Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nên nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nấm hàng hoá

30/03/2016 08:34:07 Xem cỡ chữ Google
Nhu cầu của người dân là rất cần có một mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống nấm, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nấm, để từ đó khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KH&CN Yên Bái nghiên cứu sản xuất các giống nấm cung ứng cho nhân dân sản xuất nấm hàng hóa.

Yên Bái là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn, nguồn lao động ở khu vực nông thôn nhiều; khí hậu mang đặc trưng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 22 - 230C, lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.200 mm/năm, độ ẩm trung bình từ 83 - 87%...

Với đặc điểm tự nhiên như trên, Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng nhiều loại nấm hàng hóa, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn có mức thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh. Thời điểm trước năm 2010, ở một số xã của thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên đã có một số hộ dân tự mua giống nấm ở các tỉnh miền xuôi về trồng với quy mô nhỏ, sản phẩm chưa nhiều, giá rẻ, tiêu thụ khó…

Nhu cầu của người dân Yên Bái là rất cần có một mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống nấm, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nấm, để từ đó khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động nhàn rỗi tại địa phương, tận dụng phế thải nông - lâm nghiệp sản xuất các loại nấm ăn và dược liệu, tạo ra lượng hàng hoá có giá trị kinh tế cao trên thị trường và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, góp phần xoá đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Từ năm 2000, hàng năm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái vẫn duy trì sản xuất giống nấm chủ yếu là giống nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm Linh chi cung ứng cho nông dân... 

Tuy nhiên, thời điểm đó Trung tâm triển khai sản xuất giống nhưng công suất sản xuất không cao, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp như: nồi hấp thanh trùng nguyên liệu PK75 từ thời Liên Xô, mỗi mẻ hấp được 15 kg thóc, chưa có hệ thống bảo quản giống... nên vào thời vụ trồng nấm, nhu cầu giống nhiều mà Trung tâm không đủ khả năng cung cấp, nên người dân thường phải nhập giống từ các tỉnh miền xuôi, chi phí cao, chất lượng giống kém do quá trình vận chuyển, không chủ động...

Cán bộ được tiếp thu công nghệ, đào tạo ít, một số đã chuyển công tác, nghỉ chế độ. Vì vậy, thiếu hụt nhân lực, do đó các kỹ thuật tiếp cận công nghệ chưa đủ khả năng để tổ chức sản xuất và chỉ đạo phát triển nghề trồng nấm cho nông dân… làm hạn chế phát triển nghề nuôi trồng nấm trong tỉnh.

Phát triển nghề trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội giải quyết công ăn việc làm, tận dụng nguyên liệu tại chỗ, đem lại nguồn thu cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống là một nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, năm 2011 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái thực hiện nhiệm vụ khoa học “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nấm hàng hoá tại tỉnh Yên Bái”.

Mục tiêu của Dự án là góp phần củng cố nền tảng vững chắc để phát triển nghề trồng nấm của tỉnh; cung cấp nguồn giống có chất lượng tốt, đủ về số lượng, nhiều công nghệ mới nâng cao năng suất nuôi trồng nấm, là nơi đào tạo, tập huấn công nghệ cho người dân, bước đầu phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm của người dân sản xuất ra... 

Sau khi tiếp nhận, nắm bắt được các quy trình công nghệ sản xuất, nhân giống nấm đối với các loại nấm như: nấm Linh chi, nấm sò, nấm rơm, nấm đầu khỉ, nấm mộc nhĩ do Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học thuộc Công ty Nấm Linh chi - Hà Nội chuyển giao. Với trang thiết bị máy móc, nhà xưởng được dự án đầu tư, tháng 8 năm 2011, Trung bắt đầu tiến hành sản xuất các loại giống nấm theo công nghệ được tiếp nhận.

Quá trình sản xuất nhân chuyển các loại giống nấm được tiến hành tương ứng với thời vụ nuôi trồng nấm đảm bảo cung cấp giống nấm đủ tiêu chuẩn chất lượng cung ứng cho nhân nuôi trồng. Sau đó, Trung tâm xây dựng mô hình nuôi trồng sản xuất tại Trung tâm và xây dựng được 9 mô hình tại huyện Yên Bình, 7 mô hình tại thành phố Yên Bái và một mô hình tại thị xã Nghĩa Lộ. Các hộ tham gia xây dựng mô hình được hỗ trợ 100% giống nấm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy mô đăng ký, được hỗ trợ một phần nguyên liệu để làm lán trại...

Từ việc xây dựng thành công các mô hình nuôi trồng nấm, hàng trăm hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã tự học tập các mô hình và đến Trung tâm mua các loại giống nấm về sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đỗ Văn Kim - trưởng nhóm trồng nấm hàng hóa ở tổ 6, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cho biết: Tháng 3/2014, nhóm chúng tôi có 6 người ở các phường vào thuê 3.000 m2 đất tại tổ Nam Thọ, phường Nam Cường và làm nhà để trồng nấm. Sau đó, vào Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Yên Bái mua giống nấm sò, mộc nhĩ, nấm Linh chi về nuôi trồng. Năm đầu tiên thu được 650 kg mộc nhĩ khô; 110kg nấm Linh chi khô và 3 tấn nấm sò tươi. Bán giá bình quân nấm Linh chi được 700.000 đồng/kg; mộc nhĩ 110.000 đồng/kg; nấm sò 25.000 đồng/kg, anh em trong nhóm rất phấn khởi. Năm 2015, nhóm thu được 1,2 tấn mộc nhĩ khô, 4 tấn nấm sò tươi và dự kiến thu được 230 kg nấm Linh chi khô… Sau khi trừ chi phí, mỗi người cũng thu được vài chục triệu, trong đó, tôi góp nhiều vốn, công sức hơn, nên được thu khoảng 65 - 70 triệu đồng.

Hiện nay, hàng năm có trăm hộ dân ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên... thường xuyên đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Yên Bái mua các loại giống nấm do Trung tâm sản xuất về nuôi trồng sản xuất nấm hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao. Đây cũng là động lực để các kỹ sư của Trung tâm tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình thành các làng nghề sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm hàng hóa ở Yên Bái trong thời gian tới, giúp cho nhân dân ở khu vực nông thôn có thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

513 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h