Nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng
hóa chất lượng cao, xã Yên Phú được biết đến là một trong những địa phương sản
xuất lúa hàng hóa khá tốt. Hàng năm, Yên Phú đều duy trì và ổn định diện tích
trên 151 ha lúa 2 vụ và 145 ha ngô đông.
Ông Ngô Quyết Chiến - Phó chủ tịch UBND xã
Yên Phú cho biết: “Để hình thành vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, hàng năm
xã chỉ đạo nhân dân đưa vào gieo cấy trên 70% giống lúa chiêm hương trên đất 2
vụ lúa, chỉ đạo nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình gieo cấy, chăm sóc để
nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo chiêm hương của địa phương. Bình quân, mỗi
năm, thu nhập từ cây lúa, ngô và rau màu của người dân trong xã đạt trên 10 tỷ
đồng, nhờ sản xuất nông nghiệp mà nhiều hộ đã khá lên trông thấy”.
Cũng như Yên Phú, Viễn Sơn cũng là một
trong 8 xã được quy hoạch trong vùng nguyên liệu quế của huyện. Với diện tích
1.500 ha, hàng năm cây quế cũng đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân
trong xã.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã cho
biết: “Cây quế đã được người dân trong xã trồng từ hàng trăm năm trước, khi đó
chỉ dùng để làm dược liệu chứ chưa thành nguyên liệu để sản xuất hàng hoá. Song
khi được quy hoạch trong vùng nguyên liệu, xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung đầu
tư chăm sóc cây quế, hàng năm trồng dặm khoảng 60 ha trở lên để duy trì ổn định
diện tích quế hiện có; cùng với đó là việc duy trì và giữ vững 4 ha quế để bảo
tồn và nhân giống”.
Với mục tiêu phát triển sản xuất nông
nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện Văn Yên đã từng bước hình thành các
vùng sản xuất hàng hóa như vùng chuyên canh lúa với diện tích 1.000 ha cho giá
trị 100 triệu đồng/ha tập trung ở vùng Đại - Phú - An. Vùng thâm canh ngô với
tổng diện tích gần 6.000ha/ năm, trong đó duy trì 1.000 ha ngô đông trên đất 2 vụ
lúa, ngô soi bãi 700 ha, ngô đồi 1.500 ha, giá trị kinh tế đạt 177 tỷ đồng mỗi
năm.
Cùng với đó, Văn Yên còn chú trọng phát
triển vùng trồng quế tập trung và cung cấp sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu
nông sản của huyện bằng việc duy trì, phát triển vùng trồng quế tập trung với
diện tích trên 23.000 ha tại 8 xã trọng điểm, hàng năm tạo ra sản lượng trên
5.000 tấn quế vỏ khô, trên 300 tấn tinh dầu quế, trên 40.000 m3 gỗ quế phục vụ
nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giá trị kinh tế đạt trên 200 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với sự chuyển dịch đúng hướng của
ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện Văn Yên xác định sẽ tập trung vào
việc hình thành và phát triển 4 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm là vùng
sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng đặc sản quế, vùng sắn và vùng phát
triển chăn nuôi. Trong đó, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở các xã vùng
thấp sẽ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất gắn liền với bảo quản, chế
biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường mối liên kết 4 nhà.
Vùng đặc sản quế, phát triển cây quế theo
hướng thâm canh, hướng tới sản xuất sản phẩm quế hữu cơ, quế sạch đạt tiêu
chuẩn xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi cao, gắn phát triển quế vùng quế với
du lịch sinh thái. Thực hiện có hiệu quả Đề án canh tác sắn bền vững trên đất
dốc với diện tích ổn định khoảng 1.000 ha. Phát triển sản xuất chăn nuôi bằng cách
phát huy thế mạnh về đất đai ở các xã vùng thượng huyện trồng cỏ phục vụ phát
triển chăn nuôi trâu bò theo hướng bán công nghiệp; lựa chọn, cải tạo giống
trâu bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phát triển chăn nuôi lợn thương
phẩm theo quy mô trang trại…
Với những định hướng đúng đắn trong việc
chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, ngành nông
nghiệp Văn Yên đang thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao
thu nhập, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong huyện.
(Theo Báo Yên Bái)