Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Mùa xuân say rượu La Pán Tẩn cùng người Mông

10/02/2016 07:58:31 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT- Mùa xuân của người Mông đến trên đôi má thiếu nữ hây hây ửng hồng hơi rượu, và trên dáng đi ngật ngưỡng của những chàng trai trẻ chơi xuân choáng hơi men. Đất trời dày đặc sương mù nhấp nhô trên thửa ruộng bậc thang, là đà bám trên những mái nhà gỗ, những cành mận rừng chớm nở đỏ thắm, như cũng say thứ rượu thóc trứ danh của người Mông ở La Pán Tẩn.

Rượu thì nhà ai cũng nhiều, nhưng khách phải quý lắm thì người Mông mới mời uống. Mà đã uống thì phải uống bằng bát, uống cho bằng hết rượu trong nhà thì thôi.

Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn - Mù Cang Chải có từ lâu đời. Người Mông nơi đây có bí quyết riêng để tạo ra hương vị đặc biệt cho rượu của họ.  Đó chính là Men rượu. Đây là loại men lá – được đặc chế rất công phu, đòi hỏi sự khéo léo. Men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dư­ợc của núi rừng như­: hạt thảo quả, rễ cây ớt rừng, củ riềng… Được chọn theo bí quyết gia truyền chỉ có những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình mới biết và mới có thể chế biến những vị thảo dược thành thứ men lá để ủ thứ rượu rất riêng của mình. Những loại này khi ủ thành men sẽ tạo thành những vị thuốc quý như­: phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, không gây đau đầu.

Người Mông nơi đây nấu rượu bằng phư­ơng thức thủ công, trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên người ta tiến hành ủ men. Những loại lá cây, hạt cây rừng để làm men phải rửa sạch, sấy hoặc phơi khô, sau đó đem giã thành bột mịn, trộn với n­ước sau đó nặn thành viên nhỏ như­ viên bi và sấy khô trên gác bếp. Thời gian ủ men lá cũng phải dựa vào thời tiết, nếu trời lạnh có khi phải hàng tháng mới đư­ợc.

Thóc để nấu rượu được đồng bào lấy từ trên những thửa ruộng bậc thang và có sự chọn lọc những hạt chín vàng, chắc, đều nhau. Thóc được đồng bào đổ vào nồi luộc chín, sau đó vớt ra rải đều trên mặt lá chuối tươi để đến khi nguội, trộn đều với men cho vào chum ủ kín. Theo kinh nghiệm của đồng bào thì việc ủ rượu là khâu rất quan trọng, thường thì ủ từ 10 đến 15 ngày, nhưng nếu ủ được càng lâu và đủ 1 tháng thì rượu lại càng ngon.

Cách chưng cất rượu thóc của người Mông nơi đây gần giống với cách chưng cất rượu gạo của người miền xuôi nhưng điểm khác biệt là ở các dụng cụ để chưng cất. Thông thường, người Mông La Pán Tẩn sẽ đặt một chiếc chảo gang có nước lên trên bếp, rồi để một cái chu chớ (giống như cái chõ đồ được đục từ gốc cây gỗ lớn) có đường kính từ 70 - 80cm và chiều cao gần 1 mét lên bên trên chiếc chảo, xung quanh viền bịt kín bằng cám để kín hơi.

Bên trong cái chu chớ tiếp tục đặt một cái chá chớ (bằng gỗ) đẽo theo hình cái máng dài thuôn nhỏ một đầu dùng để dẫn rượu ra ngoài. Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong và lửa trong bếp cũng đã được nổi lên, chủ nhà sẽ làm nốt công việc cuối cùng là đặt một cái chảo gang có chứa nước lạnh lên trên cái chu chớ (mục đích để ngưng rượu) rồi cầu khấn trước nồi rượu mong cho được mẻ rượu ngon.

Cứ 50 kg thóc thì chưng cất được khoảng 20 lít rượu. Rượu nấu ra có nồng độ từ 47 đến 50 độ. Với quy trình nấu phải trải qua một thời gian dài và công phu nên rượu thóc La Pán Tẩn có hương vị rất đặc trưng, có mùi ngai ngái hương rừng hòa quyện với hương thóc nương, thơm, dịu, dù nồng độ cao nhưng khi uống rất ngon, uống say mà vẫn sảng khoái, nhẹ nhõm mà không gây đau đầu như những thứ rượu khác. Khi uống vào buổi sáng sẽ khiến cho con người như­ có thêm sức mạnh ở hai vai nên làm lụng cả ngày không hề mệt mỏi. Uống vào buổi tối sẽ có một giấc ngủ ngon, khi tỉnh dậy sẽ thấy tỉnh táo,da đỏ hồng hào.

Rượu thì nhà ai cũng nhiều, nhưng khách phải quý lắm thì người Mông mới mời uống. Mà đã uống thì phải uống bằng bát, uống cho bằng hết rượu trong nhà thì thôi. Chủ nhà "chào cỗ" với khách bằng hai bát rượu, khách cũng pphải đáp lễ bằng hai bát. Uống xong mặt cười phơ lớ, rồi bắt tay nhau, rồi lại uống tiếp. Uống cho say đến độ không biết gì nữa, rồi cả chủ lẫn khách ôm nhau nằm ngủ dưới sàn đất trải rơm. Khách quý của người Mông thì phải như thế.

Còn gì thú vị hơn nếu một lần được đến với non cao La Pán Tẩn quanh năm mây phủ, được ngồi bên bếp lửa hồng của người Mông và nhâm nhi thứ rượu đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được phần nào nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân tộc của người Mông.


 

650 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h