Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Thị
Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
UBND tỉnh; đại diện các ban thuộc Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy
viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, trưởng các ban HĐND
tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Liên minh HTX, Hội Chữ
thập đỏ; Bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; Văn
phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Phạm Duy
Cường - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng
chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ
16 - HĐND tỉnh khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban
nhân dân chuẩn bị các nội dung, trong đó có 3 nội dung quan trọng đó là: Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung
hạn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai
đoạn 2016 - 2020, vì vậy đề nghị các đại
biểu cần phát huy tính dân chủ, tập trung thảo luận đóng góp ý kiến để hội nghị
thu được kết quả tốt đẹp.
Tại Hội nghị, đồng chí Tạ Văn Long -
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tóm
tắt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của giai đoạn đó là huy động và sử dụng hiệu quả
mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý vầ bền vững;
tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng và sức cạnh
tranh của nền kinh tế địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ
và công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân,
nhất là nông dân; tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh,
xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá
trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã
đề ra 31 chỉ tiêu chủ yếu với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 7 chương trình trọng điểm giai đoạn 2016
-2020. Trong đó tập trung xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng
hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Trọng tâm là cơ cấu lại sản xuất nông, lâm
nghiệp và xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách mạnh nhằm thúc đẩy phát
triển sản xuất bằng các dự án cụ thể, bằng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của
tỉnh; Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi
trường và tiết kiệm tài nguyên. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản
xuất chế biến sâu, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Phát huy
lwoij thế đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để mở rộng giao thương phát triển sản
xuất trong tỉnh. Đồng thời thu hút đầu tư, tăng nhanh giá trị các ngành dịch
vụ; Tiếp tục tập trung xây dựng hệ thông kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho phát
triển kinh tế xã hội; Phát triển kinh tế vùng cao; Phát triển nguồn nhân lực có
chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển
kinh tế bền vững; Thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, trọng tâm
là đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ công chức. Tăng
cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe đồng
chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
trình bày tóm tắt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 -
2020 và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt Kế hoạch đầu tư công
trung hạn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.
Các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Sau khi nghe các nội dung trình bày
tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cơ bản nhất trí cao về nội dung của
các kế hoạch và tờ trình. Đồng thời, có nhiều ý kiến tập trung làm rõ hơn về
các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội
giai đoạn 2016 - 2020. Các đại biểu có ý kiến đề nghị bổ sung thêm thêm danh
mục nguồn vốn ODA vào kế hoạch đầu tư công; bổ sung cho các đối tượng công chức
xã vào nhóm đối tượng của Đề án phát triển nguồn nhân lực; cần quy định rõ hơn
về quyền và nghĩa vụ của người được hưởng chính sách; Trách nhiệm của các cơ
quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách; Chính sách tăng cường cán bộ,
công chức, viên chức đến công tác tại các huyện của tỉnh, nên bổ sung mở rộng đối
tượng và thời gian tăng cường cán bộ công tác tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu,
Mù Cang Chải không nhất thiết kéo dài trong 30 tháng; Cần có kế hoạch đào tạo
cho hợp lý cho các đối tượng là quân nhân xuất ngũ, công dân đã hoàn thành
nghĩa vụ Công an Nhân dân. Cần nâng mức thu hút tiến sĩ các chuyên ngành nông
nghiệp, y tế, âm nhạc và sân khấu và
chính sách ưu tiên hỗ trợ thêm cho đối tượng nữ khi đi học.
Về lĩnh vực Quản lý tài nguyên môi
trường, nên điều chỉnh làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý tài
nguyên môi trường; Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trong hoạt động
khoa học, tăng cường năng lực ứng dụng phát triển công nghệ của các doanh
nghiệp. Về phát triển du lịch, tỉnh cần đầu tư thêm các khu ẩm thực, xây dựng
các biển báo chỉ dẫn cụ thể về các điểm, khu du lịch…
Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (mở
rộng) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và biểu quyết thông
qua Nghị quyết hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư
Tỉnh ủy Phạm Duy Cường nêu rõ: Về bản chất, Kế hoạch đã bám sát Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và có bổ sung, tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại
hội XII của Đảng. Kế hoạch được xây dựng có tính khoa học, thực tiễn, đồng thời
cũng mang tính phấn đấu cao. Vì vậy, sau hội nghị này các ngành, các cấp cần
thực hiện tốt các nội dung đó là: Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu
ý kiến của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tiếp tục hoàn chỉnh
Kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo luật định để làm cơ sở pháp lý cho
việc tổ chức thực hiện.
Đối với các ngành, các địa phương
căn cứ vào Kế hoạch của tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch 5 năm của
đơn vị, địa phương cho phù hợp, trong đó nhấn mạnh 02 nội dung là: Tập trung
xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nhanh,
có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp với các sản phẩm chủ lực
như: Quế, tre măng Bát độ, cam, Sơn tra, chăn nuôi gia súc và phát triển thủy
sản. Ngân sách tỉnh sẽ đáp ứng đủ theo nhu cầu hỗ trợ của các huyện, phấn đấu
đến năm 2018 hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung của tỉnh.
Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của
khoa học công nghệ, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế thế giới và trong
nước, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần chủ
động thu hút đầu tư, kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và triển khai
nhanh chóng trên thực tế các nguồn lực cho đầu tư phát triển từ các tập đoàn,
các tổ chức và cá nhân vào địa bàn tỉnh. Tạo thêm năng lực sản xuất mới cho
phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5
năm 2016 - 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên cơ sở ý kiến tham gia
của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban cán sự Đảng Ủy ban
nhân dân tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định
để báo cáo Chính phủ. Sau khi được Trung ương giao Kế hoạch chính thức sẽ báo
cáo lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện theo định hướng: Sắp xếp
danh mục các dự án đầu tư trong hạng mục theo thứ tự ưu tiên trong cả giai
đoạn; ưu tiên cho các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án phát huy ngay hiệu
quả và các dự án có thể tạo ra nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế nhanh
của tỉnh trong những năm tới. Ngoài danh mục đầu tư công, cần chủ động lựa
chọn, vận động các dự án đầu tư cho phát triển, trọng tâm vào các lĩnh vực:
Thương mại, dịch vụ, du lịch... để góp phần tăng thêm hiệu quả đầu tư từ ngân
sách nhà nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy
Cường khẳng định: Về Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016 -
2020, đây là một Đề án tổng thể nhất, tốt nhất từ trước đến nay. Đề án này đã tính đến cả những yêu cầu trước mắt trong sắp
xếp, bố trí cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh
giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, đáp ứng yêu
cầu nguồn nhân lực cho lâu dài, đáp ứng cả yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng
cao và nguồn nhân lực cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng chí Bí thư
Tỉnh ủy đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến 2 việc: Ban cán sự đảng Ủy ban nhân
dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi nhất về
thủ tục hành chính trong thu hút nhân tài về tỉnh làm việc. Việc tổ chức thực
hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải thực sự đàm bảo chất lượng, tránh
việc triển khai cho hoàn thành kế hoạch. Chú ý gắn với việc thực hiện Quyết
định 402 của Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người
dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Riêng các lớp bồi dưỡng cần nghiên cứu ban
hành các quy định cụ thể về hình thức tổ chức lớp, về phương pháp giảng dạy, về
giảng viên, về học viên và có bài thu hoạch sau lớp bồi dưỡng, có thông báo kết
quả gửi về cơ quan chủ quản.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo
luận và thống nhất cao nhiều nội dung quan trọng, là cơ sở để các cấp, các
ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.