Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Mù
Cang Chải xảy ra nhiều vụ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người
và tài sản. Cụ thể như: năm 2011 xảy ra lũ ống, lũ quét tại xã Nậm Khắt làm 3
người thiệt mạng, hàng chục ngôi nhà bị trôi, sập đổ hoàn toàn, hàng chục
héc-ta hoa màu bị thiệt hại, phải hỗ trợ cứu đói; năm 2013; xảy ra sạt lở đất
tại xã La Pán Tẩn làm 20 người chết. Gần đây nhất vào tháng 8 vừa qua, tại xã
Nậm Có xảy ra sạt lở đất làm 1 người chết, hàng chục héc-ta hoa màu bị thiệt
hại.
Ngoài ra, hàng năm, do ảnh hưởng của những
cơn mưa bão, lốc xoáy đã làm tốc mái nhiều nhà dân và hàng trăm hộ dân nằm
trong vùng có nguy cơ sạt lở cao phải di dời; nhiều công trình thủy lợi bị hư
hỏng nặng, hàng trăm héc-ta hoa màu bị ảnh hưởng... Những thiệt hại trên đều do
sự biến đổi về khí hậu ngày càng rõ trên địa bàn huyện.
Xác định định được mức độ ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong
những năm qua, huyện có nhiều biện pháp để ứng phó. Huyện đã đẩy mạnh công tác
tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người
dân về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như: không phá rừng làm nương rẫy;
tăng cường khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang để canh tác bền vững trên đất
dốc và chống xói mòn, thoái hóa đất; cảnh báo, thông báo các khu vực có nguy cơ
sạt lở cao để nhân dân phòng tránh; đặc biệt là tuyên truyền, di dời các hộ dân
ra khỏi vùng nguy hiểm; tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng
cháy, chữa cháy rừng.
Cùng với đó, huyện phát động các phong trào
hưởng ứng các hoạt động: Ngày Nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến
dịch làm cho thế giới sạch hơn... với các chủ đề cụ thể nhằm góp phần giảm phát
thải khí nhà kính, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Trong sản xuất nông - lâm nghiệp cũng được
huyện chú trọng và điều chỉnh về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây, con giống cho phù
hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tích cực đầu tư thâm canh sản xuất vụ đông
xuân và quy hoạch thành các vùng tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào
sản xuất.
Huyện tập trung phát triển các vùng trồng
cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả có giá trị cao như cây sơn tra, cây dược
liệu, cây vối thuốc... cũng như phát động phong trào “3 xanh” nhằm tạo môi
trường không khí trong lành. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong công tác
ứng phó với biến đổi khí hậu nên công tác bảo vệ và chăm sóc rừng được huyện
quan tâm chú trọng.
Huyện chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc, phát triển
bền vững diện tích rừng hiện có theo quy hoạch 3 loại rừng. Hàng năm, Mù Cang
Chải chỉ đạo trồng mới từ 700 - 800 ha rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ
rừng luôn đạt trên 60,5%; tăng cường các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng, kiểm
soát chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng, lâm sản; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng
phòng hộ, rừng đặc dụng.
Để công tác ứng phó với biến đổi khí hậu
trên địa bàn huyện thời gian tới đạt kết quả cao, huyện Mù Cang Chải đưa ra các
giải pháp; tiếp tục nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu cho mọi
tầng lớp nhân dân; chủ động lập các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm
nhẹ thiên tai; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, giảm nhẹ thiên tai, thích
ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của
các cấp, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và xây dựng kế hoạch
chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng; tăng cường, đa dạng hóa
các hình thức phổ biến, tuyên truyền và tổ chức có hiệu quả các buổi tập huấn,
hội thảo về ứng phó với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư xây dựng các dự án,
mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu có tính khả
thi; có chính sách thu hút, hợp tác các dự án, nguồn tài trợ trên địa bàn về
đầu tư, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý và bảo vệ có hiệu quả
rừng phòng hộ, khu bảo tồn loài và sinh cảnh ở 5 xã: Chế Tạo, Lao Chải, Nậm
Khắt, Dế Xu Phình, Púng Luông...
(Theo Báo Yên Bái)