Thực trạng
Có lẽ người nhận thấy sự thay đổi về thực
trạng “hờ hững” với sách, với văn hóa đọc rõ nhất đó là những người làm công
tác thư viện. Với họ, đó là nỗi buồn cho chính những quyển sách xếp hàng dài
trên kệ mà ngày ngày họ cất công bảo quản, gìn giữ như một báu vật.
Đã công tác tại Thư viện tỉnh Yên Bái 14
năm, chị Nguyễn Thị Hiền thấu cảnh bạn đọc tìm đến thư viện lớn nhất tỉnh thưa
dần: “Thật chạnh lòng khi phải đưa ra những con số về lượt bạn đọc. Tôi là
người hoài cổ nên thường hay mơ về những năm tháng mà bạn đọc phải xếp hàng ở
phòng mượn sách để chờ đến lượt. Là người trông coi, bảo quản sách tại đây, tôi
yêu những cuốn sách, trong đó là cả một kho kiến thức rộng lớn, vậy mà hằng
ngày phải chịu cảnh nằm yên trên giá”.
Trái ngược với cảnh đìu hiu ở phòng đọc
truyền thống, tại phòng đọc điện tử “khả dĩ” hơn. Song, bên cạnh những người
tra cứu thông tin thực sự lại có lượng khá đông bạn đọc dùng máy tính để lướt
facebook hay chơi điện tử.
Ở thư viện thì như vậy, dạo qua một số cửa
hàng sách trên địa bàn thành phố Yên Bái đều khá vắng những người tìm mua những
cuốn sách yêu thích, thay vào đó, ở các quán cà phê, rất nhiều người ngồi hàng
giờ bên chiếc máy vi tính để truy cập Internet, đọc sách báo trên mạng. Hầu hết
các cửa hàng sách trên địa bàn thành phố đều hoạt động theo mô hình sách giáo
khoa và thiết bị trường học.
Một vài cửa hàng sách khác mô hình này thì
lại hoạt động cầm chừng vì ít khách đến hỏi mua. Cửa hàng sách Hồng Hà của Sở
Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh là một trong số ít cửa hàng sách hiếm hoi
trên địa bàn thành phố không theo mô hình “Sách giáo khoa và thiết bị trường
học” thì lại khá vắng vẻ dù sách trong cửa hàng khá phong phú về nội dung cũng như
hình thức.
Mặc dù có rất nhiều đổi mới trong quản lý,
trưng bày, đầu tư nhiều đầu sách ở nhiều lĩnh vực, song hoạt động kinh doanh
của cửa hàng không hiệu quả và đã có chủ trương giải thể.
Anh Đức Thắng - phường Hồng Hà, thành phố
Yên Bái hiện đang là cán bộ kỹ thuật tại một công ty chia sẻ: “Tôi thường đặt
sách ở các nhà sách online, vì những cuốn đặc thù kỹ thuật tôi không thể tìm
mua được ở Yên Bái”.
Mặt khác, hiện nay không chỉ là các bạn trẻ
mà cả những cán bộ công chức dành thời gian cho facebook, phim ảnh... sau mỗi
giờ lên lớp, mỗi ngày làm việc. Em Thùy Linh, học sinh một trường THPT có tiếng
ở Yên Bái cho biết: “Em chỉ đọc sách giáo khoa và sách tham khảo trong chương trình
học. Đối với các loại sách khác em ít đọc. Thỉnh thoảng có thời gian em cũng
đọc một quyển sách nào đó nhưng phải là sách dễ đọc, vui vui chứ sách khô khan
thì không đọc”.
Còn em Thủy Hường - quê ở Văn Chấn đang là
sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Hà Nội chia sẻ:
“Đối với học sinh, sinh viên như chúng em, việc học ở trường đã chiếm phần lớn thời
gian nên không có nhiều thời gian cho việc đọc sách. Lúc rảnh rỗi, chúng em thường
xem ti vi, vào mạng Internet đọc những thông tin mới, nóng. Em chỉ đọc có một
cuốn sách từ đầu năm tới giờ đó là cuốn “Đắc nhân tâm”. Tuy vậy, vì bận học nên
chỉ khi nào có thời gian em mới “lôi” ra đọc”.
Chương trình học nặng, chiếm nhiều thời
gian của các em học sinh cũng là lý do mà Phó giám đốc Thư viện tỉnh
Nguyễn Xuân Thủy đưa ra để lý giải cho tình trạng vài năm trở lại đây lượng bạn
đọc đến thư viện thấp: “Các em học sinh đi học kín tuần, thứ 7, Chủ nhật được
nghỉ thì học năng khiếu, học thêm... Vì thế, đương nhiên không còn thời gian
đọc sách tại nhà chứ chưa nói việc đến được thư viện”. Do đó, theo thống kê của
Thư viện tỉnh, lượng bạn đọc vào dịp hè thường cao hơn.
Sự nỗ lực của nhà chức trách
Thực trạng về sách và văn hóa đọc trong
thời đại công nghệ thông tin ở Yên Bái có lẽ cũng là tình trạng chung trên toàn
quốc. Song, các cơ quan chuyên môn tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực nhằm thay
đổi tình hình, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Trong đó, phải kể đến
nỗ lực của Thư viện tỉnh trong đổi mới hình thức hoạt động, thu hút bạn đọc những
năm gần đây.
Ngoài đẩy mạnh các hoạt động thông tin,
tuyên truyền, giới thiệu sách, bổ sung vốn sách, báo với nội dung đa dạng,
phong phú, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, sở thích của bạn đọc, Thư viện đã chủ
động hướng dẫn bạn đọc khai thác và sử dụng vốn tài liệu hiện có của thư viện,
tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông
tin có hiệu quả nhất.
Bên cạnh duy trì hình thức mượn, đọc cá
nhân, Thư viện khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể, cho các lực
lượng vũ trang, các trường học... Thư viện đã tiếp tục liên hệ trực tiếp với
các trường học tổ chức cấp thẻ và phục vụ lưu động tại các trường tạo mọi điều
kiện để cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh... được đọc sách một cách tốt nhất.
Cùng với đó, công tác phục vụ ngoài thư viện được đẩy mạnh, đạt hiệu quả.
Bạn đọc tại Thư viện thị trấn Yên Thế (Lục
Yên).
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: “Thư
viện tỉnh đã mở rộng các điểm phục vụ lưu động tại 9 huyện, thị xã, thành phố
trong tỉnh. Đây là hoạt động phục vụ riêng biệt, đặc thù của một tỉnh miền núi
nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng về cơ sở, tăng cường nguồn lực cho cơ sở,
đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng
xa từng bước hình thành thói quen đọc sách và áp dụng những kiến thức đã đọc
vào sản xuất, học tập và đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn,
miền núi, thực hiện tốt Phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hoá, góp phần thực hiện chương trình Chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, Thư viện
tỉnh đã phục vụ lưu động 180 buổi. Trong đó, số lượt phục vụ vùng sâu, vùng xa
là 98 buổi, phục vụ 34.242 lượt bạn đọc, với 58.487 lượt sách, báo luân chuyển,
gần 30 nghìn bản sách được mượn tập thể, 3.139 lượt bạn đọc chương trình thư viện
điện tử.
Cùng với công tác phục vụ lưu động, năm
2015, Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển sách xuống 20/20 điểm bưu điện văn hóa
xã và các điểm luân chuyển sách tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ
các hoạt động trên, phần nào đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin và nâng cao mức
hưởng thụ sách báo cho người dân ở cơ sở, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong
nhân dân.
Cùng xây dựng văn hóa đọc
Trước ý kiến một số bạn trẻ cho rằng, nay
là thời đại của công nghệ thông tin, đọc sách trên mạng vừa nhanh, vừa đỡ tốn
kém. Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Suy nghĩ trên chỉ là cái nhìn bề nổi. Mạng
Internet có khối lượng thông tin lớn, nội dung phong phú, nhanh và cập nhật
nhưng khi đọc xong, thông tin đọng lại trong người đọc không được bao nhiêu. Người
đọc không thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn cũng như linh hồn mà tác giả
gửi gắm vào đó giống như đọc sách truyền thống. Khi đọc sách, người đọc cần
phải biết chọn lọc sách và phải biết kết hợp hài hòa giữa văn hóa đọc truyền
thống và văn hóa đọc hiện đại để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Hiện nay, ngoài thư viện truyền thống với
trên 200 nghìn bản sách, Thư viện tỉnh còn đầu tư xây dựng thư viện điện tử.
Song, trên giao diện, thư viện chỉ giới thiệu tóm lược các tài liệu, còn nếu
người đọc quan tâm đến tài liệu đó thì vẫn phải chọn mượn văn bản giấy. Và
người đến thư viện cũng hiểu rằng, không gian nơi đây thuận lợi cho việc
lĩnh hội tri thức và sáng tạo.
Đọc sách là một trong những cách thức giúp
con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thiết nghĩ,
việc giữ gìn, phát huy văn hóa đọc rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành
và toàn xã hội mà trước tiên văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình qua việc hình
thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ thuở ấu thơ.
Rồi tiếp đến là thầy cô - những người dẫn
lối cho trẻ đến với văn hóa đọc. Chính họ là những người sẽ kết nối với học
sinh về cảm xúc. Và nếu người thầy có thể khiến đám trẻ coi trọng sách - tạo ra
một kết nối thực sự, nhu cầu thực sự - đám trẻ có thể sẽ tắt màn hình. Chỉ cần
vài giờ thôi trong 24 giờ của một ngày, chỉ cần gia đình, nhà trường và xã hội
luôn quan tâm đến giáo dục cho giới trẻ thì chắc chắn văn hóa đọc sẽ mãi tồn
tại, cho dù công nghệ số phát triển đến đâu đi chăng nữa.
(Theo Báo Yên Bái)