Giá trị
và nguy cơ mai một
Theo
tiếng Thái, “Hạn” nghĩa là sàn, “Khuống” là sân nên có thể hiểu nôm na là cái
sàn ngoài sân. Hạn Khuống được dựng bằng tre, nứa làm nơi để thanh niên nam, nữ
chưa có gia đình tìm hiểu nhau thông qua việc thử tài văn chương, ứng đối giao
duyên, thử tài làm ăn… rồi có thể đi đến kết duyên vợ, chồng.
Hạn
Khuống có từ cổ xưa trong cộng đồng người Thái, chủ yếu là Thái đen, thường
được tổ chức sau thu hoạch mùa vụ và nó không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn
là địa chỉ hàm chứa các giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật, giáo dục sâu sắc,
phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của
dân tộc Thái. Hạn Khuống cũng là nguồn tư liệu giúp các nhà nghiên cứu có thêm
tri thức về đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Thái.
Thông
qua các hoạt động diễn ra trong sinh hoạt Hạn Khuống đã thúc đẩy thanh niên
nam, nữ học chữ, học nghề, rèn luyện nhân cách sống để trở thành con người tinh
thông, nhanh nhẹn, giỏi giang trong lao động sản xuất, đồng thời cũng giáo dục
đạo đức, khuyên răn con người làm điều hay lẽ phải, kết nối tình đoàn kết giữa
các bản mường và cộng đồng người Thái.
Hạn
Khuống và những giá trị của nó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong xu thế
hội nhập và phát triển, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp bị mai một. Sinh hoạt
văn hóa Hạn Khuống cũng không tránh khỏi nguy cơ này.
Việc
lưu truyền lại những kinh nghiệm tổ chức Hạn Khuống còn hạn chế. Những người am
hiểu về Hạn Khuống ngày một hiếm. Cơ bản Hạn Khuống chỉ lưu truyền miệng trong
cộng đồng, còn nội dung thì chưa được ghi lại bằng văn bản, việc tái hiện lại
có nhiều yếu tố sân khấu hóa, chưa bảo đảm được nét nguyên sơ. Hiện, rất ít
người biết hát và thể hiện đúng điệu hát đối đáp trong Hạn Khuống. Nếu không
được bảo tồn, gìn giữ thì hội Hạn Khuống sẽ bị thất truyền, mai một theo thời
gian.
Nỗ lực
bảo tồn
Hiểu rõ
những giá trị và nguy cơ mai một từ thực tế của sinh hoạt văn hóa này, thời
gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã quan tâm khôi phục và bảo tồn Hạn Khuống.
Trước
hết, thị xã khuyến khích các già làng, nghệ nhân, người am hiểu về Hạn Khuống
tham gia nghiên cứu, xây dựng kịch bản của loại hình sinh hoạt văn hóa này. Từ
kịch bản, thị xã chỉ đạo các xã, phường, phòng, ban liên quan lên kế hoạch tổ
chức lại sinh hoạt Hạn Khuống. Các khâu dựng sàn sân, diễn biến trình tự của Hạn
Khuống, chuẩn bị vật dụng trên sàn đến những nhạc cụ phục vụ cho lễ hội, hát
đối đáp đều được lên kịch bản cụ thể.
Ông
Đồng Văn Tiếp - người chuyên làm sàn Hạn Khuống ở thị xã Nghĩa Lộ cho biết:
“Trong hội Hạn Khuống, dựng sàn là khâu quan trọng nhất và phải tuân theo những
quy chuẩn nhất định". Những quy chuẩn này, theo sự tư vấn của những người
am hiểu như ông Tiếp, đều đã được cụ thể hóa trong kịch bản phục dựng sinh hoạt
Hạn Khuống. Cùng đó, thị xã mở các lớp truyền dạy thổi khèn, pí, sử dụng các
đạo cụ phục vụ hội Hạn Khuống, đặc biệt là truyền dạy các bài hát (khắp) đối
đáp trong hội Hạn Khuống, nhất là điệu hát Hăn nê - điệu hát cơ bản chủ đạo
trong hội.
Trong
hội Hạn Khuống, hát đối đáp cũng là một phần rất quan trọng. Nghệ nhân dân gian
Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: “Hội Hạn Khuống của
đồng bào Thái ở các tỉnh vùng núi phía bắc đều giống nhau ở hình thức tổ chức
cũng như ý nghĩa, nhưng lại khác nhau ở lối hát. Giống như điệu Quan họ là đặc
trưng ở Bắc Ninh thì điệu Hăn nê là lối hát chỉ có duy nhất ở đồng bào Thái
vùng Mường Lò.
Còn các
tỉnh khác như: Sơn La, Điện Biên, đồng bào Thái không hát Hăn nê mà họ dùng
những làn điệu riêng để thể hiện như Hà ơi... ơi...ơi... Có thể thấy, Hăn nê là
lối hát đặc trưng trong hội Hạn Khuống ở Nghĩa Lộ nói riêng và vùng Mường Lò
nói chung. Người biết hát Hăn nê giờ không hiếm, nhưng không phải ai cũng hát
luyến láy được một cách nhuần nhuyễn”.
Là
người từng được tham gia và nghiên cứu nhiều về Hạn Khuống, đặc biệt là các
điệu hát đối đáp trong Hạn Khuống, bà Xiêng đã được thị xã mời dạy các lớp khắp
Thái, nhất là hát Hăn nê trong Hạn Khuống cho các thành viên đội văn nghệ chủ
chốt của các xã, phường. Ngoài ra, bà còn tranh thủ truyền dạy thêm cho lớp
trẻ, cho đội văn nghệ của xã, giảng giải cho các em hiểu ý nghĩa trong từng lời
hát để các em tiếp thu, thể hiện sâu sắc hơn.
Với
việc chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho hội Hạn Khuống, Nghĩa Lộ đã tổ chức các
hội Hạn khuống cấp thị xã để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền trong đồng bào
các dân tộc và giới thiệu tới du khách về nét văn hóa đặc sắc này. Sau đó, thị
xã đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức riêng hội Hạn Khuống luân phiên nhau vào
những dịp Rằm tháng Giêng, Tuần lễ du lịch văn hóa Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Giờ
đây, đến với xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi, lúc nào cũng thấy một sàn sân để tổ chức
hội Hạn khuống tại nhà văn hóa xã, còn các nam thanh nữ tú thì đều biết hát đối
đáp, trao duyên và thổi khèn, pí… Đây cũng là cơ sở để Nghĩa Lộ xây dựng và bảo
tồn bản làng truyền thống của đồng bào Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò ở Nghĩa An
và Nghĩa Lợi, tạo điểm nhấn, nét văn hóa đặc trưng và ngày càng thu hút khách
du lịch đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Bà Lò
Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn Hội Hạn
Khuống của đồng bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ” (bên phải) gặp gỡ nghệ nhân
thu thập thông tin về hội.
Đường
đến di sản
Với
những nỗ lực trong khôi phục bảo tồn Hạn Khuống, thị xã Nghĩa Lộ đã được UBND
tỉnh phê duyệt thực hiện Đề tài “Nghiên cứu và bảo tồn hội Hạn Khuống của đồng
bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ”. Các nhóm thực hiện Đề tài đã nghiên cứu,
sưu tầm, tìm hiểu và khai thác các nguồn thông tin, số liệu về nguồn gốc, ý
nghĩa, thời gian diễn ra, đối tượng tham gia, diễn biến của hội và lời khắp
trong hội Hạn Khuống của các địa phương trong vùng tổ chức.
Đồng
thời, nghiên cứu, tìm hiểu thêm hội Hạn Khuống từ các địa phương có đông đồng
bào Thái sinh sống như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Sau đó, nhóm thực hiện Đề
tài đã biên soạn kịch bản hội Hạn Khuống, tổ chức hội thảo khoa học về lời khắp
trong Hạn Khuống và tổ chức hội Hạn Khuống báo cáo Hội đồng Khoa học tỉnh đánh
giá, nghiệm thu. Qua đánh giá, Đề tài đã đạt loại xuất sắc và tiếp tục được đề
nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc Đề
tài được nghiệm thu, đánh giá cao đã tạo điều kiện cho thị xã tiếp tục thực
hiện bảo tồn và phát huy hội Hạn Khuống. Bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa
Lộ, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: “Đề tài mang tính ứng dụng cao trong thực tế
cuộc sống, bởi hội Hạn Khuống giờ đây không chỉ được lưu truyền bằng miệng,
bằng mô tả qua trí nhớ mà đã trở thành văn bản có kịch bản, có hình ảnh minh
họa được mô tả chi tiết nên địa phương nào cũng có thể tổ chức được mà vẫn bảo
đảm được giá trị truyền thống.
Và để
phát huy hội Hạn Khuống trên địa bàn thị xã, Nghĩa Lộ tiếp tục khuyến khích các
già làng, nghệ nhân truyền dạy các làn điệu dân ca Thái, lời hát đối đáp, tuyên
truyền về ý nghĩa của hội Hạn Khuống, chỉ đạo các xã, phường luân phiên tổ chức
hội này trong các dịp lễ tết, lúc nông nhàn.
Điều đó,
đồng nghĩa với việc xã, phường nào cũng phải am hiểu về Hạn Khuống, xây dựng
các đội thanh niên nam nữ am hiểu và thể hiện tốt các làn điệu, cách thức chơi
hội Hạn Khuống… nhằm phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống này. Tiếp
đó, thị xã sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu về Hạn Khuống nói riêng và
những nét văn hóa đặc sắc nói chung của đồng bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ”.
Với
việc khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy như vậy, hội Hạn Khuống đã và đang
đi sâu vào tâm hồn mỗi người và dần trở thành nhu cầu, nét sinh hoạt văn hóa
không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái ở thị xã. Đó cũng
chính là yếu tố cốt lõi nhất, để Hạn Khuống sớm đến gần hơn với danh hiệu Di
sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Báo Yên Bái