Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tự hào miền đất lịch sử và danh thắng

15/02/2016 08:15:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Mỗi khi nhắc đến Nghĩa Lộ là chúng ta nhắc đến những di sản vô giá đã được ghi nhận và ăn sâu trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Người dân Nghĩa Lộ luôn tự hào và có ý thức trong việc phát huy những giá trị của miền đất lịch sử và danh thắng nơi cửa ngõ miền Tây.

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Nghĩa Lộ vốn là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử. Người Nghĩa Lộ tự hào với truyền thống đuổi giặc giữ đất, xây dựng bản mường với một tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất. Trong đó, nổi bật là cuộc khởi nghĩa chống giặc cờ vàng từ phương Bắc xâm chiếm nước ta của người Thái đen và nhân dân các dân tộc Mường Lò, do lãnh tụ người Thái đen là Cầm Hánh lãnh đạo và chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952 đã đập tan “cánh cổng thép” dẫn vào trận địa Tây Bắc, tạo thế và lực để quân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Nghĩa Lộ cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Với 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó mỗi dân tộc lại mang trong mình bản sắc riêng thể hiện trên nhiều phương diện của đời sống như: ẩm thực, trang phục, nhà ở, tín ngưỡng và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian. Đặc biệt, Nghĩa Lộ còn được coi là đất tổ của người Thái đen nên hội tụ gần như hầu hết tất cả những gì được coi là bản sắc, là tinh túy của văn hóa dân tộc Thái Việt Nam.

Từ nền tảng lịch sử và văn hóa ấy, mỗi khi nhắc đến Nghĩa Lộ là chúng ta nhắc đến những di sản vô giá đã được ghi nhận và ăn sâu trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân: Căng - Đồn Nghĩa Lộ - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - khúc tráng ca bất tử giữa miền ban trắng; Đền thờ Cầm Hánh - biểu trưng cho đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã xả thân trong công cuộc gìn giữ bản mường, đuổi giặc ngoại xâm; Khu tưởng niệm Bác Hồ - nơi thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của nhân dân với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - chi nhánh duy nhất của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở khu vực Tây Bắc; màn đại xòe đã được xác lập kỷ lục Việt Nam với sự tham gia của 2013 nghệ nhân, nhân dân Nghĩa Lộ…


http://yenbai.gov.vn/ImagerOld/vi/PublishingImages/Thanh%20Binh/Vanhoa/CongchaoTX.jpg

Thị xã Nghĩa Lộ hôm nay đang thay đổi từng ngày.

Với vị trí địa lý thuận lợi cho sự phát triển, là trung tâm vùng văn hóa Mường Lò, thuận tiện cho việc liên kết các điểm du lịch nổi tiếng phía Tây của tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh bạn: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai... Do vậy, trong định hướng phát triển Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã xác định tập trung xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch, một điểm sáng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc tổ chức Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò hàng năm với nhiều hoạt động hấp dẫn đã trở thành điểm nhấn trong tiến trình phát triển du lịch của thị xã miền Tây và đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.

Trên quê hương gạo trắng nước trong này, dòng chảy lịch sử đã sản sinh, bồi tụ, làm nên một nền văn hóa bản địa, nơi giao thoa và hòa quyện bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Mường Lò, tạo nên sự khác biệt với các vùng văn hóa trong cả nước. Đây chính là lý do để tỉnh Yên Bái và Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) lựa chọn Nghĩa Lộ là một trong những đơn vị cấp huyện đầu tiên để chỉ đạo điểm xây dựng thị xã văn hóa miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2003.

Kế thừa kết quả xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003 - 2013 và tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa du lịch giai đoạn 2013 - 2020 gắn với xây dựng nông thôn mới, thị xã Nghĩa Lộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, không chỉ tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt đô thị và nông thôn, mà còn tạo ra được một môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tăng cường cả về chiều sâu và chiều rộng. Chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng lên một bước. 7/7 xã, phường trên địa bàn đã tổ chức ra mắt xây dựng xã văn hoá nông thôn mới và phường văn minh đô thị.

Các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn. Lễ hội Xên bản, Xên mường; lễ hội Rằm tháng Giêng gắn với Hội Hạn khuống; Tết Xíp xí của đồng bào dân tộc Thái; Tuần văn hóa thể thao du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên vào dịp chiến thắng Nghĩa Lộ (18/10); các sự kiện văn hóa mang tầm khu vực như chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ; Màn đại xòe cổ lập kỷ lục Việt Nam... luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến với thị xã. Năm 2014 thị xã đã đón trên 50 nghìn lượt khách đến tham quan và thưởng thức văn hóa Mường Lò.

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Di tích Đền Cầm Hánh, thờ người con của quê hương đã dũng cảm đứng lên tập hợp những người dân yêu nước đánh giặc cờ vàng, được công nhận là di sản văn hoá cấp tỉnh. Sáu điệu xòe cổ của dân tộc Thái đang được xem xét để công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Khu du lịch làng nghề truyền thống xã Nghĩa An được đầu tư xây dựng; 44% thôn, bản đã có nhà văn hóa; 3/7 xã, phường có trung tâm văn hoá - thể thao; mô hình du lịch cộng đồng đã được các hộ gia đình tại xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi tích cực thực hiện, bước đầu đem lại thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Mường Lò đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cũng như nhiều mảnh đất khác trên tổ quốc Việt Nam, nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mảnh đất và con người Nghĩa Lộ - Mường Lò đã phải trải qua bao thăng trầm, biến cố. Bao nhiêu xương máu đã đổ để có độc lập, tự do; bao nhiêu mồ hôi đã thấm đẫm cánh đồng Mường Lò để có được hạt lúa, hạt ngô...Và trong những thăng trầm, biến cố ấy, người dân đã nắm chặt tay nhau, cùng nhau vượt qua tất cả. Khi lời ca, câu khắp cất lên hòa với âm thanh rộn ràng, tha thiết của khèn bè, trống, chiêng, tằng bẳng, mắc hính... là những điệu múa với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau thể hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa, khát vọng trong lao động, chiến đấu, sản xuất. Thật xúc động và thấm thía khi dược nghe câu nói lưu truyền trong cộng đồng người Thái: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”.

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, vất vả hôm nay, chúng ta trân trọng và vô cùng biết ơn những người đã sáng tạo, những người đã gìn giữ, phát triển Nghệ thuật xòe Thái. Đó là những lớp người đã hóa thân vào đất mẹ Mường Lò. Đó là những nghệ nhân giàu tâm huyết. Đó là những người ông, người bà, người anh, người chị. Đó còn là những cháu nhỏ có thể bước chân còn vụng, vung tay chưa đều nhưng đã sớm có tình yêu quê hương, sớm có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa thiêng liêng của quê hương.


Người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò tự hào khi xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tài sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc Thái nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Vinh dự ấy cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp lưu giữ, phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật xòe Thái trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với Đề án “Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020”. Từ niềm vinh dự, tự hào ấy được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền những người nông dân Nghĩa Lộ đã biết làm du lịch, biết làm cho quê hương mình đẹp lên trong con mắt của du khách gần xa. Mỗi người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò còn có ý thức giữ gìn và phát huy những tinh túy trong văn hóa của dân tộc mình bằng tất cả niềm tự hào, tình yêu quê hương và niềm hy vọng vào tương lai ngày càng tươi sáng… và để cho những giá trị văn hóa tinh thần vô giá mà người Nghĩa Lộ tự hào, trong đó có xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn, phát triển xứng đáng với sự tôn vinh của dân tộc, góp phần vào việc phát triển du lịch của Nghĩa Lộ, Yên Bái một cách bền vững.

721 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h