Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái tiếp tục làm tốt công tác quản lý lao động nước ngoài

05/04/2016 07:58:09 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thời gian qua cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức và dự án (đã đi vào hoạt động) chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao đổi với phòng nghiệp vụ về công tác quản lý lao động người nước ngoài.

Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết tình hình lao động người nước ngoài ở Yên Bái hiện nay?

Ông Lê Văn Lương: Theo danh sách quản lý, tính đến ngày 20/3/2016 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tổng số 249 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó: số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 6 người. Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 243 người (chiếm 97,59%), trong đó số người đã được cấp giấy phép lao động là 183 người, số còn lại 60 người (bao gồm số người đã nộp hồ sơ chờ cấp giấy phép lao động, số người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động).

Lao động nước ngoài đến từ 8 quốc gia, trong đó quốc tịch châu Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan... chiếm 98,85%; quốc tịch châu Âu và các nước khác chiếm 1,15%. Lao động nước ngoài là nam giới chiếm 83,01%, lao động có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86% tổng số lao động nước ngoài.

Lao động nước ngoài giữ vị trí quản lý, giám đốc điều hành là 25 người, chiếm 9,65%; chuyên gia và lao động kỹ thuật là 224 người, chiếm 86,48%; các hình thức khác là 7 người, chiếm 2,7%, bao gồm giáo viên, đầu bếp.
 
P.V: Ngành đã thực hiện nhiệm vụ quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại địa phương như thế nào thưa ông?

Ông Lê Văn Lương: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/1/2010 của Ban Bí thư về tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản luật đã được Quốc hội thông qua, các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức phổ biến, quán triệt chỉ thị, các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho các cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức đóng tại địa phương.

Ngành đã tập huấn chính sách quản lý lao động nước ngoài cho các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài; thực hiện niêm yết công khai trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép lao động; tổ chức thẩm định, phê duyệt nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài và cấp giấy phép lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và đúng quy định; xây dựng chương trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan của địa phương như Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công an tỉnh trong việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Từ năm 2011- 2015, đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành giữa cơ quan Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Tư pháp kiểm tra tại 52 lượt doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài. Qua đó, đã lập 28 biên bản vi phạm hành chính, đưa ra 103 kiến nghị, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những vi phạm, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
 
P.V: Qua thực tế việc quản lý và chấp hành các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài tại Yên Bái, theo ông, có vấn đề gì cần quan tâm?

Ông Lê Văn Lương: Có thể nói, các doanh nghiệp, tổ chức đã được tập huấn, cập nhật thông tin về chính sách quản lý lao động người nước ngoài đã chủ động và tự giác thực hiện đầy đủ, đúng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc đề nghị chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; thực hiện cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Về cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức và dự án đã đi vào hoạt động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài.

Điển hình là doanh nghiệp sử dụng lao động người Hàn Quốc, Ấn Độ, lao động châu Âu. Nhưng bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế. Một số nhà thầu,  lấy lý do đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật và hiệu quả của việc thi công các dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu không quan tâm đúng mức tới việc tuyển lao động Việt Nam thay thế vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài.

Tại các gói thầu, các công trình lớn, nhà thầu nước ngoài thường chuyển các phần việc cho các nhà thầu phụ hoặc ký kết hợp đồng ở nước ngoài, giao toàn quyền cho nhà thầu phụ trong việc sử dụng lao động (trong đó có lao động Việt Nam và lao động nước ngoài).

P.V: Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu thưa ông?

Ông Lê Văn Lương: Trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của các nhà thầu, do yếu tố địa lý có chung đường biên giới giữa Việt Nam với nhiều nước láng giềng, do chính sách pháp luật của chúng ta còn có những nội dung chưa sát với thực tế, trong đó chưa có quy định cụ thể về quản lý lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu.

 P.V: Xin ông cho biết để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các công ty, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc những quy định, có những thủ tục bắt buộc gì?

Ông Lê Văn Lương: Đó là những căn cứ pháp lý để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Bộ Luật Lao động năm 2012 (từ Điều 169 đến Điều 175), Nghị định số 102/2013/NĐ-CP, Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTB&XH ngày 20/01/2014 thì các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục bắt buộc như sau:

Bước 1: trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở LĐ-TB&XH. Căn cứ văn bản giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH trình UBND tỉnh xem xét ra văn bản chấp thuận cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Trường hợp người lao động nước ngoài không có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nộp cho Sở LĐ-TB&XH nơi đóng trụ sở chính của người sử dụng lao động.

Bước 2: sau khi có văn bản đồng ý chấp thuận của UBND tỉnh, Sở thông báo cho doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định để thẩm định điều kiện cấp giấy phép. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở LĐ-TB&XH  cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ LĐ-TB&XH quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: đối với lao động người nước làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động, sau khi lao động người nước ngoài được cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động và lao động người nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Nội dung hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được cấp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết và bản sao giấy phép lao động đã được cấp tới Sở LĐ-TB&XH đã cấp giấy phép lao động đó.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

561 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h