Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích đình làng Yên, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

07/08/2019 10:51:49 Xem cỡ chữ Google
Ngày 30/11/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND công nhận đình làng Yên, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Những sinh hoạt văn hóa của đình làng xưa ở Đình làng Yên dần được phục hồi - nguồn ảnh Báo Yên Bái

1. Tên gọi Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa đình làng Yên, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Tên gọi khác

 Đình Vân An.

3. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 30/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình làng Yên, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

5. Địa điểm và đường đến Di tích

Đình làng Yên hay còn gọi là đình Vân An thuộc thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đình làng Yên cách trung tâm thành phố Yên Bái 3,5km. Đi bằng đường bộ từ trung tâm km5 theo đường Trần Phú khoảng 1,2km, rẽ  phải vào đường Thanh Hùng, đi 2km nữa đến UBND xã Tân Thịnh, rẽ phải 300m là tới Di tích. Ngoài ra, đi từ ngã tư km4 thành phố Yên Bái theo đường Lê Lợi đi 500m, rẽ trái xuống đường đi Văn Tiến 2,5km, tiếp tục rẽ trái đi 1km, rẽ trái đi 2km rồi rẽ phải 1km đến UBND xã Tân Thịnh, đi 300m về phía bên phải là đến Di tích. Hoặc có thể đi trên Quốc lộ 32C qua cầu Văn Phú, đi lên 2km, rẽ phải đi theo đường trên 2,5km, rẽ trái 1km rồi rẽ trái tiếp 2km, rẽ phải 1km đến UBND xã, đi tiếp 300m nữa là tới Di tích.

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Đình làng Yên có tổng diện tích là 32m2 có 3 gian, được xây dựng bằng gỗ, tre, không có hoa văn trang trí, lợp cọ, quy mô nhỏ, kết cấu theo kiểu chữ nhất, quay hướng Nam, phía Bắc giáp ao Cây Thọ, phía Nam giáp gò Cây Thống, phía Tây giáp tràn Bãi Đồng, phía Đông giáp tràn Đồng Đình.

Từ ngoài vào gian thứ nhất và gian thứ hai mỗi gian 10m2, cung thờ được thiết lập ở gian trong cùng hướng mặt ra cửa chính. Ban thờ phân cấp tam tòa, tòa trên cùng thờ 5 vị đại vương làm Thành hoàng: Cao Lễ, Cao Kha, Cao Tự, Cao Đạt và Đỗ Đốc Mãnh tòa giữa là nơi thờ Công Đồng; dưới cùng là nơi thờ cụ tổ 7 họ khai thiên lập địa vùng đất này. Bên phải của gian trong cùng là nơi thờ Mẫu Âu Cơ và Ngọc Dung công chúa.

Trong đình hiện nay không còn ngai của các vị đại vương cũng như nhiều đồ thờ cúng khác, chỉ còn giữ lại được một hòm đựng sắc phong và một cây đao cũ của Đình.

Thần phả chỉ cho biết năm vị Đại Vương - Thành Hoàng cùng được một nơi thờ phụng, nơi đó phía trước có núi án ngữ, phía sau có con rồng chầu về, cửa chính là nơi giao nhau của 3 dòng nước từ 3 phía chảy về.

Đình làng Yên bị đổ và được dân làng đóng góp dựng lại nhiều lần nên kiến trúc ngôi Đình cũng như cách bài trí có nhiều thay đổi nhưng tổng thể Di tích từ xưa vẫn theo kiểu chữ nhất.

Ngôi đình trước năm 1981: Theo như các cụ trong làng thì tại đây là một ngôi đình 3 gian, cột mít, rộng rãi, vững chắc, lợp cọ. Trước năm 1972, trong đình chỉ có ba vị Thành hoàng, hai vị Thánh Mẫu và cụ tổ của 7 dòng họ từ khi dựng đình. Vào thời điểm này ban thờ chính giữa được phân cấp tam tòa: trên cùng là nơi ngự của hai vị đại vương Cao Lễ và Cao Kha; cấp thứ hai là nơi thờ công đồng; cấp thứ ba là nơi thờ cụ tổ 7 họ. Bên phải gian trong cùng (từ ngoài vào) là nơi ngự của Đô Đốc Mãnh Thành hoàng, cũng về phía bên phải, giáp với gian trong cùng của đình làng là một miếu nhỏ riêng - nơi thờ Mẫu Âu Cơ và Ngọc Dung công chúa.

Từ sau năm 1972, khi miếu Đỏm (nơi thờ Cao Tự Đại Vương) và miếu Hồng (nơi thờ Cao Đạt Đại Vương) bị đổ, thì 2 vị Thành Hoàng ở đây được dân làng rước về thờ tại đình. Lúc này, cách bài trí trong đình có sự thay đổi. Trên ban thờ tam tòa: tòa trên cùng là ba vị Thành Hoàng: Cao Lễ, Cao Kha và Đỗ Đốc Mãnh; tòa thứ hai là Công Đồng; tòa thứ ba là nơi thờ cụ tổ 7 họ. Vị Thành Hoàng ở miếu Hồng (Cao Đạt Đại Vương) được rước về ngự phía bên trái (từ ngoài vào), còn vị ở miếu Đỏm (Cao Tự Đại Vương) được rước về thờ phía bên phải. Mẫu Âu Cơ và Ngọc Dung công chúa vẫn được thờ tại miếu ngay sát đình.

Do không được trông nom, tu bổ đình bị hư hại nhanh chóng. Đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX ngôi đình này sụp đổ.

Ngôi đình hiện tại: Năm 1991, dân làng tự đóng góp dựng lại đình với diện tích nhỏ hơn, vật liệu bằng gỗ, tre, nứa lá để làm nơi thờ các vị. Vị trí thờ tự lại có sự dịch chuyển. Ban thờ chính giữa có hai cấp, trên cùng là nơi ngự của 5 vị đại vương Thành Hoàng: Cao Lễ, Cao Kha, Cao Tự, Đỗ Đốc Mãnh, Cao Đạt; thứ hai vẫn là nơi thờ Công Đồng; phía dưới của 5 vị đại vương là nơi thờ cụ tổ 7 họ. Mẫu Âu Cơ và Ngọc Dung công chúa không còn miếu thờ riêng mà đưa vào gian trong cùng phía bên phải (từ ngoài vào).

Theo trí nhớ của các cụ kể thì trước kia trong đình còn nhiều hiện vật: 4 cỗ ngai, 4 mâm ấu, 4 tráp, 5 bát hương đá, kiệu, chiêng, trống, bộ binh khí (đao, gươm, kiếm…) hoành phi, câu đối, cờ lọng, bát đĩa… được bài trí cẩn thận, trang nghiêm nhưng đến nay tất cả những đồ này đều không còn, do chiến tranh, đình đổ, quá trình chống mê tín dị đoan. Những đồ thờ hiện nay của đình tuy không nhiều nhưng đều là mới, ít có giá trị về mặt lịch sử .

Ngoài những hoạt động thờ cúng Đình còn gắn với một số hoạt động cách mạng ở địa phương như:

- Trong những năm từ 1937 - 1942 đình là nơi ở cho một số cán bộ của Bộ Quốc Phòng chuyên sản xuất bom mìn chống Pháp.

- Năm 1947 Ngân khố tỉnh (Kho bạc) về sơ tán ở tại đây.

- Năm 1965 Mỹ ném bom Yên Bái, huyện ủy Trấn Yên và một số ít giáo viên, học sinh trường cấp III B (trường Nguyễn Huệ hiện nay) về đây ở.

- Năm 1979, chiến tranh biên giới, bộ đội Sư đoàn 377 Phòng không không quân về ở tại đình chiến đấu.

7. Các nhân vật được thờ tự

Đình làng Yên thờ 5 vị Thành Hoàng; hai vị Thánh Mẫu (Mẫu Âu Cơ; Ngọc Dung công chúa); Cụ tổ 7 họ.

8. Các hiện vật trong Di tích

Đình làng Yên hiện nay còn lưu giữ lại được nguồn văn tự khá đầy đủ. Có thể nói, đây gần như là những hiện vật có giá trị nhất trong đình. Ngoài thần phả (ngọc phả) và phần phó ý ghi lai lịch, công trạng của 5 vị Thành Hoàng và Ngọc Dung công chúa cùng với các lễ tiết, các kỳ cầu của đình. Tại đình còn có 5 sắc phong của 5 vị Thành Hoàng đều đề năm Bảo Đại thứ 12 (1937).

9. Phong tục lễ hội

Lễ hội đình làng Yên khá phong phú và còn lưu giữ được nhiều nét khá đặc sắc. Trong năm có 8 lễ hội gắn với nhiều nét sinh hoạt sinh hoạt văn hóa:

Ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng (âm lịch):

Ngày 6/1: Có xôi, gà lên cúng ở hai miếu là miếu Đỏm (thờ Cao Tự Đại Vương) ở phía Đông và miếu Hồng (thờ Cao Đạt Đại Vương) ở phía Bắc của đình. Mời hai vị hôm sau về đình dự lễ khai xuân.

Ngày 7/1 (lễ hội mở cửa đình). Trong lễ này dân làng tổ chức rước kiệu từ đình làng Yên ra đình Quẽ, đình Đụn và đình Oang (cách đình Đụn 100 m về phía Đông) để rước ba vị Thành Hoàng họ Hoàng ở ba nơi này về đình làng Yên dự hội. Cùng với đó có kiệu ra đền Rối rước các vị ở đền về đình làm lễ tế tại đình. Sau khi làm xong, rước các vị về các đình và đền như cũ. Trong ngày khai xuân này lễ cúng phải có 5 vị ngọt: trà lam, bánh bỏng, bánh tẻ ngọt (bánh củ), bánh mật, rượu. Trong ngày này dân làng còn tổ chức cho nam thanh nữ tú thi làm bánh các loại.

Ngày 10/2 (âm lịch). Theo thần phả thì đây là ngày giỗ của Cao Tự Đại Vương. Dân làng mổ lợn mở tiệc lớn hầu Đức Đại Vương.

Ngày 10/3 (âm lịch), (cầu giải mã) là ngày giỗ của Đỗ Đốc Mãnh. Ngày này dân làng làm thuyền rồng lớn, rước ra cửa sông Hồng mới hóa. Múa, hát hầu Đốc Mãnh Đại Vương.

Ngày 1/5 (âm lịch), (cầu xuống đồng). Dân làng cúng thần nông, cầu một mùa mới bội thu. Trong lễ này ông Từ  phải nhổ 3 cây lúa, 3 cây bon, 3 cây rau đem cấy xuống ruộng đình (trước cửa đình), rồi cấy một hàng. Sau đó về đình cầu xin các vị thần phù hộ cho mùa màng bội thu. Từ hôm đó trở đi dân làng mới bắt đầu cấy ruộng nhà mình. Đây là một nét văn hóa độc đáo của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Nam Á.

Ngày 17/7 (âm lịch), (cầu chay). Đây là ngày mất của 2 vị Cao Kha và Cao Đạt (theo thần phả). Trước kia dân làng tổ chức vào ba ngày 15,16,17/7 (15/7 là ngày mất của Cao Lễ, 16/7 là ngày sinh của Cao Kha), dân làng làm 5 thức cúng  như ngày khai xuân mở cửa đình. Tổ chức hát, múa phục vụ các vị đại vương, trong làng từng hội theo độ tuổi tự tổ chức các trò chơi với nhau.

Ngày 10/8 (âm lịch) theo thần phả thì đây là ngày sinh của Cao Đạt Đại Vương. Đây là ngày đại tiệc thứ hai trong năm. Năm thôn trong vùng là Nụ Điền (Hợp Minh ngày nay); Bảo Lương; Hoa Vinh (nay là Phú Thịnh - Yên Bình); Phượng Vĩ (nay là xóm Vã - Minh Bảo) và thôn Yên cùng về làm lễ. Nhân dân mổ 2 con lợn, tế trong 1 ngày 1 đêm.

Ngày 10/9 (âm lịch), (cầu cơm mới). Trước kia dân làng tổ chức vào ba ngày 10,11,12/9 để làm lễ mừng ngày sinh của Ngọc Dung công chúa.

Ngày 25/12 (âm lịch) đình làm lễ đóng cửa rừng.

Ngoài ra, vào ngày 3/9 người dân giã cốm, làm bánh dày cúng tại đình vì đây là ngày mất của Ngọc Dung công chúa.

Các hoạt động hội của đình làng Yên chỉ có hát chèo, hát chầu văn, thổi kèn, múa sinh tiền phục vụ các vị đại vương trong những ngày tế lễ.

Như vậy, lễ hội của đình gắn liền với ngày sinh của các vị Thành Hoàng và Thánh Mẫu. Vào những ngày này dân làng thường mở tiệc vui, múa hát mừng ngày sinh và làm lễ cúng vào ngày mất để tưởng nhớ công lao bao bọc, che chở của các thần từ xưa đồng thời cầu mong để các thần phù hộ cho một năm mới an bình, no đủ. Đó cũng là tính chất của các lễ hội cổ truyền ở Việt Nam.

Đình làng Yên mang đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của một ngôi đình có bề dày lịch sử. Do đó, đình làng Yên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3580 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h