Trong những ngày này, thời tiết biến đổi
thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh và côn trùng phát
triển khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi suy giảm. Để chủ động phòng, chống
dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu
dùng, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, huyện Yên Bình đã
xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch bệnh để triển khai đến
tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân
trong việc phát triển chăn nuôi.
Được đánh giá là một trong những địa phương
có phong trào phát triển chăn nuôi tương đối tốt, xã Văn Lãng hiện có 235 con
trâu, 105 con bò, 4.597 con lợn và 60.500 con gia cầm, 23 mô hình chăn nuôi tập
trung quy mô lớn và 1 mô hình nuôi gà 1.000 con. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh
công tác tuyên truyền kết hợp với việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn
vật nuôi, nhờ đó trong hơn 5 năm trở lại đây trên địa bàn xã không có dịch bệnh
lớn phát sinh.
Theo đồng chí Chu Văn Luân - Phó chủ tịch
UBND xã, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ngoài ý thức
phòng chống dịch bệnh của người dân thì công tác phối hợp chỉ đạo, xây dựng kế
hoạch triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất quan trọng.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch phòng chống
dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện, ngay từ đầu năm, xã đều tổ chức kiện
toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của xã để xây dựng kế hoạch, phân
công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên có trách nhiệm vận động, tuyên truyền,
đôn đốc nhân dân tham gia thực hiện bảo đảm 100% giống vật nuôi đều được tiêm phòng
đầy đủ bởi nếu công tác phòng chống dịch bệnh có tốt mới thúc đẩy phong trào
phát triển chăn nuôi ổn định.
Gia đình bà Trần Thị Ánh, thôn 4, xã Văn
Lãng có “thâm niên” gần 20 năm nuôi lợn, bình quân trong chuồng lúc nào cũng có
60 con lợn thịt và 8 con lợn nái, có những đợt nuôi nhiều tới hơn 100 con lợn
thịt, bình quân mỗi năm xuất chuồng hơn 12 tấn lợn hơi. Nhờ chủ động các biện
pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn nên nhiều năm qua, đàn lợn của gia đình
bà phát triển tương đối ổn định, bình quân mỗi năm mang lại thu nhập cả trăm
triệu đồng.
Chia sẻ vấn đề này, bà Ánh cho biết: “Nuôi
con lợn nói dễ thì rất dễ nhưng nếu mình không theo dõi, kiểm tra thường xuyên
là không kiểm soát được, chỉ một biểu hiện nhỏ phải chữa trị ngay nếu không sẽ
lây ra cả đàn. Nhất là nuôi quy mô lớn cần phải có thêm kiến thức về thú y,
chăn nuôi, hơn nữa phải tâm huyết với nghề thì mới thành công”.
Gia đình anh Ngô Mạnh Tuấn, thôn 6 cũng
vậy. Có những lúc nuôi tới 200 con lợn thịt một lứa, ngoài ra trong chuồng lúc
nào cũng duy trì 15 con lợn nái. Để có kiến thức trong chăn nuôi cũng như phòng
chống dịch bệnh tốt cho đàn vật nuôi, anh Tuấn đã tham gia học các lớp ngắn hạn
về công tác thú y để tự chăm sóc cho đàn lợn của gia đình; đồng thời, tuân thủ
nghiêm ngặt kế hoạch tiêm phòng theo định kỳ của xã.
Bình quân mỗi năm, gia đình anh bỏ ra cả
chục triệu đồng để mua thuốc phun tiêu độc khử trùng và các loại vắc - xin tiêm
phòng cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy nhiều năm qua, đàn lợn của gia đình anh phát
triển tương đối ổn định.
Cũng như Văn Lãng, xã Vĩnh Kiên cũng được
đánh giá là một trong những địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi tương
đối tốt. Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò của xã là 1.159 con, lợn 7.700
con và gần 63.000 con gia cầm các loại. Trong đó, có 32 mô hình chăn nuôi quy
mô lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó chủ tịch
UBND xã thì để thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi, yếu tố đầu tiên là
công tác phòng chống dịch bệnh phải tốt, muốn có đàn vật nuôi khỏe trước tiên
con giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình chăn
nuôi, người dân cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh.
Ngoài việc tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch
của huyện thì các hộ dân cũng phải chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh trên
đàn vật nuôi để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời khi có dấu
hiệu dịch bệnh. Chính bởi sự sát sao trong công tác chỉ đạo mà nhiều năm qua,
trên địa bàn xã không xuất hiện tình trạng dịch bệnh lớn xảy ra.
Trên địa bàn huyện Yên Bình hiện có 14.573
con trâu bò, 55.219 con lợn, đàn gia cầm có gần 603.000 con. Với phương châm
phòng bệnh cho đàn vật nuôi là chính, ngay từ đầu năm, huyện Yên Bình đã chủ
động xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ xuân - hè năm 2016 đồng
thời huyện triển khai sâu rộng, cụ thể đến các ban, ngành và các xã, thị trấn.
Đặc biệt, chú trọng rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trong diện
tiêm phòng.
Theo đó, đợt tiêm phòng vụ xuân - hè năm
nay, toàn huyện sẽ tổ chức tiêm phòng bệnh dại 14.100 liều vắc-xin cho đàn chó;
16.200 liều vắc-xin tụ huyết trùng cho lợn, 16.200 liều vắc-xin dịch tả cho
lợn; 15.200 liều vắc-xin tụ huyết trùng cho trâu bò. Trong đó, những xã vùng
cao sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền mua vắc-xin tiêm phòng và một phần chi phí
khác.
Để công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vật
nuôi hiệu quả, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm nay
ở huyện Yên Bình cũng được nâng cao hơn. Các xã, thị trấn phải có người đứng
đầu, đầu mối có trách nhiệm giám sát công tác tiêm phòng cũng như kịp thời phát
hiện dịch bệnh.
Huyện cũng tập trung đẩy mạnh công tác
tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm
phòng đối với đàn vật nuôi; tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, bảo quản vắc-xin
cho lực lượng nhân viên thú y xã; giao chỉ tiêu tiêm phòng số lượng đàn vật
nuôi, số lượng vắc-xin cho cơ sở đồng thời chuẩn bị vật tư, vắc-xin, dụng cụ
tiêm phòng đầy đủ; chỉ đạo tổ chức tiêm phòng cho tất cả các loại gia súc, gia
cầm trong diện tiêm của các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình
đúng chủng loại vắc-xin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm; tỷ lệ tiêm phòng các
loại vắc-xin phải đạt 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm; tăng cường cử
cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn lực lượng trực tiếp tham gia tiêm phòng để
công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Nhờ chủ động các biện pháp phòng,
chống dịch bệnh, nhiều năm qua, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) không xảy ra dịch bệnh
lớn, người dân yên tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với quy mô lớn.
Mặt khác, hướng dẫn hộ chăn nuôi thường
xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng, tiêu độc. Khi thời tiết có
thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa. Bên cạnh đó, khuyến cáo
người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập các con
giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi,
nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y các xã, thị
trấn để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với vắc-xin phòng bệnh dại ở động vật,
thời gian tiêm đợt I vào tháng 4, 5, 6 và đợt II vào tháng 9, tháng 10; đối với
vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn, đợt
I vào tháng 3, 4 và đợt II vào tháng 9, 10.
Mặc dù số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn
nhiều nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, phân tán, nguy cơ phát sinh dịch, bệnh
cao nên huyện sẽ chỉ đạo tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi một cách triệt
để, đồng thời tiêm bổ sung các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi mới; sử dụng phun
khử trùng tiêu độc ở những nơi có nguy cơ cao; các chợ, cơ sở giết mổ, chuồng
trại chăn nuôi; phương tiện vận chuyển, nơi tiêu hủy gia súc, gia cầm... Công
tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được
thực hiện theo đúng quy định.
Đang bước vào thời điểm giao mùa, nguy cơ
xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Vì vậy, ngay từ lúc này, người dân
các địa phương trong huyện cần nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch
bệnh trên đàn vật nuôi tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về kinh tế
đồng thời gây khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi của huyện.