Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa
trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ,
giải phóng miền Nam, ngày 05/01/1966, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số
133/NQ-TW thành lập Ban Pháp chế Trung ương; phân công đồng chí Trường Chinh
làm Trưởng ban; đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Phó trưởng ban.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển,
ngành Nội chính Đảng luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của
Đảng, đất nước và không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được
giao.
Thời kỳ mới thành lập, Ban Pháp chế Trung
ương tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn pháp chế ở Việt Nam;
kiến nghị xây dựng hệ thống pháp luật; lãnh đạo tuyên truyền, phổ biến pháp
luật; tăng cường kiểm tra công tác pháp chế; tham mưu, đề xuất thành lập một số
cơ quan nội chính. Sự ra đời của Ban Pháp chế Trung ương, góp phần nâng cao nhận
thức về pháp chế xã hội chủ nghĩa, về quản lý đất nước bằng pháp luật, đó là
tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành Nội chính Đảng.
Sau khi thống nhất đất nước, tháng 9/1979,
Ban Bí thư quyết định giải thể Ban Pháp chế, thành lập Ban Nội chính, giúp
Trung ương về công tác nội chính, bao gồm công tác của các ngành: Công an, Kiểm
sát, Tòa án, Pháp chế, Thanh tra. Giai đoạn 1979 - 1985, Ban Nội chính Trung
ương tham mưu, đề xuất với Trung ương nhiều nội dung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết
số 03-NQ/TW (khóa V) của Bộ Chính trị về chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt
của địch, đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng pháp luật, chủ trì, phối hợp với
các cơ quan nội chính tháo gỡ khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử; Thường
trực Ban Chỉ đạo 79 của Trung ương về đấu tranh chống tệ ăn cắp, hối lộ, ức
hiếp quần chúng.
Trong thời kỳ đổi mới, Ban Nội chính Trung
ương đã tham mưu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật, Hiến
pháp năm 1992 và các đạo luật khác. Tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng
cường lãnh đạo đảm bảo an ninh, trật tự; phối hợp xây dựng, trình Trung ương
ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW “Về một số việc cần làm trong giải quyết khiếu nại,
tố cáo hiện nay”, Nghị quyết số 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện
hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Nghị
quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Nghị quyết
Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí”. Tham gia giải quyết nhiều điểm nóng
phức tạp về dân tộc, tôn giáo, các vụ án lớn...
Từ năm 2007 đến 2012, thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, Ban
Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung
ương được hợp nhất vào Văn phòng Trung ương Đảng.
Thực hiện Kết luận Trung ương 5 (khóa XI),
ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương, cơ
quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ
Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, các chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực
nội chính và PCTN. Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện có kết quả việc tham
mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhiều chủ
trương quan trọng về công tác nội chính và PCTN như: Chỉ thị của Bộ Chính trị
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kê khai và kiểm soát việc kê khai
tài sản; chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công
dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo Trung ương
kiểm tra, giám sát, đôn đốc PCTN tại một số địa phương, một số ngành; chỉ đạo
tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng án treo, giám định tư pháp, thu
hồi tài sản tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham
nhũng lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm…
Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, ngày
17/9/1979, Ban Bí thư ra Quyết định số 48-QĐ/TW, nêu rõ: cần lập Ban Nội chính
với tổ chức gọn nhẹ, có cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, giúp cấp ủy về công
tác nội chính. Ngày 09/11/1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn quyết nghị
thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí Hà Thiết Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy
kiêm giữ chức Trưởng ban Nội chính. Tuy có 5 cán bộ, nhưng Ban đã tham mưu giúp
Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư, ngày 12/3/1988, Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Hoàng Liên Sơn quyết định giải thể Ban Nội chính và chuyển giao nhiệm vụ sang
Văn phòng Tỉnh ủy.
Ngày 08/11/1993, Ban Bí thư ra Chỉ thị số
29-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp
luật”, trong đó yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy cần thành lập, kiện toàn ban nội
chính. Ngày 6/12/1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập
Ban Nội chính Tỉnh ủy với chức năng theo dõi, kiểm tra các ngành, các cơ quan: Công
an, Kiểm sát, Toà án, Thanh tra, Tư pháp, Hải quan, Hội Luật gia và công tác
xây dựng pháp quy của HĐND và UBND tỉnh.
Giai đoạn này, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã
nghiên cứu, phân tích, đánh giá sâu tình hình an ninh, trật tự; theo dõi, nắm
tình hình tổ chức, hoạt động các ngành nội chính, giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước
về lĩnh vực nội chính. Giữa năm 2001, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII)
“Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp
xã hội thuộc ngân sách nhà nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định giải
thể Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Thực hiện Kết luận Trung ương 5 (khóa XI),
ngày 8/4/2013, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức
bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Ngày 24/5/2013, Ban Thường vụ Tỉnh
ủy quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan
tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công
tác nội chính và PCTN và là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về cải cách tư
pháp.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, Ban Nội chính
Tỉnh ủy Yên Bái đã cố gắng thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu
sau:
Tham mưu với Tỉnh ủy chỉ đạo quán triệt,
triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của
Trung ương về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng: về Chiến lược xây
dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm
2020; về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các
vụ án và công tác bảo vệ Đảng; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc
kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham
nhũng.
Chủ động đề xuất với Ban Thường vụ, Thường
trực Tỉnh ủy cho chủ trương về hoạt động của các cơ quan trong khối nội chính;
tham mưu Kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến
năm 2014; phối hợp kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết về nội chính và PCTN;
tham mưu ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với một số cơ
quan nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh trong công tác nội chính và PCTN.
Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan liên
quan đề xuất với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng
xử lý và giúp Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết một
số vụ việc, vụ án theo quy định và một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Tham mưu với Tỉnh ủy củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; tổng
kết 8 năm thực hiện Nghị quyết và các kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư
pháp; tổng kết công tác cải cách tư pháp của tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2015; ban
hành kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ
cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và xử
lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN. Tham gia các
đoàn công tác rà soát các vụ việc khiếu nại, tổ chức phức tạp, kéo dài. Tham
gia tích cực vào chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XVIII và một số nhiệm vụ khác do Thường trực Tỉnh ủy giao.
Ban Nội chính Tỉnh ủy tọa đàm 50 năm
Ngày truyền thống ngành nội chính Đảng.
Để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với
Tỉnh ủy trong công tác nội chính và PCTN, trong thời gian tới, Ban Nội chính
Tỉnh ủy sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tích cực, chủ động và nâng cao
chất lượng nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Tỉnh uỷ về công tác nội chính.
Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22-6-2015 của
Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh,
trật tự trong tình hình mới. Nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý kịp thời, chính
xác các vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự, không
để bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cải
cách tư pháp tỉnh.
Hai là, tham mưu với Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ
đạo việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng,
văn bản pháp luật của Nhà nước về nội chính và PCTN. Trong năm 2016, tham mưu với
Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; theo dõi, đôn đốc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong
tình hình mới”, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp,
Thông báo số 155-TB/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW
của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tham mưu với Tỉnh ủy
chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các đạo luật có
liên quan về lĩnh vực nội chính và PCTN.
Ba là, tham mưu với Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ
đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham
nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo dõi, nắm tình hình, đề xuất
chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn
đốc công tác PCTN tại các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tham
mưu rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán để phát hiện,
chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Bốn là, tăng cường tham mưu với Tỉnh ủy
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo theo yêu cầu của Bộ Chính trị và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố
cáo.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ
chức, bộ máy, tăng cường công tác cán bộ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa
phương trong công tác, đổi mới phương thức hoạt động, chế độ làm việc, tăng cường
cơ sở vật chất, đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành tốt mọi
nhiệm vụ được giao.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và
Ban Nội chính Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, phát huy
truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới Ban
Nội chính Tỉnh ủy sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao,
xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
(Theo Báo Yên Bái)