Đồng chí Đỗ Quang Minh - Phó bí thư Thị ủy,
Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh
tế bình quân của thị xã đạt 15,35%/năm, trong đó, năm 2015, dự ước đạt 16%. Giá
trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2015 ước đạt 45 tỷ đồng, tăng 16,2% so
năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng, tăng 2,45 lần so với
năm 2010... Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem
lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần để Nghĩa Lộ tăng giá trị trên một đơn vị
diện tích canh tác”. Đây là sự cố gắng, chủ động, tích cực phát huy những thuận
lợi, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã
hội để đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Trên đường xuống thăm những cánh đồng, mô
hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã
cho biết thêm: “Để có những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, thị
xã đã ban hành 54 nghị quyết, trong đó 4 nghị quyết chuyên đề, 5 nghị quyết
lãnh đạo nhiệm vụ chính trị hàng năm, 45 nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ trọng tâm
khác, xây dựng 17 chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của
Đảng, xây dựng 8 đề án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an
ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, chú trọng các chương
trình phát triển kinh tế nông nghiệp”. Sau nhiều năm tập trung các nguồn lực
đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những công trình thiết yếu phục vụ sản
xuất và đời sống nhân dân, đến nay, hệ thống đường giao thông, thủy lợi đã cơ
bản hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp.
Với Nghĩa Lộ, trong điều kiện bình quân
diện tích đất sản xuất/người còn thấp thì phát triển sản xuất theo hướng hàng
hóa, có giá trị kinh tế cao là hướng đi đúng đắn. Diện tích lúa hàng hóa của
thị xã được duy trì, năng suất bình quân đạt 113 tạ/ha/năm, sản lượng đạt
11.300 tấn, với các giống lúa Nghi Hương 305, Hương Chiêm, Séng Cù, HT1. Bình
quân thu nhập 1 ha lúa chất lượng cao/ vụ/ năm đạt từ 83 - 85 triệu đồng, cao hơn
so với vùng sản xuất lúa còn lại từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Ngoài ra, một số mô
hình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao như: thâm canh ngô tím Fancy 111 cho
thu nhập bình quân 82 triệu đồng/ha hay cà chua Montavi (Ấn Độ), súp lơ xanh VL
- 1772 (Nhật Bản), trồng hoa trong nhà lưới...
Đồng chí Bùi Ngọc Hà - Bí thư Đảng ủy
phường Tân An cho biết: “Hiện, Tân An đã gieo cấy 100% diện tích hai vụ lúa với
trên 175 ha, năng suất bình quân đạt 12,4 tấn/ha, trong đó diện tích lúa hàng
hóa đã chiếm trên 71% tổng diện tích lúa hai vụ. Bên cạnh đó, nông dân Tân An
tích cực làm vụ đông, duy trì đàn gia súc, gia cầm ổn định, chú trọng phát
triển chăn nuôi hàng hóa, đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản… Nhờ đó, đời sống, thu nhập
của người dân không ngừng được nâng cao, mỗi năm, địa phương giảm 4,03% số hộ
nghèo”.
Không chỉ Tân An mà phường Cầu Thia hay các
xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa An, Nghĩa Phúc, nông dân đều đã phát triển sản xuất nông
nghiệp theo tư duy mới. Đó là, biết đầu tư thâm canh, biết lựa chọn cây, con
giống có giá trị kinh tế cao. Các mô hình trồng nấm rơm được triển khai thực
hiện từ vụ đông năm 2012 - 2014. Qua 3 vụ nấm cho thấy, trồng nấm phù hợp với trình
độ, khả năng tiếp cận của người dân, thời gian từ lúc trồng đến kết thúc thu
hoạch chỉ từ 1 - 1,5 tháng. Trồng nấm rơm từng bước khẳng định được hiệu quả
kinh tế bởi chi phí sản xuất thấp, doanh thu đạt trên 8 triệu đồng/ tấn nguyên
liệu và trừ chi phí mỗi tấn nguyên liệu, người dân thu lãi 5,5 triệu
đồng. Điển hình như hộ ông Lò Văn Chắp ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, với 2.000
m2 rau vụ đông trồng súp lơ xanh, xu hào; 600 bịch nấm sò/lứa, nấm
mô 1 lứa/ tấn rơm, trừ hết chi phí, hàng năm gia đình thu về trên 100 triệu
đồng. Đặc biệt, ông Chắp từ là học viên của lớp học kỹ thuật trồng nấm, nay trở
thành người hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống nấm cho nhiều hộ dân trên địa
bàn thị xã.
Cùng với thâm canh lúa, trồng rau màu vụ
đông, Nghĩa Lộ đã triển khai trên 10 mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa theo
cơ chế của tỉnh. Đồng thời, các xã, phường đã thực hiện có hiệu quả các dự án
phát triển sản xuất, chăn nuôi từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
Đến nay, tổng đàn gia súc của Nghĩa Lộ có trên 16 ngàn con, đàn gia cầm trên 84
ngàn con.
Tới thăm gia đình ông Hoàng Văn Lâm ở thôn
Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, được biết từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để làm chuồng trại,
gia đình ông Lâm giờ đã trở thành một trong những hộ điển hình trong phát triển
chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa.
Ông Lâm cho biết: “Trước đây, gia đình cũng
nuôi lợn nhưng mỗi lứa chỉ vài con, trong khi đó không đầu tư thức ăn chăn nuôi
mà chỉ tận dụng cây rau, cây chuối, thực phẩm thừa trong sinh hoạt để nuôi lợn,
vì vậy chăn nuôi không hiệu quả”. Nay được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình ông Lâm
đầu tư xây dựng chuồng trại trước, vay thêm vốn mua lợn giống, mua thức ăn chăn
nuôi với quyết tâm làm giàu từ nuôi lợn. Không phụ công người, có thời điểm,
đàn lợn của gia đình phát triển đến 60 con. Đỉnh điểm là năm 2014, từ chăn nuôi
lợn, gia đình thu về gần 300 triệu đồng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của thị xã Nghĩa Lộ.
Đồng chí Lò Văn Phan - Bí thư Đảng ủy Nghĩa
Phúc cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của thị xã, hàng năm, Đảng bộ xã chỉ đạo
nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị thu
nhập, khuyến khích tạo sản phẩm hàng hóa vì đây là chủ trương lớn, là hướng đi
đúng trong thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy người dân còn
nhiều khó khăn, chưa có điều kiện đầu tư mạnh cho thâm canh nhưng năm 2014 vừa
qua, giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác ở Nghĩa Phúc đã đạt 110 triệu
đồng/ha”.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn Nghĩa Lộ đạt
nhiều thành tựu theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản
xuất, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thị xã duy trì
vùng lúa sản xuất hàng hóa chất lượng cao với 500 ha; thương hiệu "Gạo
Mường Lò" đã được khẳng định trên thị trường; tổng sản lượng lương thực có
hạt năm 2015 ước đạt 9.400 tấn; giá trị thu nhập trên 1 ha đất hai vụ lúa năm 2015
ước đạt 126 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2010. Tỷ trọng chăn nuôi, nuôi
trồng thủy sản trong sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 30%, tăng 2,4% so
với năm 2010. Hết năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ đã có 3 xã gần đến đích nông thôn
mới đó là: Nghĩa An sẽ đạt 15/19 tiêu chí, Nghĩa Lợi sẽ đạt 13/19 tiêu chí và
Nghĩa Phúc sẽ đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng
sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là định hướng phát triển chiến
lược được thị xã Nghĩa Lộ xác định. Theo đó, Nghĩa Lộ quan tâm và định hướng
liên kết vùng giữa thị xã với các địa phương trong và ngoài tỉnh, trước hết là trong
vùng Mường Lò. Sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng toàn diện, sản xuất
hàng hóa; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông - lâm - thủy sản đạt
3%/ năm, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 150 tỷ đồng; duy trì vùng sản xuất lúa
hàng hoá chất lượng cao 500 ha; nghiên cứu vùng sản xuất lúa giống, thử nghiệm
mô hình một số cánh đồng gieo cấy cùng trà, cùng giống; phấn đấu đưa 85% diện
tích đất 2 vụ lúa vào sản xuất vụ 3; nhân rộng các mô hình trồng trọt có giá
trị kinh tế cao; phấn đấu vùng sản xuất rau sạch đạt 10 ha vào năm 2020; nâng
giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt 150 triệu đồng/năm.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung,
quy mô vừa và nhỏ bán công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng đàn gia súc chính bình
quân đạt 4%/ năm, sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt trên 700 tấn/
năm. Phát triển mạnh sản xuất thủy sản, khai thác hiệu quả ao hồ và chuyển đổi diện
tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, duy trì mô hình thả cá xen
lúa 155 ha/năm... nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo nguồn lực
mới để phát triển bền vững.
Theo Thành Trung/ Báo Yên Bái