Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Đình Lương Nham, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

07/08/2019 10:51:53 Xem cỡ chữ Google
Ngày 7/12/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND công nhận đình Lương Nham, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Lương Nham ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái còn có tên gọi khác là đình Trắng

1. Tên gọi Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa đình Lương Nham, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Tên gọi khác

Đình Trắng.

3. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 7/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình Lương Nham, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

5. Địa điểm và đường đến Di tích

Đình Lương Nham (Đình Trắng) ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đình Lương Nham cách trung tâm thành phố Yên Bái 4 km. Để đến được Di tích du khách đi bằng đường bộ.

- Từ trung tâm thành phố Yên Bái (km5) đi theo đường Đinh Tiên Hoàng (hướng Yên Bái - Hà Nội) tới km 7,5 (trụ sở UBND Phường Yên Thịnh), rẽ tay phải theo đường Lương Yên 2 km nữa là tới Di tích.

- Nếu đi theo hướng từ Hà Nội lên tới ngã ba km9 đi thêm 1,5 km nữa là tới trụ sở UBND Phường Yên Thịnh (bên trái), rẽ 2km theo đường Lương Yên là tới Di tích.

- Từ Quảng trường 19/8 (km5 - Thành phố Yên Bái) đi theo đường Trần Phú (2km), đi tiếp theo đường 7C 1 km là tới Đình (Di tích nằm về phía tay trái của đường 7C).

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Theo như các cụ cao niên kể lại thì Đình Lương Nham trước kia đặt ở khu Đồng Ngật, làng Lương Nham, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Địa điểm này giáp với đất của xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình hiện nay), cách vị trí hiện nay khoảng 2 km về phía Đông Nam. Tổng diện tích quy hoạch của Đình là 25.424,6m2. Trong đó, diện tích khu vực 1 là: 617,8m2, diện tích khu vực 2 là: 24.806,8m2. Khu vực 2 của Đình Lương Nham có phía Bắc giáp tràn ruộng Đồng Cút, phía Nam giáp đường 7C, phía Đông giáp đường Lương Yên. 

Đình Lương Nham kết cấu hình chữ nhất quay theo hướng Nam, 4 xung quanh là vườn của Đình. Đình có 3 gian, được xây bằng vữa tam hợp (mật, cát và vôi), lợp ngói đỏ. Mỗi gian có diện tích là 18m2, cung thờ được thiết lập ở gian trong cùng hướng mặt ra cửa chính. Ban thờ được phân cấp tam tòa, tòa trên cùng thờ 3 vị Thánh vương là: Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Cao Sơn Bảo Hưng Thánh Vương, Cao Sơn Nông Cả Thánh Vương. Tòa giữa thờ tam vị đại vương: Thạch Linh Đại Vương, Thổ Lệnh Đại Vương, Hồng Dũng Đại Vương. Tòa dưới cùng thờ Thái tử Nguyễn Công Rước và công chúa Quế Hoa. Ngoài ra, ở phía bên phải hậu cung thờ Đức Thánh Trần và bên dưới tòa thứ 3 là bát hương sơn thần.

Theo thần sắc của Đình cho biết, Đình Lương Nham là nơi thờ 8 vị đại vương làm Thành Hoàng. Địa điểm thờ tại khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa. Theo thần tích của Đình thì các vị: Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Cao Sơn Nông Cả Đại Vương, Cao Sơn Bảo Hưng Đại Vương là bậc Thánh vương. Hai vị Thạch Linh Thần Đại Vương và Thổ Lệnh Thần Đại Vương là bậc tôn thần. Hoàng đế chuẩn cho các vị phụ lão khu Thượng Cát, trang Lương Nham, Động Bách Lẫm, châu Quy Hóa, quận Gia Hưng phụng thờ  5 vị thần trên.

Thần tích chép lại rằng: Cho đến đời thứ 17 là Hùng Nghị Vương làm vua. Thánh vương nhân một ngày nhàn rỗi, tuần du vùng núi Tam Đảo, gặp được một nàng Tiên nữ tên là Quế Hoa Xuân Dung. Thánh vương đưa nàng về kinh thành và lập nàng làm người đứng đầu cung phi trong hậu cung. Một đêm vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Hợi, tiên nữ mộng thấy thần nhân đưa cho 2 quả đào, nàng nhận lấy, từ đó nàng mang thai. Tới ngày 10/2 năm Giáp Tý nàng sinh một đứa trẻ có diện mạo phi thường, hình dung quý phái, thiên chất kỳ dị, vẻ đẹp hơn người cho nên đặt tên là Thạch Linh. Sau đó 4 năm, vào ngày 11/8 năm Đinh Mão, nàng lại sinh ra một người con diện mạo đẹp đẽ, cho nên đặt tên là Thổ Lệnh. Hai ông đến tuổi trưởng thành, tài kiếm văn võ, thông tuệ trực đoán cao minh.

Thời bấy giờ, trong nước có loạn, nhà vua bàn luận với văn võ bá quan cùng nhất trí cử hai ông đánh giặc. Triều đình phong tước cho hai ông là Lạc Tướng, Bồ Chính, lãnh 5 vạn quân đi giao chiến. Hai ông chiến thắng trở về. Hoàng đế rất vui mừng, giao quyền cho hai ông coi giữ các trang ấp thuộc châu Quy Hóa. Hai ông coi giữ châu Quy Hóa trong thời gian 7 năm, các trang ấp đều bình yên, thanh tĩnh. Đến ngày 11/11 năm Giáp Ngọ, hai ông không bệnh tật gì mà qua đời. Quân sĩ dâng sớ lên triều đình, rồi đưa di hài ông về thang mộc ấp, thuộc kinh thành Phong Châu để mai táng.

Đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Bính Thân, Vua Hùng hội triều, luận công thưởng tước, tri điện bộ Lễ nhận sắc phong thần đưa về tới trang Lương Nham, động Bách Lẫm, châu Quy Hóa phụng thờ các vị.

Thần tích kể tiếp: Vào thời 18 đời Hùng Vương truyền đến đời Hùng Duệ Vương, ở đạo Sơn Nam Thượng (vùng Hưng Yên, Hà Nam và một phần Hà Nội ngày nay), có 1 người tên là Phúc, vợ là Nguyễn Thị Thanh sinh được mọt người con trai vào giờ Dần, ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ. Người con có thân thể dung nhan khác thường, đặt tên là Hồng Dũng. Lớn lên Hồng Dũng là chàng trai văn võ toàn tài. Vào thời gian này, Thục Phán tiến đánh nước ta, Tướng công Hồng Dũng tâu với nhà vua xin đi trấn giữ tại địa đầu khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa - Sơn Tây. Quân giặc thua chạy tan tác, ta thu được nhiều lương thực và khí giới. Khi ông mất, người dân khu Đồng Ngật, trang Lương Nham tự nguyện dựng miếu thờ phụng Tướng công.

Thần tích còn ghi chép về 1 vị là Âm thần, 1 vị là Dương thần dưới triều Hậu Lý, đời Vua Lý Trung Tông như sau: Vào thời gian này nhà Tống xâm lược nước ta, Tướng công Nguyễn Công Rước xin cầm quân đi bảo vệ biên thùy ở khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa - Sơn Tây. Tới đây, đêm nằm mộng thấy một tiên cung phụng chiếu mệnh của Thiên đình, mắt phượng mày ngài, xuân sắc tự xưng là hậu duệ của Hùng Vương, tự nguyện âm phù giúp tướng công trừ giặc. Từ đấy, Tướng công giao chiến trận nào chiến thắng trận đó. Khi ông mất nhân dân khu Đồng Ngật, trang Lương Nham phụng thờ 1 vị Dương thần, 1 vị Âm thần là Thái tử Nguyễn Công Rước và Quế Hoa liệt nữ trinh thục công chúa.

Theo như lời khai về việc thờ thần ở Đình Lương Nham của lý trưởng xã Lương Nham Nguyễn Văn Đắc (khai ngày 1/6/1938) thì: Đình xưa đặt ở một gò đồi, nổi lên giữa cánh đồng, trước lợp lá cọ, sau lợp ngói tây và có được sửa sang lại.

Đình đặt ở khu Đồng Ngật, giáp xã Phú Thịnh - huyện Yên Bình được coi là Đình cả và là nơi thờ cúng chung của toàn vùng. Khi hai xã Lương Nham và Phú Thịnh mâu thuẫn, người dân Lương Nham sợ người Phú Thịnh chiếm Đình làm nơi thờ cúng của riêng xã nên người dân Lương Nham chuyển Đình về vị trí hiện nay. Lúc đó Đình cũng được xây dựng khang trang và lợp ngói mũi hài.

Thời gian chuyển là khi nào chưa rõ nhưng khi ông Nguyễn Văn Đắc làm lý trưởng ở đây thì ngôi đình đã được xây ở vị trí này và ông đã cho sơn sửa lại. Cũng theo ông Nguyễn Văn Đắc thì chỉ những người có chức sắc ở xã mới được vào trong Đình làm lễ, người dân bình thường chỉ được đứng ngoài sân Đình dâng hương, phụ nữ không bao giờ được vào hậu cung của Đình. Trước ngày vào tế lễ những người làm lễ phải ăn chay, tắm gội sạch sẽ, những người có tang không được vào dự lễ. Khi tế lễ những người hành lễ đều phải mặc áo thụng, đầu đội mũ, đi hài chỉnh tề.

Đình Lương Nham rất linh thiêng và luôn có khách thập phương đến chiêm bái. Nhưng vào những năm 1960 - 1965, với phong trào "chống mê tín dị đoan" Đình vẫn không bị phá đi nhưng bị bỏ hoang, không ai thờ cúng nữa, đồ thờ cúng trong Đình dần dần mất đi (trong đó có bát hương đồng hiện nay đang được sử dụng tại Đình, đã mất 4 lần và được trả lại Đình vào năm 2004). Vào cuối những năm 1970 của thế kỷ XX, Đình được dùng làm kho cất vũ khí, hóa chất của sư đoàn không quân 377.

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, mái đình bị đổ xuống, số vũ khí trên được chuyển đi. Tới năm 1996, chính quyền và nhân dân xã Tân Thịnh cùng tu sửa lại Đình, chủ yếu là lợp lại mái đình làm nơi tế lễ chung của cộng đồng.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng, năm 2001 chính quyền và nhân dân phường Yên Thịnh đã cho tu sửa thêm phần nền và một phần mái. Từ đó đến nay ngôi Đình vẫn được giữa nguyên dạng và là nơi tế lễ chiêm bái của không chỉ cư dân phường Yên Thịnh, xã Tân Thịnh mà với rất nhiều du khách thập phương.

7. Các nhân vật được thờ tự

Đình Lương Nham là nơi thờ 8 vị đại vương làm Thành Hoàng: Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Cao Sơn Nông Cả Đại Vương, Cao Sơn Bảo Hưng Đại Vương, Thạch Linh Thần Đại Vương, Thổ Lệnh Thần Đại Vương, Hồng Dũng Đại Vương, Thái tử Nguyễn Công Rước và Quế Hoa liệt nữ.

8. Các hiện vật trong Di tích

Đình Lương Nham hiện còn lưu lại nguồn văn tự khá đầy đủ với 3 sắc phong, bản thần tích thần sắc Đình Lương Nham, tổng bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã được PGS. TS Nguyễn Minh Tường sưu tầm tại Viện Thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 16/4/2004, ký hiệu: TT - TS - FQ4018/ XXXVI, 13 và đã được dịch nghĩa. Đây là nguồn tư liệu rất có giá  trị của Đình. Đình Lương Nham hiện còn 4 chữ Hán đại tự trên nóc Đình là: "Chiêm giả khởi kính", nghĩa là: Ngưỡng vọng đức lớn của Thần, dấy lên lòng kính trọng. Và một đôi câu đối còn lại 2 bên cửa Đình:

"An địa danh thành cơ chỉ cựu

Nham Sơn đặc lập đống lương tân"

Nghĩa là: Đất tốt thành doanh, còn dấu cũ

Núi Nham riêng lập, miếu thờ Thần.

Trong đình hiện nay không còn ngai của các vị Thành Hoàng cũng như những đồ thờ cúng khác, chỉ còn lại 1 ống đựng sắc phong, 1 bệ ngai và 1 bát hương đồng là đồ cũ của Đình.

9. Phong tục lễ hội

Lễ hội Đình Lương Nham khá phong phú gắn với thần sắc thần tích của các vị Thành hoàng được thờ trong Đình. Trong năm có 10 kỳ lễ cầu:

* Ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch): Ngày lễ 5 vị đại vương: Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương; Cao Sơn Nông Cả Đại Vương; Cao Sơn Bảo Hưng Đại Vương; Thạch Linh Thần Đại Vương; Thổ Lệnh Thần Đại Vương. Lễ dâng có gà, xôi và mâm ngũ quả.

- Ngày sinh của ngài Hồng Dũng Đại Vương (3 ngày). Hôm trước làm cỗ chay, hôm sau có lợn đen, xôi, rượu và có ca hát.

* Ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 2 (âm lịch): Ngày sinh Thạch Linh Thần Đại Vương. Cỗ có lợn đen, xôi, bánh ngon 3 loại (bánh dày, bánh trưng, bánh đậu xanh), có mâm ngũ quả và có ca hát.

* Ngày mùng 10 tháng 5 (âm lịch): Ngày mất của Hồng Dũng Đại Vương (2 ngày). Hôm trước có gà, hôm sau có trâu hoặc lợn, xôi, rượu.

* Ngày mùng 7 tháng 7 (âm lịch): Ngày tế hội đồng 5 vị đại vương. Lễ có xôi, gà.

* Ngày mùng 10 tháng 8 (âm lịch): Ngày lễ Thánh Mẫu (công chúa Quế Hoa) (2 ngày). Hôm trước làm cỗ chay (5 mâm), có các loại bánh đủ màu sắc, hôm sau cỗ bàn, ca hát. Trang phục khi hành lễ tuyệt đối không được dùng các màu: hồng, vàng, xanh.

* Ngày mùng 10 và 11 tháng 8 (âm lịch): Ngày sinh Thổ Lệnh Thần Đại Vương. Cỗ có thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, có ca hát.

* Ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng 11 (âm lịch): Ngày hóa nhật của 5 vị đại vương. Cỗ bàn tùy dụng.

* Ngày mùng 10 tháng 11 (âm lịch): Ngày tế hội đồng Thái tử Nguyễn Công Rước và công chúa Quế Hoa (5 ngày), hôm trước làm cỗ chay, có bánh dày, bánh trưng; hôm sau có thịt trâu, thịt lợn, có ca hát, các trò chơi, có rước cờ.

* Ngày 11 tháng 12 (âm lịch): Làm lễ thay mũ, áo, thay chiếu cho 5 vị đại vương. Cỗ  bàn tùy dụng.

Di tích đình Lương Nham là điểm lưu giữ và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là nơi biểu hiện của lịch sử văn hoá dân tộc, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, đạo đức con người, thể hiện những ước mong của cả cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi thành viên chặt chẽ  hơn trong đời sống xã hội hiện nay. Do đó, đình Lương Nham, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3606 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h