tập trung nhiều nhất ở 5 thôn ven sông Hồng. Đây cũng là vùng kinh tế được địa phương quy hoạch để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích dâu hiện đang cho thu hái khoảng gần 60 ha, số hộ nuôi tằm xấp xỉ 300 hộ. Kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương đang khẳng định vị trí số 1. Chi phí đầu tư ít, sản phẩm đầu ra được bao tiêu ổn định, năm 2017 với khoảng 5.400 vòng trứng nuôi trong dân, cây dâu, con tằm đã đem về cho địa phương trên 9 tỷ đồng”.
Đi cùng những mùa dâu, ngẫm ra chưa khi nào người trồng dâu nuôi tằm phải lao đao khốn khó vì đầu ra của sản phẩm như những cây, con khác.
Cứ như người dân địa phương chiêm nghiệm thì giá thu mua kén tằm kể từ khi bắt đầu làm đến giờ chỉ có tăng, có chững, chứ chưa khi nào giảm. Từ cái thời giá kén mới chỉ có 3.500 đồng/kg mà nay giá thu mua đã lên tới 120 nghìn đồng/kg kén, mới thấy chẳng có cây, con nào trên đồng đất Trấn Yên được thịnh vượng cho bằng. Cái giá 120 nghìn đồng/kg kén với người trồng dâu nuôi tằm ở thời điểm này đã được xem là lý tưởng lắm.
Thế nhưng, theo anh Tiến - Tổ trưởng tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thôn 12, giá này còn thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua kén tằm ở Lâm Đồng. Chất lượng kén của Lâm Đồng được đánh giá tốt nên trung bình giá kén ở tỉnh này được thương lái thu mua lên tới gần 200 nghìn đồng/kg.
Ở Báo Đáp, Công ty thu mua kén tằm Mộc Châu đặt điểm thu mua tại xã nên sản phẩm kén tằm của bà con địa phương làm ra đã có thương lái đến tận nơi mua, thậm chí ứng tiền đặt trước. Điều làm bà Lợi và những hộ trồng dâu nuôi tằm phấn khởi nhất là thương lái sẵn sàng ứng trước cả vài chục triệu đồng cho gia đình khi nhà có việc, rồi thu mua kén trả dần. Chẳng sợ không trồng được dâu, không bán được kén nên nuôi tằm dễ dàng tích lũy, lúc nào trong nhà cũng có sẵn đồng tiền mặt để chi tiêu, lo việc phát sinh, đột xuất...
Kiên trì bám đất giữ nghề, cả thôn 12 giờ đã có tới gần 100 hộ trên tổng số 113 hộ trồng dâu nuôi tằm. Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của thôn thành lập từ năm 2011 với 7 hộ thành viên ban đầu, duy trì việc cung ứng tằm giống cho các hộ nuôi trong thôn, trong xã mà anh Lê Văn Tiến hiện làm Tổ trưởng, dự định tập hợp đưa tất cả các hộ trồng dâu nuôi tằm của thôn cùng tham gia vào hoạt động. Mục tiêu tạo dựng uy tín chất lượng cho sản phẩm kén tằm của thôn; hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm giữa các hộ.
Theo anh Tiến, việc liên kết tạo ra được lượng sản phẩm lớn, chất lượng, ổn định cỡ chừng vài chục tấn kèn tằm/năm như của thôn hiện nay sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, bảo đảm lợi ích, từng bước tạo thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hạn chế nhiều rủi ro so với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm…
Anh Tiến chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi tằm trong thôn.
Rời Báo Đáp khi những tràn dâu cuối vụ hãy còn xanh lá, những vòng tằm cuối cùng đang được người nuôi chăm chút, những mong cho thu lứa kén cuối vụ tròn đẹp, dày tơ, cũng là để gác lại một năm chăn nuôi bội thu, gieo ước vọng mới cho những mùa dâu xanh lá, những mùa kén đong đầy. Đi cùng những mùa no ấm, đã thấy sự giàu có hiện hữu ở Báo Đáp khi con số thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này năm 2016 đã đạt 28 triệu đồng; 98,5% số hộ gia đình trên địa bàn xã đã có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng… Mới thấy, thành quả nông thôn mới và sự chuyển mình đi lên đúng hướng của địa phương đang tạo ra nguồn động lực, chắp cánh cho những khát vọng làm giàu chính đáng của người nông dân, có niềm tự hào tiếp nối nghề xưa và cả quyết tâm dám nghĩ, dám làm…
1467 lượt xem
Theo Báo Yên Bái
Đi qua những mùa dâu, thêm những mùa no ấm, đủ đầy với người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên. Những thập niên 60 của thế kỷ trước, cây dâu ta và con tằm kén vàng đã tạo lập nên một nghề mới, khởi nguồn cho nghề trồng dâu nuôi tằm ở đất Trấn Yên này. Sau gần 2 thập niên khôi phục nghề cũ của ông cha, giờ thì cây dâu xưa, con tằm cũ đã được thay bằng giống cây dâu lai, con tằm kén trắng với năng suất và giá trị kinh tế vượt trội. Câu nói "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” dường như chỉ đúng với cái thời xa xửa xa xưa ấy. Người trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên giờ nhàn nhã hơn. Nghề "ăn cơm đứng” đang mang lại sự phồn thịnh cho những làng quê mỡ màu, trù phú ven sông Hồng, vốn xưa đói nghèo, lam lũ…
Dẫu chẳng phải cái nôi của nghề tằm tơ canh cửi đất Trấn Yên xưa, ấy thế nhưng ở xã Báo Đáp, cây dâu - con tằm đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây gần hai chục năm nay, kể từ cái thời cây dâu lai, con tằm kén trắng được đồng chí Lê Văn Tạo - nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên lặn lội tìm kiếm đưa về trồng thử nghiệm trên đồng đất Việt Thành. Có đi cùng những thăng trầm của cây dâu – con tằm mới hiểu, giữ nghề và thành công được với nghề cần sự tâm huyết biết chừng nào.
Không tâm huyết, không trăn trở sao được khi cái nghề của cha ông xưa tạo lập đang mang đến một cuộc sống sung túc, níu giữ người dân quê thêm gắn bó, trân quý đồng đất quê hương. Là một trong những hộ tiên phong trồng dâu nuôi tằm ở Báo Đáp, cũng là hộ có tiếng giỏi nuôi tằm ở thôn 12, anh Lê Văn Tiến không giấu niềm vui khi mà năm nay, giá thu mua kén tằm nhích lên đáng kể, cũng là một năm nuôi tằm đạt năng suất cao.
"Đầu vụ giá thu mua kén tằm từ 80 – 100 nghìn đồng/kg đã thấy mừng ghê lắm nhưng hiện tại giá kén thu mua cao hơn nhiều, 120 nghìn đồng/kg. Năm nay có điều lạ và mừng là sản lượng kén tằm nuôi rất đạt. Nói đến giống thì trứng tằm lấy ở Thái Bình, Hà Nam… thua xa giống trứng nhập về từ Trung Quốc. Một vòng trứng tằm giống Trung Quốc, có thể cho sản lượng kén như ở vụ này gia đình nuôi đạt tới 30 – 35 kg, cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi trước đây. Nuôi tằm nhiều năm rồi nhưng mình chưa sao lý giải được điều này. Trung bình một vòng trứng cho sản lượng 15 – 20 kg kén đã được xem là đạt, nhưng thu trên 30 kg kén/1 vòng trứng là điều mơ ước” - anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo anh Tiến, nuôi con tằm không khó nhưng để nuôi đạt được sản lượng cao, chất lượng kén tốt cũng tốn công mày mò, trăn trở nghiên cứu, từ sử dụng thuốc ở từng tuổi tằm ra sao, thời tiết, môi trường thế nào để con tằm nuôi ít bệnh, ít chết, để có kén 1 nhiều, kén đôi ít… Mỗi thành công hay thất bại với người trồng dâu nuôi tằm đều là kinh nghiệm đúc kết, được tích lũy từ thực tiễn mà có. Bởi thế mà đi mỗi mùa dâu, qua mỗi mùa tơ, người trồng dâu nuôi tằm đất này lại thêm am tường về nghề, thêm gắn bó với đồng bãi, với cây dâu, con tằm.
Báo Đáp nằm trong những xã đầu của huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới, đang chuyển mình đi lên cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà cây dâu - con tằm đang là cây, con cho thu nhập cao, chiếm giữ vị trí nhất bảng về giá trị kinh tế trong rất nhiều loại cây, con truyền thống ở địa phương. Người trồng dâu nuôi tằm giờ nhàn nhã hơn. Bởi quá trình sản xuất, người nông dân đã bắt đầu đi sâu vào những công đoạn chuyên môn hóa cao, có tính quyết định trực tiếp đến năng suất và hiệu quả kinh tế.
Nói chuyện nhàn – vất nuôi tằm, bà Lê Thị Lợi ở thôn 12 - hộ có thâm niên gần chục năm gắn bó với nghề "ăn cơm đứng” bộc bạch: "Con cái trưởng thành cả, nhà có 8 sào dâu đấy nhưng hai vợ chồng già vẫn làm thêm vài sào lúa và rau màu, tính các khoản thu, mỗi năm cũng để ra được bảy, tám chục triệu. Nuôi tằm vất nhất là mấy ngày chúng ăn rỗi, cũng phải thuê mướn, đổi nhau công hái dâu, thái lá; còn khi tằm đã lên né thì nhàn rồi. Không như trước đây, chúng tôi phải nuôi tằm từ công đoạn ươm trứng. Hiện tại, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của thôn đã có 3, 4 hộ chuyên nuôi ươm tằm con cung cấp giống cho các hộ, vừa bảo đảm về chất lượng con giống lại vừa đỡ vất vả hơn xưa. Nuôi tằm từ tuổi 3, chỉ sau hơn chục ngày là được thu kén nên nhà có nhiều dâu thì nuôi nhiều, nhà ít nuôi ít. Trung bình như gia đình tôi, thường chỉ nuôi 2 vòng rưỡi, năm thu sáu bảy chục triệu đồng tiền kén là có tích lũy rồi. Còn với những hộ có diện tích dâu nhiều, nuôi giỏi như nhà bác Tiến, thu cả trăm triệu đồng từ bán kén mỗi năm là chuyện thường”.
Hiệu quả trồng dâu nuôi tằm là thế, chẳng vậy mà mỗi năm có vài héc-ta đất trồng lúa, trồng màu, chủ yếu là những chân ruộng kém năng suất, khó lấy nước... được người dân chủ động chuyển đổi hẳn sang trồng dâu nuôi tằm, cho hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều lần.
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp - Nguyễn Ngân Giang cho hay: "Đồng bãi trồng dâu tập trung nhiều nhất ở 5 thôn ven sông Hồng. Đây cũng là vùng kinh tế được địa phương quy hoạch để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích dâu hiện đang cho thu hái khoảng gần 60 ha, số hộ nuôi tằm xấp xỉ 300 hộ. Kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương đang khẳng định vị trí số 1. Chi phí đầu tư ít, sản phẩm đầu ra được bao tiêu ổn định, năm 2017 với khoảng 5.400 vòng trứng nuôi trong dân, cây dâu, con tằm đã đem về cho địa phương trên 9 tỷ đồng”.
Đi cùng những mùa dâu, ngẫm ra chưa khi nào người trồng dâu nuôi tằm phải lao đao khốn khó vì đầu ra của sản phẩm như những cây, con khác.
Cứ như người dân địa phương chiêm nghiệm thì giá thu mua kén tằm kể từ khi bắt đầu làm đến giờ chỉ có tăng, có chững, chứ chưa khi nào giảm. Từ cái thời giá kén mới chỉ có 3.500 đồng/kg mà nay giá thu mua đã lên tới 120 nghìn đồng/kg kén, mới thấy chẳng có cây, con nào trên đồng đất Trấn Yên được thịnh vượng cho bằng. Cái giá 120 nghìn đồng/kg kén với người trồng dâu nuôi tằm ở thời điểm này đã được xem là lý tưởng lắm.
Thế nhưng, theo anh Tiến - Tổ trưởng tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thôn 12, giá này còn thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua kén tằm ở Lâm Đồng. Chất lượng kén của Lâm Đồng được đánh giá tốt nên trung bình giá kén ở tỉnh này được thương lái thu mua lên tới gần 200 nghìn đồng/kg.
Ở Báo Đáp, Công ty thu mua kén tằm Mộc Châu đặt điểm thu mua tại xã nên sản phẩm kén tằm của bà con địa phương làm ra đã có thương lái đến tận nơi mua, thậm chí ứng tiền đặt trước. Điều làm bà Lợi và những hộ trồng dâu nuôi tằm phấn khởi nhất là thương lái sẵn sàng ứng trước cả vài chục triệu đồng cho gia đình khi nhà có việc, rồi thu mua kén trả dần. Chẳng sợ không trồng được dâu, không bán được kén nên nuôi tằm dễ dàng tích lũy, lúc nào trong nhà cũng có sẵn đồng tiền mặt để chi tiêu, lo việc phát sinh, đột xuất...
Kiên trì bám đất giữ nghề, cả thôn 12 giờ đã có tới gần 100 hộ trên tổng số 113 hộ trồng dâu nuôi tằm. Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của thôn thành lập từ năm 2011 với 7 hộ thành viên ban đầu, duy trì việc cung ứng tằm giống cho các hộ nuôi trong thôn, trong xã mà anh Lê Văn Tiến hiện làm Tổ trưởng, dự định tập hợp đưa tất cả các hộ trồng dâu nuôi tằm của thôn cùng tham gia vào hoạt động. Mục tiêu tạo dựng uy tín chất lượng cho sản phẩm kén tằm của thôn; hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm giữa các hộ.
Theo anh Tiến, việc liên kết tạo ra được lượng sản phẩm lớn, chất lượng, ổn định cỡ chừng vài chục tấn kèn tằm/năm như của thôn hiện nay sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, bảo đảm lợi ích, từng bước tạo thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hạn chế nhiều rủi ro so với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm…
Anh Tiến chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi tằm trong thôn.
Rời Báo Đáp khi những tràn dâu cuối vụ hãy còn xanh lá, những vòng tằm cuối cùng đang được người nuôi chăm chút, những mong cho thu lứa kén cuối vụ tròn đẹp, dày tơ, cũng là để gác lại một năm chăn nuôi bội thu, gieo ước vọng mới cho những mùa dâu xanh lá, những mùa kén đong đầy. Đi cùng những mùa no ấm, đã thấy sự giàu có hiện hữu ở Báo Đáp khi con số thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này năm 2016 đã đạt 28 triệu đồng; 98,5% số hộ gia đình trên địa bàn xã đã có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng… Mới thấy, thành quả nông thôn mới và sự chuyển mình đi lên đúng hướng của địa phương đang tạo ra nguồn động lực, chắp cánh cho những khát vọng làm giàu chính đáng của người nông dân, có niềm tự hào tiếp nối nghề xưa và cả quyết tâm dám nghĩ, dám làm…