Diện
mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi
Với đặc điểm là một huyện vùng cao
đặc biệt khó khăn của tỉnh, Mù Cang Chải bước vào thực hiện Chương trình MTQG
xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát rất thấp. Khi áp theo 19 tiêu chí xây
dựng nông thôn mới thì cơ bản các xã trên địa bàn huyện mới chỉ đạt từ 2 đến 3
tiêu chí.
Sau 5 năm (2011 - 2015) thực hiện
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Mù Cang Chải cơ bản đã hoàn thành và
bảo đảm bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình đồng bộ ở các cấp huyện, xã, thôn,
bản. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư, chỉnh sửa, nâng cấp cứng hóa theo
quy hoạch. Trong 5 năm, huyện đã mở mới được 350km đường giao thông, trong đó
bê tông, cứng hóa được 2km đường giao thông nông thôn. Huy động các nguồn lực
đầu tư với tổng kinh phí 2.680 tỷ đồng để cải tạo, xây mới các công trình cầu,
cống, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng, sửa chữa trường học, công
trình nước sinh hoạt, mở mới, nâng cấp đường giao thông. Kinh tế nông thôn có
nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân ổn định. Thu nhập bình quân tăng đều
qua các năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 16,2% nâng lên 27%. Văn hóa xã hội,
giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tốt… Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã có 2 xã
đạt 11 tiêu chí, 11 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên. Đó chính là thành quả, là
động lực để Mù Cang Chải tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới trong những
năm tiếp theo.
Còn
nhiều khó khăn
Diện mạo nông thôn mới đã có nhiều
thay đổi, nhận thức của người dân về công cuộc xây dựng nông thôn mới đã ngày
càng được nâng cao. Người dân đã dần ý thức được những lợi ích từ việc xây dựng
nông thôn mới. Thế nhưng nhìn một cách tổng thể thì xây dựng nông thôn mới ở Mù
Cang Chải vẫn còn nhiều những khó khăn, hạn chế.
Xây dựng nông thôn mới cần phải huy
động nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó huy động cộng đồng dân cư đóng góp là 10%.
Nhưng với đặc thù là một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn với tỷ lệ đói nghèo
lên đến 80%, Mù Cang Chải có thì việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp để
thực hiện chương trình xây dựng hầu như là không có. Người dân chủ yếu chỉ đóng
góp ngày công lao động và hiến đất.
Đồng chí Giàng A Vừ - Phó Chủ tịch
UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện các tiêu chí xây
dựng nông thôn mới ở Mù Cang Chải còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nhiều
tiêu chí là thách thức đối với Mù Cang Chải như việc xây dựng cơ sở hạ tầng
thiết yếu, tiêu chí đường giao thông, trường học, tiêu chí về thu nhập, hộ
nghèo…”
Với địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt,
giao thông đi lại khó khăn nên việc xây dựng đường giao thông ở Mù Cang Chải
gặp phải vô vàn khó khăn. Bên cạnh tiêu chí đường giao thông, trường học cũng
được đánh giá là một tiêu chí khó khăn đối với huyện miền núi này. Hiện tại
trên địa bàn các xã mới có trên 40 trường học các bậc mần non, tiểu học, trung
học cơ sở. Tuy nhiên mới có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS
đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Các trường còn lại chưa đạt vì hệ thống phòng chức
năng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, tiêu chí thu nhập và hộ
nghèo cũng là tiêu chí khó thực hiện đối với chính quyền các xã. Cái khó nhất
để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu
là nông lâm nghiệp. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ
chậm phát triển. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế
nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là
chuyện “một sớm một chiều”. Trước những khó khăn đó, thời gian qua, ngành nông
nghiệp Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy
mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô
hình kinh tế mở rộng diện tích, tăng vụ, trồng các loại cây có giá trị kinh tế
cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những giải pháp đó mới chỉ dừng lại ở việc
giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống
khó khăn của mình chứ chưa phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng
tiêu chuẩn. Ngoài ra, các tiêu chí khác như cơ cấu lao động, cơ sở vật chất văn
hóa, môi trường…của các xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phấn đấu đạt
theo đúng tiêu chuẩn của một xã nông thôn mới.
Với những khó khăn trên, huyện Mù Cang
Chải xác định chặng đường xây dựng nông thôn mới của các xã sẽ khó bảo đảm hoàn thành đúng lộ trình. Do
đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong
việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng
thu nhập bền vững thì Mù Cang Chải cũng rất cần sự quan tâm đầu tư kịp thời của
các cấp, các ngành và có những nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí để sát thực hơn
với những xã miền núi đặc biệt khó khăn.