Người
Tày ở Lục Yên thường làm cốm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch. Đây
không chỉ là thời điểm nhàn rỗi để nghỉ ngơi sau một vụ mùa, mà còn là lúc thụ
hưởng thành quả sau những ngày lao động cực nhọc. Cũng giống như các lễ mừng
cơm mới của bà con dân tộc vùng cao trong huyện, Tết cốm Tăm khảu mảu của người
Tày ở xã Khánh Thiện là dịp để tạ ơn thần linh, trời đất đã phù hộ mưa thuận
gió hòa, mùa màng tươi tốt.
“Để làm
được cốm ngon thì quan trọng nhất là khâu chọn lúa. Cốm được làm từ giống nếp
cái hoa vàng đặc sản của địa phương (khảu kháy, lào mu), hạt mẩy, to, dài, vừa
cô đọng sữa.” Bà Hoàng Thị Giảng, thôn Nà Luồng, xã Khánh Thiện cho biết.
Thông
thường, việc gặt lúa, chọn bông do các chị em phụ nữ đảm nhận. Sau khi cắt lúa
xong, chị em bó lúa lại lúa thành cum gánh về nhà, bó thành từng bó nhỏ rồi
ngâm với nước sau đó vớt ra để ráo. Còn cánh đàn ông phụ trách làm lò, địa thế
làm lò là nơi khu đất khô ráo, có lỗ thông trên miệng lò khoảng 40- 50cm, dùng
cây tre tươi làm vỉ đặt trên miệng lò làm sàn gác sấy cốm.
Khi
các lò đã đượm hồng, chị em phụ nữ xúm quanh đặt những bó lúa nhỏ lên vỉ rồi
nhanh tay lật đi lật lại sao cho hạt nếp chín đều sau đó để nguội rồi đem đi
giã.
Đầu
tiên, lúa được giã đều để tách hạt ra khỏi bông, rồi đổ ra nong sảy loại bỏ hết
rơm, xong lại đổ vào máng giã tiếp, sau mỗi lượt giã, cốm được mang ra sàng,
sảy để loại bỏ hết phần trấu và cám.
Sau khi
giã cốm xong, người Tày Khánh Thiện mang một bát cốm lên thắp hương để báo với
tổ tiên trước. Nếu nhà nào có người làm pụt, then phải chọn ngày làm cốm để
cúng lễ (pang khảu mảu) để báo lên Ngọc Hoàng năm nay dân được mùa cầu nguyện
Ngọc Hoàng sang năm tới được mùa thêm.
Từ
những hạt cốm đều xanh, hấp dẫn, qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ
làm nên các món đặc trưng rất thơm ngon như bánh cốm, cơm lam cốm….
Bánh
cốm (mooc khảu mảu) được làm bằng cách rưới nước luộc vịt đã tẩm gia vị vào nồi
cốm hạt, sau đó múc cốm ẩm ra lá dong, nhân được cho vào giữa cốm, dùng lá dong
gói lại như bánh chưng, hoặc làm thành những chiếc bánh coóc mò xinh xắn. Bánh
được hấp trong chõ tới khi chín đều. Ngoài ra cốm được cho vào trong ống nứa
rồi đem nướng làm cơm lam cốm, khi ống cây đã cháy xém thì bóc bỏ bớt phần
ngoài, chỉ để lại một lớp vỏ mỏng bên ngoài.
Nét đặc
sắc của Hội Tăm khảu mảu thể hiện ở giai đoạn giã cốm. Chày giã cốm được làm
vừa tay cầm có độ dài từ 1,5 - 1,8m, còn loỏng có chiều dài từ 2,5 - 3m, miệng
loỏng rộng khoảng 30cm. Khi tiếng chày giã cốm vang lên tạo nên những nhịp điệu
rộn ràng, vui tươi cuốn hút mọi người, như ở giai điệu này mỗi bên có 2 người
xếp thành hai hàng bên cạnh đướng cùng giã tạo nên giai điệu như màn đồng ca,
thể hiện sự đoàn kết gắn bó cùng chia sẻ khó khăn, ngọt bùi của các thành viên
trong cộng đồng.
Hội Tăm
khảu mảu (giã cốm) của người Tày Khánh Thiện không chỉ mang ý nghĩa thông báo
về một mùa vụ bội thu, mà còn là để mời tổ tiên, các vị thần linh về thưởng
thức cốm. Đồng thời còn để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa
của địa phương, là dịp để thế hệ trẻ học tập kinh nghiệm làm cốm và giữ gìn bản
sắc làm cốm truyền thống của địa phương./.