Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc
trao đổi với ông Đỗ Trọng Tài - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
tỉnh Yên Bái về những điểm mới của Luật và việc triển khai Luật trên địa bàn
tỉnh.
P.V: Thưa
ông, Luật MTTQ Việt Nam 2015 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu
lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Xin ông cho biết những điểm mới của Luật?
Ông Đỗ Trọng Tài: Luật MTTQ Việt
Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày
1/1/2016 có những điểm mới sau đây: Luật MTTQ Việt Nam 2015 dành riêng một điều
quy định về tổ chức của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương,
có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt
Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ở địa phương, có Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Ở mỗi cấp, có Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ Việt Nam.
Bên cạnh việc hoàn thiện quy định về quan
hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước, Luật còn quy định rõ quan hệ giữa Mặt trận
với nhân dân và các tổ chức tại Điều 8 và Điều 9. MTTQ Việt Nam đại diện, bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các
hình thức tập hợp đoàn kết nhân dân. Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của
MTTQ Việt Nam; giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam để bảo đảm MTTQ Việt Nam
thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với tổ chức kinh
tế, sự nghiệp là quan hệ tự nguyện nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. MTTQ Việt Nam tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở
nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín
ngưỡng, tôn giáo, quá khứ thông qua các phương thức: tuyên truyền, vận động
nhân dân; đoàn kết, hợp tác với các tổ chức hợp pháp của nhân dân; phát huy
tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân
tộc, tôn giáo; kết nạp, phát triển thành viên của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền,
vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau
trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn và phát huy bản sắc
văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
thông qua việc phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan nhà nước và việc phối
hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên của MTTQ Việt Nam.
Điểm mới của Luật quy định, MTTQ Việt Nam
đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Quy định
mới trong việc tham gia xây dựng Nhà nước. Luật có 2 chương mới là giám sát và
phản biện xã hội.
P.V: Luật
MTTQ Việt Nam 2015 có quy định hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt
trận, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?
Ông Đỗ Trọng Tài: Giám sát và phản
biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây
dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Giám sát và
phản biện xã hội đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam,
Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và trong một số văn
kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động
giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể là rất lớn.
Thực tế những năm qua, MTTQ chủ yếu tham
gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc xác định nội dung, hình
thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng yêu
cầu và sự mong đợi của nhân dân do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân
do cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu.
Luật MTTQ Việt Nam 2015 được ban hành đã
luật hóa hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó,
quy định rõ nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam là việc thực hiện chính sách,
pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân,
quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đối tượng giám sát là cơ quan nhà nước,
tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động giám sát chủ
yếu dựa trên 3 hình thức: tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận
động nhân dân giám sát; tự mình giám sát.
Trong Luật mới tăng thêm các hình thức giám
sát: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát và thông
qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân thành lập ở cấp xã, ban giám sát đầu
tư của cộng đồng; phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến,
kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình,
dự án, đề án của cơ quan Nhà nước.
Việc phản biện này sẽ thực hiện thông qua 3
phương pháp:tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản
biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã
hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức
có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.
Như vậy, trong hoạt động giám sát, Luật mới
còn quy định nhân dân giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam cùng với quy định
MTTQ Việt Nam phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực
hiện trách nhiệm của mình đối với nhân dân. Việc Quốc hội kịp thời thể chế hóa
chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vào Luật sẽ tạo ra luồng sinh khí
mới trong phát huy dân chủ của nhân dân thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa
Lộ vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.
P.V: Xin
ông cho biết kế hoạch triển khai thi hành Luật MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh?
Ông Đỗ Trọng Tài: Từ khi Luật MTTQ
Việt Nam có hiệu lực thi hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức các
hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Luật MTTQ Việt Nam, triển khai Luật trong hệ thống
tổ chức MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan
truyền thông (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, Sở Thông
tin và Truyền thông...) tuyên truyền, phổ biến Luật MTTQ Việt Nam, đặc biệt là
những điểm mới của Luật tới nhân dân.
Triển khai, hướng dẫn các cán bộ lãnh đạo
MTTQ, các ủy viên, tổ chức thành viên MTTQ quán triệt, nghiên cứu để tuyên
truyền Luật đến cán bộ, công chức và nhân dân; tổ chức các hội nghị tập huấn
nghiệp vụ của MTTQ phối hợp với ngành tư pháp để tuyên truyền, phổ biến Luật
đến trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội, đoàn thể ở khu dân cư để
đưa Luật MTTQ Việt Nam 2015 đi vào cuộc sống.
P.V: Xin
cảm ơn ông!
(Theo Báo Yên Bái)