Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước hơn hai phần ba thế kỷ, kể từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.
Phong trào đấu tranh tại Miền Bắc 1940
Mới ra đời, Đảng đã phát động cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, đưa hàng chục vạn công - nông đứng lên đấu tranh. Bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man tuy Đảng tổn thất, nhưng ảnh hưởng to lớn của Đảng đã lan khắp mọi miền đất nước.
Ở Yên Bái, tháng 3 năm 1930, tại thị xã Yên Bái xuất hiện nhóm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ (Học sinh đoàn) gồm 17 người thanh niên, học sinh trường tiểu học Pháp - Việt và một số lính khố xanh. Nhóm này do Đỗ Văn Đức đứng đầu, ra tập san “Học sinh báo” để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, căm thù đế quốc, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc trong thanh niên. Ngày Quốc tế lao động 1/5/1931, nhóm đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở gần cổng trường tiểu học Pháp - Việt và rải truyền đơn ở nhiều nơi trong thị xã kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp cứu nước. Những hoạt động trên đây làm cho kẻ thù hoảng sợ, tìm cách đối phó. Bọn Pháp ở Yên Bái phải xin Sở liêm phóng Bắc Kỳ tăng thêm mật thám, chỉ điểm điều tra, đàn áp phong trào. Tập san “Học sinh báo” ra được 3 số (các tháng 3, 4, 5/1930) thì bị phát hiện, phải ngừng hoạt động xuất bản. Những người tham gia trong Học sinh đoàn lần lượt bị sa vào tay giặc. Thực dân Pháp mở hai phiên tòa xét xử những người yêu nước và tất cả 17 người đều bị kết án tù giam. Đỗ Văn Đức bị đưa giam ở nhà ngục Sơn La, bị kẻ thù tra tấn đến chết (1932).
Tổ chức Học sinh đoàn tan rã, nhưng hoạt động của nó do ảnh hưởng của Đảng ta, của cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đã gây một tiếng vang lớn ở thị xã Yên Bái và các vùng xung quanh, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước, cổ vũ, động viên nhân dân nâng cao ý chí, sẵn sàng tham gia đấu tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nó còn tạo ra môi trường xã hội - chính trị thuận lợi để sau này cán bộ của Đảng xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng.
Từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, với nhiều hình thức hoạt động phong phú, linh hoạt. Bằng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp chặt chẽ hoạt động bí mật, không hợp pháp, Đảng ta đã động viên, giáo dục, tập hợp được hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, các tầng lớp trên đứng lên đấu tranh. Thắng lợi to lớn này tạo ra thế và lực mới cho cách mạng.
Thời kỳ này hàng báo công khai của Đảng như Tin Tức, Lao Động, Thời Thế, Đời Mới… được chuyển lên Yên Bái, lưu hành ở thị xã và nhiều vùng khác. Thông qua báo của Đảng, nhân dân địa phương, đặc biệt là thanh niên và giới công chức từng bước được tiếp xúc với quan điểm, đường lối của Đảng, thúc đẩy công nhân, nhân dân, tiểu thương đứng lên đấu tranh giành lấy quyền lợi. Công nhân Đề-pô ( xưởng sửa chữa xe lửa Yên Bái) lập Hội ái hữu, tổ chức đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm việc. Nông dân các xã Đào Thịnh, Phúc Long, Văn Phú (Trấn Yên) đấu tranh chống cướp ruộng, đòi giảm thuế điền. Tiểu thương thị xã Yên Bái đấu tranh đòi giảm thuế chợ, thuế môn bài. Bọn thống trị và bọn chủ đã buộc phải có một số nhượng bộ trong các năm 1937-1938.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 9 năm 1940, quân phát xít Nhật vào nước ta, từ đó nhân dân ta bị một cổ ba tròng. Trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, Trung ương Đảng ta đã tiến hành các Hội nghị tháng 11/1939, Hội nghị tháng 11/1940 và Hội nghị lần thứ 8 (5/1941). Các hội nghị đó đã kịp thời đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đề ra các biện pháp đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số và tổ chức những Đảng bộ của các dân tộc thiểu số.
Năm 1940 Ban cán sự Đảng khu D cử đồng chí Hoàng Ngọc Chương lên Yên Bái hoạt động. Đồng chí đã xây dựng đựợc một số cơ sở ở thị xã, vùng Ngòi Hóp, Mậu A (Trấn Yên), tổ chức rải truyền đơn ở ga xe lửa Yên Bái, căng khẩu hiệu và cờ Đảng cạnh Tòa sứ. Truyền đơn, khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp bắt thanh niên đi lính. Tháng 7 năm 1940, đồng chí Hoàng Ngọc Chương đi dự Đại hội Khu ủy về có mang theo tài liệu của Xứ ủy Bắc Kỳ nhưng vừa về đến Yên Bái thì bị địch phát hiện và bị bắt. Cùng thời gian đó đồng chí Trần Thị Minh Châu (tức Trinh) đang hoạt động ở Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở lên Nang Sa, Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) và Linh Thông (Minh Quân, Trấn Yên) tổ chức được nhóm Thanh niên phản đế. Nhóm này tích cực hoạt động như đọc sách, báo, tài liệu của Đảng, học hát, tổ chức rải truyền đơn ở chợ Vân Hội, kêu gọi quần chúng đoàn kết chống đế quốc và tay sai, vận động nhân dân làm đơn yêu cầu bọn cai trị cho mở trường tư dạy tiếng Pháp nhằm tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng lên dạy học làm vỏ bọc để hoạt động cách mạng. Nhóm đã gây được cảm tình của đông đảo của nhân dân địa phương, nhất là thanh niên. Đầu năm 1941, cuộc họp của nhóm bị lộ, giặc khủng bố, một thành viên của nhóm và quần chúng cảm tình bị bắt.
Ở Yên Bình, đồng chí Vũ Dương vừa mới thoát khỏi nhà tù đế quốc với vỏ bọc thầy giáo đã đến Ngòi Rũ (Ngọc Chấn) và Cảm Nhân xây dựng cơ sở, tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều gia đình chức sắc, khá giả. Một số thanh niên vừa học văn hóa, vừa hiểu biết mục đích giải phóng dân tộc, làm cách mạng của Đảng. Nhưng trung tuần tháng 10 năm 1941, khi đi họp Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ về, đồng chí Vũ Dương bị tên Chánh sứ Tuyên Quang bắt.
Phong trào cách mạng Yên Bái bị tổn thất, tạm lắng xuống nhưng một bộ phận nhân dân đã hiểu và hướng về Đảng, cách mạng. Đó là những thuận lợi hết sức cơ bản để Đảng ta xây dựng cơ sở, phát triển phong trào vào các năm sau.
(Bài viết sử dụng tài liệu trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)
6631 lượt xem
Ban Biên tập
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước hơn hai phần ba thế kỷ, kể từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Mới ra đời, Đảng đã phát động cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, đưa hàng chục vạn công - nông đứng lên đấu tranh. Bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man tuy Đảng tổn thất, nhưng ảnh hưởng to lớn của Đảng đã lan khắp mọi miền đất nước.
Ở Yên Bái, tháng 3 năm 1930, tại thị xã Yên Bái xuất hiện nhóm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ (Học sinh đoàn) gồm 17 người thanh niên, học sinh trường tiểu học Pháp - Việt và một số lính khố xanh. Nhóm này do Đỗ Văn Đức đứng đầu, ra tập san “Học sinh báo” để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, căm thù đế quốc, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc trong thanh niên. Ngày Quốc tế lao động 1/5/1931, nhóm đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở gần cổng trường tiểu học Pháp - Việt và rải truyền đơn ở nhiều nơi trong thị xã kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp cứu nước. Những hoạt động trên đây làm cho kẻ thù hoảng sợ, tìm cách đối phó. Bọn Pháp ở Yên Bái phải xin Sở liêm phóng Bắc Kỳ tăng thêm mật thám, chỉ điểm điều tra, đàn áp phong trào. Tập san “Học sinh báo” ra được 3 số (các tháng 3, 4, 5/1930) thì bị phát hiện, phải ngừng hoạt động xuất bản. Những người tham gia trong Học sinh đoàn lần lượt bị sa vào tay giặc. Thực dân Pháp mở hai phiên tòa xét xử những người yêu nước và tất cả 17 người đều bị kết án tù giam. Đỗ Văn Đức bị đưa giam ở nhà ngục Sơn La, bị kẻ thù tra tấn đến chết (1932).
Tổ chức Học sinh đoàn tan rã, nhưng hoạt động của nó do ảnh hưởng của Đảng ta, của cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đã gây một tiếng vang lớn ở thị xã Yên Bái và các vùng xung quanh, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước, cổ vũ, động viên nhân dân nâng cao ý chí, sẵn sàng tham gia đấu tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nó còn tạo ra môi trường xã hội - chính trị thuận lợi để sau này cán bộ của Đảng xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng.
Từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, với nhiều hình thức hoạt động phong phú, linh hoạt. Bằng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp chặt chẽ hoạt động bí mật, không hợp pháp, Đảng ta đã động viên, giáo dục, tập hợp được hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, các tầng lớp trên đứng lên đấu tranh. Thắng lợi to lớn này tạo ra thế và lực mới cho cách mạng.
Thời kỳ này hàng báo công khai của Đảng như Tin Tức, Lao Động, Thời Thế, Đời Mới… được chuyển lên Yên Bái, lưu hành ở thị xã và nhiều vùng khác. Thông qua báo của Đảng, nhân dân địa phương, đặc biệt là thanh niên và giới công chức từng bước được tiếp xúc với quan điểm, đường lối của Đảng, thúc đẩy công nhân, nhân dân, tiểu thương đứng lên đấu tranh giành lấy quyền lợi. Công nhân Đề-pô ( xưởng sửa chữa xe lửa Yên Bái) lập Hội ái hữu, tổ chức đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm việc. Nông dân các xã Đào Thịnh, Phúc Long, Văn Phú (Trấn Yên) đấu tranh chống cướp ruộng, đòi giảm thuế điền. Tiểu thương thị xã Yên Bái đấu tranh đòi giảm thuế chợ, thuế môn bài. Bọn thống trị và bọn chủ đã buộc phải có một số nhượng bộ trong các năm 1937-1938.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 9 năm 1940, quân phát xít Nhật vào nước ta, từ đó nhân dân ta bị một cổ ba tròng. Trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, Trung ương Đảng ta đã tiến hành các Hội nghị tháng 11/1939, Hội nghị tháng 11/1940 và Hội nghị lần thứ 8 (5/1941). Các hội nghị đó đã kịp thời đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đề ra các biện pháp đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số và tổ chức những Đảng bộ của các dân tộc thiểu số.
Năm 1940 Ban cán sự Đảng khu D cử đồng chí Hoàng Ngọc Chương lên Yên Bái hoạt động. Đồng chí đã xây dựng đựợc một số cơ sở ở thị xã, vùng Ngòi Hóp, Mậu A (Trấn Yên), tổ chức rải truyền đơn ở ga xe lửa Yên Bái, căng khẩu hiệu và cờ Đảng cạnh Tòa sứ. Truyền đơn, khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp bắt thanh niên đi lính. Tháng 7 năm 1940, đồng chí Hoàng Ngọc Chương đi dự Đại hội Khu ủy về có mang theo tài liệu của Xứ ủy Bắc Kỳ nhưng vừa về đến Yên Bái thì bị địch phát hiện và bị bắt. Cùng thời gian đó đồng chí Trần Thị Minh Châu (tức Trinh) đang hoạt động ở Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở lên Nang Sa, Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) và Linh Thông (Minh Quân, Trấn Yên) tổ chức được nhóm Thanh niên phản đế. Nhóm này tích cực hoạt động như đọc sách, báo, tài liệu của Đảng, học hát, tổ chức rải truyền đơn ở chợ Vân Hội, kêu gọi quần chúng đoàn kết chống đế quốc và tay sai, vận động nhân dân làm đơn yêu cầu bọn cai trị cho mở trường tư dạy tiếng Pháp nhằm tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng lên dạy học làm vỏ bọc để hoạt động cách mạng. Nhóm đã gây được cảm tình của đông đảo của nhân dân địa phương, nhất là thanh niên. Đầu năm 1941, cuộc họp của nhóm bị lộ, giặc khủng bố, một thành viên của nhóm và quần chúng cảm tình bị bắt.
Ở Yên Bình, đồng chí Vũ Dương vừa mới thoát khỏi nhà tù đế quốc với vỏ bọc thầy giáo đã đến Ngòi Rũ (Ngọc Chấn) và Cảm Nhân xây dựng cơ sở, tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều gia đình chức sắc, khá giả. Một số thanh niên vừa học văn hóa, vừa hiểu biết mục đích giải phóng dân tộc, làm cách mạng của Đảng. Nhưng trung tuần tháng 10 năm 1941, khi đi họp Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ về, đồng chí Vũ Dương bị tên Chánh sứ Tuyên Quang bắt.
Phong trào cách mạng Yên Bái bị tổn thất, tạm lắng xuống nhưng một bộ phận nhân dân đã hiểu và hướng về Đảng, cách mạng. Đó là những thuận lợi hết sức cơ bản để Đảng ta xây dựng cơ sở, phát triển phong trào vào các năm sau.
(Bài viết sử dụng tài liệu trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)