Theo Báo cáo “Khoanh định diện tích chứa khoáng sản độc hại và đánh giá khả năng ảnh hưởng môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững tỉnh Yên Bái” của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm lập, đã xác định trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 02 điểm đồng - vàng chứa nguyên tố độc hại arsen (xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên và xã An Lương, huyện Văn Chấn), 03 điểm biểu hiện quặng vàng gốc chứa nguyên tố độc hại arsen (xã Khánh Thiện, xã Minh Chuẩn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), 01 mỏ đất hiếm chứa các nguyên tốc độc hại phóng xạ (xã Yên Phú, huyện Văn Yên). Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ điều tra, khoanh định diện tích chứa khoáng sản độc hại đối với mỏ đất hiếm thuộc xã Yên Phú, huyện Văn Yên; các khu vực chứa khoáng sản độc hại còn lại chưa được điều tra, đánh giá tác động và khoanh định diện tích cụ thể.
Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 28 tháng 4 năm 2014, Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 31 tháng 12 năm 2014 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương đang tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng cơ bản và chưa tiến hành khai thác tại khu vực mỏ này.
Hiện trạng khu vực mỏ đất hiếm vẫn là đất trồng rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất hàng năm khác, đất ở nông thôn, trong đó có một số hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, do khu vực này thuộc Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm Yên Phú của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, vì vậy doanh nghiệp sẽ phải thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục về đất đai để được thuê đất, trước khi xây dựng cơ bản, triển khai hoạt động khai thác.
Kết quả quan trắc
môi trường phóng xạ của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2000 đến nay cho
thấy chưa phát hiện các thông số phóng xạ ô nhiễm ở khu vực lân cận ngoài diện
tích có nguy cơ ô nhiễm.
Trên cơ sở kết quả các tài liệu thu thập, tổng hợp và các kết quả
khoanh định, Báo cáo đưa ra một số dự báo khả năng ảnh hưởng của khoáng sản độc
hại đến môi trường đất, nước, thực vật, không khí. Nhằm phòng ngừa tác động tiêu cực của khoáng sản độc hại tới môi trường khu vực và người dân địa phương ngày 23/11/2015 UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch số 150/KH-UBND. Cụ thể, tại các diện tích có nguy cơ bị ô nhiễm phóng xạ cần hạn chế lấy đất làm nhà vách đất, tường đất, nên làm kiểu nhà có độ thông thoáng như nhà sàn, nhà xây có cửa sổ để giảm sự tích lũy nồng độ khí độc, phóng xạ.
Hạn chế sử dụng nguồn nước chảy ra từ các diện tích khoanh định có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cho mục đích sinh hoạt.
Tại các khu vực đã khoanh định có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cần lấy mẫu để phân tích xác định các chất phóng xạ trên các cây lương thực để từ đó đề xuất các giải pháp chi tiết bảo vệ sức khỏe cộng đồng (nội dung này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thực hiện từ năm 2000 và chưa phát hiện các thông số phóng xạ ô nhiễm ở khu vực lân cận ngoài diện tích có nguy cơ ô nhiễm).
Thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Cần tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc về mức độ ảnh hưởng của khoáng sản độc hại đối với con người, vì các diện tích có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ sẽ bị lây lan trên diện rộng nếu bị thiên nhiên và con người tàn phá như bão lũ, sạt lở đất đá, cày xới đất, khai thác, chế biến và vận chuyển vật liệu từ diện tích này sang các diện tích khác.
Tuyên truyền sâu rộng trong dân cư nên thay đổi thói quen trong sinh hoạt như: Không nằm sát mặt đất, không uống nước lã, không nên sử dụng nước trực tiếp từ các diện tích có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, phải sử dụng bể nước thoáng khí, hạn chế đào bới và vận chuyển đất trong khu vực có nguy cơ ô nhiễm ra khu vực khác, không nên dùng đất trong diện tích có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ để làm nhà.
Cơ quan y tế địa phương cần tiến hành khám sức khỏe cho cộng đồng dân cư trong vùng định kỳ 2 năm/1 lần, để theo dõi và phát hiện sớm các bệnh thông thường và bệnh có liên quan như máu, biến đổi gen, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản nhằm phản ảnh kịp thời mức độ ảnh hưởng của các chất phóng xạ đến sức khỏe của dân cư trong các diện tích đã khoanh định.
Xem toàn bộ Kế hoạch số 150/KH-UBND tại đây.