Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống,
cũng như giải pháp thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) phóng viên (P.V)
Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục
Kiểm lâm Yên Bái về thực trạng và giải pháp trong công tác PCCCR trên địa bàn.
P.V: Xin
đồng chí cho biết thực trạng, cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Đỗ Cường Minh: Hiện nay là tháng
cao điểm về khô hạn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt tại huyện phía Tây của
tỉnh đã nhiều ngày nay không mưa, nắng nóng kéo dài, lại xuất hiện gió Lào khô nóng
thổi mạnh cộng với đợt rét đậm rét hại từ đầu năm đã làm thảm thực vật tại nơi
đây chết khô, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian mà người dân địa phương
đốt nương để làm rẫy và trồng rừng rồi tập quán đốt bãi chăn thả, lấy cỏ non
làm thức ăn chăn nuôi của người dân địa phương và ở vùng giáp ranh các tỉnh bạn
vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, lan tràn nhanh và khó kiểm soát. Dự
báo, cảnh báo cháy rừng ở 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải luôn ở cấp IV, cấp V.
Đứng trước vấn đề trên, Chi cục xác định
công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng từ tỉnh xuống các địa phương là nhiệm vụ
hết sức quan trọng, đồng thời luôn có phương án ứng cứu kịp thời giảm thiểu
được số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
P.V: Trước
thực trạng nguy cơ cháy rừng là rất cao, xin đồng chí cho biết công tác ứng phó
và triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào?
Ông Đỗ Cường Minh: Từ đầu vụ khô, Chi
cục Kiểm lâm đã tổ chức thường trực 24/24 giờ để nắm bắt thông tin và có biện
pháp xử lý kịp thời về tình hình cháy rừng trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với
các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh và trung ương đưa những bản tin về
cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại những khu vực trọng điểm.
Thường xuyên cập nhật hệ thống cảnh báo
cháy rừng từ Cục Kiểm lâm và vận hành theo dõi phần mềm cảnh báo cháy rừng sớm
từ vệ tinh qua hệ thống tin nhắn điện thoại mà Chi cục đã tiến hành trang bị để
thông tin cho các địa phương về tình hình cháy rừng trên địa bàn. Thường xuyên kiểm
tra, đôn đốc cơ sở nhất là tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đội kiểm lâm
cơ động thường trực, chuẩn bị phương tiện, thiết bị, lực lượng đảm bảo sẵn sàng
triển khai công tác PCCCR, đáp ứng kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Đối với các địa phương, đã thực hiện tu sửa
hệ thống biển báo, biển cấm lửa tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng
cao. Hạt Kiểm lâm các huyện đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa
phương đưa những bản tin về cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn.
Đồng thời tuyên truyền người dân không được
mang lửa vào rừng vào những ngày khô hanh. Các xã trọng điểm đã lập chốt dã
chiến phát hiện sớm cháy rừng. Tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn, lực lượng
bảo vệ rừng cho các vùng trọng yếu, nguy cơ cháy cao tổ chức phân công trực và cập
nhật thông tin PCCCR 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ và lễ, tết.
P.V: Xin
ông cho biết các giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
hiện nay?
Ông Đỗ Cường Minh: Để làm tốt công
tác PCCCR hiện nay trước hết chúng ta cần thực hiện cơ chế chỉ đạo, điều hành,
chỉ huy, phối hợp lực lượng PCCCR thống nhất. Triệt để thực hiện phương châm 4 tại
chỗ nhất là chỉ huy tại chỗ. Vận hành hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về Kế
hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Phân công trách nhiệm của các thành viên trong
ban chỉ đạo bám sát địa bàn phụ trách, nắm bắt và thông tin kịp thời để xử trí
phù hợp.
Quan tâm tuyên truyền giáo dục, nâng cao
nhận thức về công tác PCCCR, về chính sách của Nhà nước cũng như quyền lợi và
nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong PCCCR, giới thiệu lợi ích của
rừng đối với cuộc sống con người. Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR,
in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR và các quy định của pháp luật
về lĩnh vực bảo vệ rừng.
Về dài hạn xây dựng mô hình trình diễn về
công tác quản lý lửa rừng; chương trình phối hợp với các trường THPT, THCS để
tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá tìm hiểu về công tác bảo vệ rừng. Thông
báo đến mọi người dân cấm sử dụng nguồn lửa trong sản xuất lâm nghiệp trong
thời gian hiện nay.
Về công nghệ, kỹ thuật: ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý lửa rừng như: quy hoạch, phân vùng trọng điểm nguy cơ
cháy rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện sớm điểm cháy rừng;
truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng; huy động lực lượng và tổ
chức chữa cháy rừng.
Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh,
phương tiện, thiết bị và công cụ PCCCR tiên tiến và truyền thống phù hợp với
điều kiện tự nhiên của từng vùng.
Quản lý và sử dụng các công trình PCCCR: hệ
thống đường xá, kênh mương, bể chứa, hồ đập, hệ thống chòi canh lửa, hệ thống
thông tin liên lạc, hệ thống các trạm đo mưa, trạm khí tượng phục vụ dự báo
cháy rừng.
Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn: nâng
cấp, cải tạo đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, huấn luyện, thực hành về PCCCR tại
Chi cục Kiểm lâm bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Xây dựng chương trình, nội
dung đào tạo phù hợp với nhu cầu và đối tượng ở mỗi đơn vị, như đào tạo ngắn
hạn, trung hạn và dài hạn; đào tạo tiểu giáo viên… Tùy theo đối tượng đào tạo mà
xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, như đào tạo kỹ thuật PCCCR; ứng dụng công
nghệ mới trong PCCCR; các biện pháp cứu hộ, cứu nạn trong PCCCR…; các kỹ thuật
khắc phục hậu quả của cháy rừng.
Về tài chính, sử dụng hiệu quả kinh phí
PCCCR hàng năm và kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai. Huy động các nguồn
hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa phương nhất là các doanh nghiệp có
hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan hưởng lợi từ rừng và đất lâm nghiệp.
P.V: Xin
cảm ơn ông!
(Theo Báo Yên Bái)