Những ngày qua, dù trời ít mưa, nắng ấm nhưng trên các thửa ruộng từ Mường Lai, Liễu Đô đến Minh Xuân, Lâm Thượng... huyện Lục Yên, hàng nghìn nông dân vẫn tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, tình hình phát triển của ngô và các loại rau màu. Cùng đó, huyện chỉ đạo các cơ quan ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng khi có sâu bệnh phát sinh.
Nông dân thôn Bản Muổi, xã Lâm Thượng kiểm tra sâu bệnh trên cây ngô đông.
Trên cánh đồng thôn Bản Muổi, xã Lâm Thượng, bà Triệu Thị Hằng đang cặm cụi nhặt cỏ cho 4 sào ngô đông của gia đình. Bà Hằng cho biết: "Trước đây, bà con không mấy khi gieo trồng vụ đông và gặt lúa mùa xong cứ để đất trống nhưng giờ thì khác rồi. Thấy hiệu quả của việc trồng cây vụ đông, nên mọi người luôn chủ động chuẩn bị đất, giống để sản xuất mà không cần đợi đến cán bộ xã, thôn đến vận động nữa. Năm nay, nhà tôi còn trồng thêm hơn 100 m2 dưa chuột và nếu hiệu quả từ sau sẽ nhân rộng”.
Ở thửa ruộng bên cạnh, bà Hoàng Thị Thiêm cho biết thêm: "Năm nay nhà tôi trồng 6 sào ngô đông. Do thường xuyên thăm đồng nên đã phát hiện kịp thời một số ít diện tích bị bọ xít gây hại và gia đình tôi đang chuẩn bị phun thuốc cho ngô. Ngoài ra, tôi cũng bón thêm phân NPK, đạm để ngô chuẩn bị trổ cờ”. Vụ đông năm 2017, xã Lâm Thượng trồng 96 ha cây vụ đông, trong đó có 56 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, 20 ha ngô nếp, 20 ha rau màu và dưa chuột.
Ông Hoàng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, thời tiết mưa nhiều, do vậy, đã ảnh hưởng nhiều đến gieo trồng vụ đông của nông dân, trong đó một số diện tích ngô đã trồng bị thối và chết. Tuy nhiên, bà con đã tích cực trồng dặm và chuyển sang trồng rau màu”.
Năm nay, huyện Lục Yên gieo trồng trên 1.600 ha cây vụ đông, trong đó ngô 750 ha, khoai lang 300 ha, rau đậu các loại 560 ha. Đặc biệt, huyện đã hình thành các vùng chuyên rau vụ đông tại thị trấn Yên Thế, xã Liễu Đô, với diện tích 10 ha. Để bảo đảm tiến độ, khung thời vụ, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuẩn bị và cung ứng đầy đủ các loại giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng và kịp thời phục vụ sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: sản xuất vụ đông năm nay gặp nhiều bất lợi do thời tiết, nên đến ngày 15/10 nhiều diện tích lúa mùa vẫn chưa thể thu hoạch do mưa nhiều; một số diện tích ngô đông đã gieo trồng bị ngập úng và chết nên diện tích ngô trên đất 2 vụ lúa không đạt so với kế hoạch. Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông vẫn chưa có chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, giá trị thấp, nhỏ lẻ nên người dân không hào hứng.
Tuy nhiên, để tăng giá trị sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo các đơn vị nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân trồng các cây trồng vụ đông khác còn thời vụ như: khoai tây, khoai lang, rau, đậu…; tăng cường trồng rải vụ rau nhằm tăng diện tích gieo trồng, nâng cao giá trị canh tác. Ngoài ra, huyện mời các công ty, doanh nghiệp trực tiếp tổ chức hội thảo tại các xã để giới thiệu, tuyên truyền về các sản phẩm có khả năng sản xuất tại địa phương như: khoai tây, bí đỏ, dưa chuột…
Cùng những giải pháp trên, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn hướng dẫn, vận động nhân dân chủ động làm rãnh thoát nước quanh ruộng ngô, rau đề phòng khi gặp mưa to gây ngập úng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và chính xác các đối tượng sâu, bệnh hại để có các biện pháp phòng trừ kịp thời.
1388 lượt xem
Theo Báo Yên Bái
Những ngày qua, dù trời ít mưa, nắng ấm nhưng trên các thửa ruộng từ Mường Lai, Liễu Đô đến Minh Xuân, Lâm Thượng... huyện Lục Yên, hàng nghìn nông dân vẫn tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, tình hình phát triển của ngô và các loại rau màu. Cùng đó, huyện chỉ đạo các cơ quan ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng khi có sâu bệnh phát sinh. Trên cánh đồng thôn Bản Muổi, xã Lâm Thượng, bà Triệu Thị Hằng đang cặm cụi nhặt cỏ cho 4 sào ngô đông của gia đình. Bà Hằng cho biết: "Trước đây, bà con không mấy khi gieo trồng vụ đông và gặt lúa mùa xong cứ để đất trống nhưng giờ thì khác rồi. Thấy hiệu quả của việc trồng cây vụ đông, nên mọi người luôn chủ động chuẩn bị đất, giống để sản xuất mà không cần đợi đến cán bộ xã, thôn đến vận động nữa. Năm nay, nhà tôi còn trồng thêm hơn 100 m2 dưa chuột và nếu hiệu quả từ sau sẽ nhân rộng”.
Ở thửa ruộng bên cạnh, bà Hoàng Thị Thiêm cho biết thêm: "Năm nay nhà tôi trồng 6 sào ngô đông. Do thường xuyên thăm đồng nên đã phát hiện kịp thời một số ít diện tích bị bọ xít gây hại và gia đình tôi đang chuẩn bị phun thuốc cho ngô. Ngoài ra, tôi cũng bón thêm phân NPK, đạm để ngô chuẩn bị trổ cờ”. Vụ đông năm 2017, xã Lâm Thượng trồng 96 ha cây vụ đông, trong đó có 56 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, 20 ha ngô nếp, 20 ha rau màu và dưa chuột.
Ông Hoàng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, thời tiết mưa nhiều, do vậy, đã ảnh hưởng nhiều đến gieo trồng vụ đông của nông dân, trong đó một số diện tích ngô đã trồng bị thối và chết. Tuy nhiên, bà con đã tích cực trồng dặm và chuyển sang trồng rau màu”.
Năm nay, huyện Lục Yên gieo trồng trên 1.600 ha cây vụ đông, trong đó ngô 750 ha, khoai lang 300 ha, rau đậu các loại 560 ha. Đặc biệt, huyện đã hình thành các vùng chuyên rau vụ đông tại thị trấn Yên Thế, xã Liễu Đô, với diện tích 10 ha. Để bảo đảm tiến độ, khung thời vụ, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuẩn bị và cung ứng đầy đủ các loại giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng và kịp thời phục vụ sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: sản xuất vụ đông năm nay gặp nhiều bất lợi do thời tiết, nên đến ngày 15/10 nhiều diện tích lúa mùa vẫn chưa thể thu hoạch do mưa nhiều; một số diện tích ngô đông đã gieo trồng bị ngập úng và chết nên diện tích ngô trên đất 2 vụ lúa không đạt so với kế hoạch. Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông vẫn chưa có chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, giá trị thấp, nhỏ lẻ nên người dân không hào hứng.
Tuy nhiên, để tăng giá trị sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo các đơn vị nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân trồng các cây trồng vụ đông khác còn thời vụ như: khoai tây, khoai lang, rau, đậu…; tăng cường trồng rải vụ rau nhằm tăng diện tích gieo trồng, nâng cao giá trị canh tác. Ngoài ra, huyện mời các công ty, doanh nghiệp trực tiếp tổ chức hội thảo tại các xã để giới thiệu, tuyên truyền về các sản phẩm có khả năng sản xuất tại địa phương như: khoai tây, bí đỏ, dưa chuột…
Cùng những giải pháp trên, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn hướng dẫn, vận động nhân dân chủ động làm rãnh thoát nước quanh ruộng ngô, rau đề phòng khi gặp mưa to gây ngập úng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và chính xác các đối tượng sâu, bệnh hại để có các biện pháp phòng trừ kịp thời.