Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nét đẹp trong phong tục đón tết của người Tày Khao xã Đông Cuông

16/02/2016 10:05:57 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sống tập trung ở xã Đông Cuông, Người Tày Khao Văn Yên đến nay còn nguyên bản sắc dân tộc truyền thống như trang phục nam, nữ, các điệu dân ca dân vũ và phong tục tập quán trong các ngày lễ tết. Trong đó văn hóa ẩm thực là nét độc đáo, các món ăn truyền thống dân tộc được đúc kết bằng cả tâm hồn, suy nghĩ và sự cần cù khéo léo của người dân nơi đây.

Người Tày Khao quan niệm ngày Tết là dịp quan trọng nhất trong một năm. Nên việc ăn uống trong những ngày này thường được chế biến phong phú, cầu kỳ và sang trọng hơn ngày thường. Ngoài những món dùng trong thờ cúng, người Tày Khao còn làm nhiều món ăn khác để mời bà con làng xóm và con cháu thưởng thức trong những ngày tết thảnh thơi.

Ẩm thực ngày Tết của người Tày Khao độc đáo là ở các món bánh mang đặc trưng không thể trộn lẫn với nơi khác. Nếu như người Kinh, thường gói bánh chưng vuông, thì người Tày Khao lại gói bánh chưng gù. Công việc chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh đều do người phụ nữ trong gia đình đảm đương. Nguyên liệu để làm bánh được người dân chọn lựa kỹ càng từ gạo, thịt, đỗ, lá dong đến lạt buộc. Nguyên liệu chính là gạo nếp nương được trồng trên những triền núi cao. Nhân bánh chưng gồm có thịt lợn đã ướp gia vị và đỗ xanh. Công đoạn gói bánh chưng gù đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ để đảm bảo cho chiếc bánh vừa đẹp lại ngon. Nếu gói quá chặt tay thì bánh sẽ chín không đều, gói quá lỏng bánh sẽ bị nhão. Do đó, gói chiếc bánh chưng dài lưng gù, nhân tròn đẹp là cả một kỹ thuật độc đáo của người Tày mà không phải ai cũng làm được. Theo quan niệm của người Tày Khao, bánh chưng gù tượng trưng cho người phụ nữ Tày cần cù chịu thương, chịu khó, khi lên nương thường gùi chiếc gùi để hái lúa, lúc chị em cúi xuống sẽ tạo thành một đường cong trên lưng.

Cùng với bánh chưng gù, bánh nẳng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người Tày Khao. Để làm được món bánh này, người Tày Khao phải chuẩn bị khá công phu và cầu kỳ từ nhiều tháng trước. Khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh là chế nước nẳng. Người Tày Khao thường làm nước nẳng bằng cây vừng, vỏ quả chuối tây hoặc vỏ cây Mí phơi khô, sấy khô  trên gác bếp rồi đốt thành than lọc lấy nước trong rồi đem dùng ngâm gạo nếp một ngày một đêm, khi hạt gạo ngả màu vàng mới vớt gạo ra gói bánh. Bánh Nẳng được gói bằng hai lớp lá, lớp bên trong gói bằng lá chít, bên ngoài gói bằng lá dong và phải luộc từ 8 đến 10 tiếng thì bánh mới ngon. Chiếc bánh nẳng nhỏ được buộc lạt như bánh chưng Tày, mười chiếc bánh nhỏ được buộc lại thành một bó, biểu tượng của niềm hạnh phúc, sự sung túc và đoàn kết của cộng đồng. Bánh nẳng không chỉ dùng để dâng cúng tổ tiên, dùng thay cơm trong bữa tiệc ngày tết mà còn có tác dụng thanh nhiệt khi ăn các chất cay, nóng trong ngày tết.

Trong các nghi thức ngày Tết, cúng gia tiên chiều tối 30 và sau giao thừa là nghi thức quan trọng nhất của người Tày Khao. Vì thế,  người Tày Khao chuẩn bị làm mâm cỗ cúng tổ tiên rất công phu. Nguyên liệu để chế biến là những thực phẩm hay gia vị do các gia đình tự chăn nuôi, trồng cấy hay hái trong rừng trên chính mảnh đất này chứ không mua bán ở nơi khác. Đặc biệt trong mâm cỗ cúng tất niên và cúng năm mới của người Tày Khao  không thể thiếu được món cá suối nướng. Anh Lương Văn Thùy ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông cho biết: Con suối bắt nguồn từ núi Con Voi chảy qua bản làng cung cấp cho người dân món cá trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy ngày Tết, người Tày Khao dâng cúng tổ tiên món cá suối nướng, hàm ý tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu tổ tiên phù hộ cho một năm sung túc, bữa ăn hàng ngày đều có thịt, có cá, có rau.

Dân tộc Tày Khao ưa hương vị đậm đà của món nướng. Món thịt trâu, thịt lợn, thịt gà hay cá suối nướng được tẩm ướp gia vị khá cầu kỳ. Thịt hoặc cá được xiên bằng kẹp tre tươi đặt trên than hồng, khi chín rất thơm ngon, ăn không ngán, dùng để uống rượu rất độc đáo. Bên cạnh các món nướng, người Tày Khao khá cầu kỳ trong việc chế biến các món ăn khác. Đó là món thịt chua được chế biến từ thịt lợn thái nhỏ, ướp với thính gạo rang vàng và rượu lá để nên men; Món chả lợn được chế biến từ thịt nạc, ướp hạt sẻn cuốn bằng lá mỡ chài kẹp nướng với lá chanh, món nem chạo gói trong lá chuối rừng, chè lam, cơm lam, xôi ngũ sắc… Khó có thể tìm thấy ở nơi đâu mùi vị thơm ngon của món rau cải nương hay rau rừng xôi trong chõ gỗ, món măng rừng vùi trong bếp than hồng hay món nõn chuối rừng muối chua trắng tinh, thơm phức. Người Tày Khao quan niệm “ Mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thể thiếu một nhánh rau xôi”, vì vậy đĩa rau luộc hay rau xôi cũng là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ  mà người Tày Khao dâng cúng tổ tiên vào dịp năm mới.

Phụ nữ Tày Khao xã Đông Cuông gói bánh chưng và bánh nẳng cúng tổ tiên trong ngày tết

Bằng sự kết hợp hài hòa những loại sản vật địa phương, người Tày Khao đã khéo léo làm ra mâm cỗ ngày tết đầy ý nghĩa, không chỉ đẹp mắt, ngon miệng mà còn là thuốc chữa bệnh. Trên bàn thờ giữa nhà, những mâm cỗ đầy đủ, tươm tất để đón năm mới trong sự sung túc, an vui. Những lễ vật dâng lên bàn thờ gia tiên thể hiện tấm lòng, sự đền đáp của con cháu đối với các đấng sinh thành, với những người đã khuất. Đồng thời cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc. Đặc biệt, việc đi lấy nước mới để làm mâm lễ cúng sau thời khắc giao thừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Tày Khao. Đêm 30 tết mọi người trong gia đình người Tày Khao đều thức đón thời khắc giao thừa, ngay từ giờ phút bắt đầu của năm mới, nhà nào cũng mang ống đi lấy nước mới. Khi đi lấy nước, chủ nhà mang theo Trầu cau và 3 nén hương đến cắm bên cạnh nơi vẫn lấy nước hàng ngày, rồi xin thần nước ban cho nước mới. .Ông Lương Tất Thắng, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông cho biết: Tập quán của người Tày khao chúng tôi tục lấy nước mới đầu năm, đầu xuân mới là quan trọng nhất. Vì nước mới tượng trưng cho cả một năm làm ăn của con cháu trong gia đình. Con cháu đi lấy nước càng sớm để làm cỗ kính tổ tiên được sớm và trang trọng bao nhiêu thì con cháu làm ăn năm đó được bình an, thành đạt và ấm no sung túc bấy nhiêu.

Cùng với nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, người Tày Khao xã Đông Cuông còn lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trong các điệu dân ca dân vũ. Khi mùa Xuân mang hơi ấm về khắp núi rừng, các bản làng người Tày Khao xã Đông Cuông lại rộn vang tiếng đàn, tiếng nhạc. Các mẹ, các chị lại cùng say trong những làn điệu dân ca mượt mà và những điệu Xòe Then uyển chuyển. Những câu hát dân ca, điệu khắp, lượn, điệu Xòe Then, điệu múa xúc tép là những món ăn tinh thần bao đời nay đã gắn bó với đời sống sản xuất,  một biểu tượng của tâm hồn người Tày Khao mỗi khi Tết đến Xuân về.

Ông Phạm Thanh Mỹ, phó chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết:  Đông Cuông có trên 1.900 hộ dân, trong đó có trên  600 hộ là người Tày Khao sinh sống. Trong các dòng họ của người Tày Khao, có dòng họ Hà hiện nay đang lưu giữ sắc phong của Đền  Đông Cuông - một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong những năm qua, Cấp ủy, chính quyền và người dân Tày Khao xã Đông Cuông luôn cố gắng bảo tồn và phát huy tốt những nét đẹp truyền thống về văn hóa tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục tập quán, văn hóa vật thể, phi vật thể, để những giá trị văn hóa cổ truyền được lưu giữ và phát huy có hiệu quả tại địa phương.

Tết đến, Xuân về, đồng bào Tày Khao xã Đông Cuông sau một năm lao động vất vả lại cầu kỳ chế biến các món ăn, tưng bừng cất lên lời ca tiếng hát Mừng Đảng Mừng Xuân. Khắp các bản làng ngập tràn niềm vui, những điệu múa uyển chuyển trong sắc màu thổ cẩm rực rỡ, men rượu nồng say và bữa cơm ngày tết ấm cúng trong mỗi nếp nhà sàn, như những gam màu tươi sáng thể hiện sự khát khao vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn, ấm no hạnh phúc và bình yên./.

883 lượt xem
Theo Trang TTĐT Văn Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h