Cam, quýt, thanh long ruột trắng, ruột đỏ
đến nhãn lồng, nhãn Hưng Yên, mít ta, mít Thái Lan... cây gì, giống gì nông dân
Yên Bái cũng sản xuất và bán trên thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 7
ngàn héc-ta cây ăn quả; trong đó, phần lớn là cây có múi như cam, quýt, bưởi; sản
lượng đạt gần 5.500 tấn; giá trị sản xuất đạt 290 tỷ đồng; bình quân thu nhập
40 triệu đồng/ha.
Diện tích cây ăn quả phân bố rộng khắp trên
địa bàn tỉnh và hình thành các vùng sản xuất mang tính đặc thù tại Văn Chấn,
Lục Yên và Yên Bình. Có lẽ, trồng cây ăn quả không xa lạ với bất cứ người dân
nông thôn nào nhưng trồng với diện tích và quy mô lớn theo hướng hàng hoá, thị trường
mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây.
Vùng cam các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn,
vùng nhãn thuộc cánh đồng Mường Lò, vùng bưởi Hán Đà, Đại Minh (huyện Yên
Bình), cam sành, hồng không hạt huyện Lục Yên là những minh chứng rõ nhất. Chất
lượng các loại quả chủ yếu đã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài
tỉnh.
Bên cạnh một số giống cây quả đặc sản như
cam sành, hồng không hạt Lục Yên, bưởi Đại Minh, một số địa phương bước đầu sử
dụng giống cây ăn quả tiến bộ kỹ thuật được tuyển chọn từ các vườn giống cam,
quýt, nhãn, thanh long chất lượng tốt vào trồng, đầu tư thâm canh theo quy
trình. Có nhiều hộ gia đình đã đưa các giống tiến bộ có những đặc tính như khả năng
chống chịu sâu, bệnh, có năng suất, chất lượng cao vào trồng như giống cam
Đường canh, Valencia, giống cam V2... đã cho thu nhập ổn định.
Vùng thị trấn Nông trường Trần Phú, Thượng
Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An (huyện Văn Chấn) giờ trù phú hơn rất nhiều, nhà xây
ba, bốn tầng, ô tô, xe máy không còn là chuyện hiếm. Thị trấn Nông trường Trần
Phú giờ ra đường là gặp triệu phú bởi có hàng trăm hộ có thu nhập cả tỷ đồng từ
tiền bán cam, quýt mỗi năm.
Hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả không
ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc phát triển cây
ăn quả vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều vùng quê, người dân trồng vẫn mang nặng
tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hoá trái cây chưa nhiều, đặc biệt
là phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến rủi ro cao. Một số địa
phương đã hình thành các vùng cây ăn quả nhưng quy mô chưa tập trung, chưa tận
dụng hết đất đai để phát triển, sản phẩm quả thường mẫu mã chưa đẹp, chưa qua
sơ chế và chế biến, khả năng cạnh tranh thấp.
Một vấn đề nữa là vẫn còn nhiều diện tích
trồng cây ăn quả chủ yếu dựa theo quỹ đất của hộ gia đình và sản xuất theo kinh
nghiệm truyền thống, trên một diện tích nhưng trồng rất nhiều loại cây khác
nhau. Với diện tích trên 7 ngàn héc-ta nhưng thu hoạch năng suất thấp bởi cây
già cỗi, không chín rải vụ, hiệu quả không cao cũng là lẽ đương nhiên. Trong tiêu
thụ, chủ yếu là các hộ tự lo và thông qua thương lái chứ chưa có tổ chức, cá
nhân đứng ra đầu tư phát triển và tiêu thụ trái cây.
Từ những cách tiêu thụ đó, người trồng luôn
bị các tư thương ép giá, hạn chế trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Một
vấn đề không thể không nói đến là hầu như chúng ta chưa có hệ thống bảo quản,
trong khi thời gian thu hoạch diễn ra nhanh, một số loại quả không để lâu được,
gây ra khủng hoảng thừa trong chính vụ, giá rẻ mạt nhưng lại thiếu về sau vụ.
Từ những hạn chế trên, nhất thiết chúng ta
phải tổ chức lại sản xuất, đưa cây ăn quả trở thành một cây chủ lực không chỉ
xoá nghèo mà còn làm giàu một cách bền vững. Trước mắt, thực hiện tốt công tác
quy hoạch và thực hiện quy hoạch với quy mô lớn, có sản phẩm hàng hoá tập
trung. Dần dần xoá bỏ làm ăn manh mún như hiện nay bằng cách các hộ sản xuất
theo mô hình trang trại hoặc các hộ gia đình góp đất, vốn, thành lập nhóm hộ, hợp
tác xã và ứng dụng tốt các quy trình tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản
phẩm hàng hoá tập trung. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản
phẩm, xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể...
Về cơ chế, huyện, tỉnh cũng cần có chính
sách đầu tư, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và có cơ chế chính sách
đặc thù cho các cá nhân, doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm hoa quả nói
riêng và đầu tư vào nông nghiệp nói chung. Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng
cách rà soát trên cơ sở diện tích hiện có thay thế những loại, giống cây già cỗi,
sâu, bệnh bằng cây mới chất lượng, sạch bệnh.
Trong trồng mới cũng vậy, chỉ sử dụng giống
có lý lịch rõ ràng do các ngành, đơn vị chức năng sản xuất và được Nhà nước cấp
phép chứng nhận; xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt
VietGAP...
Thực hiện và làm tốt các vấn đề đã nêu cùng
với hiện nay ngành nông nghiệp đã xây dựng và đang triển khai dự án phát triển
cây ăn quả cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ là động lực
cho phát triển cây ăn quả một cách bền vững, hiệu quả.
(Theo Báo Yên Bái)