Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái - một góc nhìn khoa học từ khảo cổ

23/03/2016 11:46:26 Xem cỡ chữ Google
Vùng đất Yên Bái cách ngày nay hơn 2.000 năm về trước như thế nào? Với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, các ngành khoa học phát triển, để tìm hiểu về quá khứ thì khảo cổ học sẽ vẽ lại bức tranh lịch sử một cách khoa học và đáng tin cậy nhất.

Bản vẽ thạp đồng Hợp Minh - Bảo vật quốc gia. Hoa văn trên thạp diễn tả một lễ hội khải hoàn với đề tài là nông - ngư nghiệp. Trong đó, băng trên mô tả một cảnh lễ hội cầu mùa trên đất, băng dưới mô tả cảnh lễ hội sông nước.

Trong nhiều năm qua Yên Bái đã phát hiện được rất nhiều các hiện vật cổ, nổi bật nhất là các hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn dọc hai bờ sông Hồng và sông Chảy. Vậy văn hóa Đông Sơn là gì? Có ý nghĩa gì trong lịch sử vùng đất Yên Bái?

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa khảo cổ học được các nhà khảo cổ phát hiện một làng cổ có tên là làng Đông Sơn vào năm 1924 (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Những hiện vật ở đây được xác định niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm cách ngày nay và được đặt tên là văn hóa Đông Sơn. Và tại vùng đất Yên Bái cũng tìm được rất nhiều địa điểm, di vật thời kỳ này.

Khẳng định Văn hóa Đông Sơn ở Yên Bái là một bộ phận không tách rời với nền văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam. Những nghiên cứu nền văn hóa Đông Sơn góp phần tìm hiểu về lịch sử tỉnh Yên Bái hàng ngàn năm về trước. Nói dễ hiểu hơn, bài viết này chúng ta đi tìm lại lịch sử vùng đất Yên Bái cách ngày nay hơn 2.000 năm, cư dân cổ vùng đất này vào thời đó họ như thế nào? Đời sống sinh hoạt, văn hóa, kinh tế, xã hội ra sao? Dù sử sách không ghi chép nhưng nhờ khảo cổ học mà những hình ảnh khái quát về đời sống sinh hoạt của thời kỳ đó đã dần được mở ra.

Từ những địa điểm và di vật phát hiện được có thể thấy người Đông Sơn ở Yên Bái làm ruộng nước một cách thành thạo. Cư dân đã có mặt trên khắp địa bàn tỉnh Yên Bái, nhưng tập trung nhất vẫn là vùng sông Hồng, sông Chảy, một địa bàn truyền thống và chiến lược của cư dân từ thời đại Đá cũ. Người Đông Sơn có thể sống thành “làng”, thành “bản” triển khai các hoạt động kinh tế của mình trên dọc hai bờ sông Hồng, sông Chảy. Nghề nông là nông nghiệp trồng lúa nước. Bộ nông cụ sản xuất nông nghiệp bằng đồng ở đây như lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao, rìu, thuổng… đã chứng minh cho một hoạt động sản xuất hiển nhiên.

Một số hình khắc trên trống, trên thạp đồng tìm thấy ở Yên Bái cho thấy những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: trên thạp đồng Hợp Minh còn khắc họa một lễ hội “cầu mùa” chỉ có ở các cư dân nông nghiệp trồng lúa (những mô tuýp hoa văn này thường gặp ở nhiều trống và thạp đồng trong văn hóa Đông Sơn).

Hoạt động nông nghiệp ở đây có thể bao gồm cả việc trồng lúa nước và lúa nương, trồng cây rau quả trên nương, làm vườn, với những sản phẩm cây, củ, quả, hạt, rau của thời kỳ trước để lại và được phát triển lên.

Chăn nuôi là một bộ phận của kinh tế nông nghiệp. Tuy chưa có bằng chứng về các loại xương động vật nuôi, song trên các thạp đồng, trống đồng đã thấy khắc họa các con vật như gà, bò, có thể là những con vật này đã được cư dân Đông Sơn ở đây thuần dưỡng. Công việc săn bắt và hái lượm vẫn được duy trì, bởi đây là nguồn thức ăn vừa là truyền thống, vừa là tự nhiên, giải quyết nhu cầu cho con người.

Họ không chỉ dừng lại ở công việc hái lượm, mà họ đã biết khai thác nguồn sản phẩm khác là tre, nứa, gỗ để vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, vừa dùng để trao đổi với cư dân xung quanh. Săn bắt cũng vẫn được duy trì, tuy lúc này không còn là nghề chủ yếu.

Những nguồn lợi tự nhiên của rừng luôn luôn là nguồn bổ sung thường xuyên và dự phòng của cư dân mọi thời kỳ. Chúng ta tin chắc chắn rằng, sống bên cạnh các dòng sông lớn và với một hệ thống sông ngòi khá dày đặc, nghề đánh bắt cá và các loại thủy sản cũng đã được cư dân thời đại Kim khí ở Yên Bái chú trọng, nhằm tăng nguồn cung cấp thức ăn cho mình.

Vào thời kỳ này các hoạt động của nghề mộc và đan lát cũng đã trở thành nghề thủ công trong cộng đồng. Những tổ hợp công cụ đồng như: dùi, đục và một mảnh đồng hình chữ nhật nghi là lưỡi bào tìm thấy trong mộ Xóm Soi là những công cụ cơ bản của nghề mộc. Người chết có thể là thợ thủ công kiêm nghề mộc.

Dấu vải” đan trong mộ thạp Hợp Minh, mộ trống Nậm Tộc và hoa văn đan trên cán dao găm Xóm Soi cho thấy người Đông Sơn ở Yên Bái đã biết đến kỹ thuật đan lát lóng đôi, lóng mốt, kỹ thuật bỏ lỗi khá thành thạo. Đồ gốm cũng được duy trì và phát triển từ giai đoạn trước, tuy phát hiện chưa nhiều, song các mảnh gốm ở Báo Đáp, Đào Thịnh, Xóm Soi, Hợp Minh cho thấy chủ yếu thuộc loại gốm xám đen, vặn thừng có chất liệu thô.

Tổ chức xã hội thời Đông Sơn ở Yên Bái đã khá phát triển và mang tính chất của xã hội phụ quyền. Sự phân công lao động đã khá rõ, tính chuyên môn hóa cũng khá cao thể hiện ở trình độ kỹ thuật luyện kim và các loại hình công cụ. Sự phân công lao động theo “nghề nghiệp” chắc cũng đã phát triển, tuy nhiên có thể vẫn tồn tại ở sự phân công theo giới tính. Vào thời kỳ này chiến tranh có thể đã xảy ra thường xuyên hơn, đòi hỏi xã hội phải tổ chức chặt chẽ hơn (thông qua bộ di vật vũ khí như giáo, mũi tên đồng…).

Bên cạnh việc sản xuất, đã có một lực lượng vũ trang vừa để chống lại sự xâm lấn, vừa có thể mở mang lãnh thổ và ảnh hưởng của mỗi bộ lạc. Sự phát triển về kinh tế, quân sự và xã hội trên vùng lưu vực thượng du sông Hồng (thuộc Yên Bái ngày nay) đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự ra đời của quốc gia Văn Lang thời các Vua Hùng.

Qua đồng phát hiện tháng 10 năm 2014 tại xã Đông An, huyện Văn Yên - một loại vũ khí thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Sự phân hóa xã hội cũng xảy ra mạnh hơn. Khu mộ táng Đào Thịnh với nhiều đồ tùy táng quý giá trong thạp và trống đồng cho thấy chủ nhân là người giàu có. Mộ Hợp Minh hẳn là một bé gái con nhà khá giả nên đã chôn theo rìu, dao găm, khuyên tai và đặc biệt là quan tài bằng một thạp đồng chỉ nhà giàu mới có được. Còn mộ Xóm Soi có thể là một người có vị trí cao trong nghề nông kiêm nghề mộc nên đã chôn theo các loại công cụ nghề mộc, nguyên liệu đồng, công cụ làm nông nghiệp (cày, thuổng, rìu).

Mộ Khe Lợ chôn theo thạp và khuyên tai đá 4 mấu cũng cho biết chủ nhân của nó có thể thuộc loại trung lưu trong vùng. Mộ trống Nậm Tộc với 15 vòng đồng, có thể cho đây là mộ của một phụ nữ quý tộc. Đặc điểm của các mộ và đồ tùy táng khác nhau phản ánh sự phân hóa trong giai tầng và sự khác nhau về địa vị kinh tế và xã hội của chủ nhân các mộ.

Đời sống tinh thần của người Đông Sơn ở Yên Bái khá phong phú gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Họ luôn cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Mô tuýp hoa văn mô tả một “Lễ hội cầu mùa” trêp thạp Đào Thịnh, thạp Hợp Minh biểu hiện rõ rệt hoạt động tinh thần, trên đó có mô hình nhà kho, người giã gạo, đánh trống, múa, thổi kèn, người hóa trang lông chim. Sự cầu mong mùa màng bội thu, con người no ấm sinh sôi nảy nở còn được biểu hiện qua hình tượng đôi nam nữ giao phối trên thạp đồng Đào Thịnh, phản ánh một phần nhân sinh quan của con người thời này.

Người Đông Sơn Yên Bái có óc thẩm mỹ, vừa có trình độ kỹ thuật cao trong việc chế tạo các loại công cụ. Vũ khí và đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí cũng như đồ nghệ thuật người Đông Sơn ở Yên Bái có tư duy trừu tượng phong phú trong việc tạo ra các mô tuýp hoa văn trang trí vừa đẹp, tinh xảo lại vừa phản ánh tính lôgíc trong bố cục, đặc biệt trên các thạp và trống đồng. Họ cũng rất coi trọng vị trí chôn người chết.

Nơi chôn cất thường có địa thế đẹp, được đặt trên những mỏm đồi nhìn ra sông hay những dải đất bằng có không gian thông thoáng trên bãi phẳng ven sông như Đào Thịnh, Xóm Soi, Hợp Minh, cửa Ngòi Quạch; trên các đỉnh đồi như Hợp Minh, Nậm Tộc, Khe Lợ. Người ta chôn theo những đồ vật quý nhất như trống đồng, thạp đồng. Những đồ vật chôn theo cho biết ít nhiều thân phận của chủ nhân nó khi còn sống.

Nhờ có sự tiến bộ nhảy vọt về kỹ thuật và sản xuất, người Đông Sơn đã tiến một bước dài trên con đường phát triển văn hóa đặc sắc của mình. Cư dân Đông Sơn ở Yên Bái là một bộ phận không tách rời của cư dân Đông Sơn vùng lưu vực sông Hồng, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng dân cư Việt cổ nói chung. Nhờ vị trí thuận lợi và trình độ phát triển tương đồng với nhóm cư dân xung quanh, cư dân Đông Sơn ở Yên Bái đã trở thành nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy sự ra đời của nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Ngày nay, những con cháu của cư dân Đông Sơn vẫn tiếp tục sống trên mảnh đất của cha ông, vẫn giữ và phát huy được truyền thống trong đời sống hàng ngày gắn với đời sống nông - ngư nghiệp. Trồng lúa nước, đánh bắt thủy sản, các lễ hội “cầu mùa”, cúng lúa mới… được cho là sự kế thừa của người Đông Sơn xưa, nay con cháu của họ vẫn đang lưu truyền và phát huy những truyền thống đó.

 

647 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h